Võ Hàn Lam
(VNTB) – Giá bán lẻ xăng ở Việt Nam tăng lên mức 24.330 đồng/lít, cao nhất 7 năm qua.
Việc phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu nhập khẩu khiến giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp trong thời gian qua, đang khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ giá cả các mặt hàng khác sẽ bị đẩy lên cao.
Đã vậy, ở kỳ điều chỉnh hôm 26-10-2021, liên Bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng, chỉ trích quỹ bình ổn với dầu mazut 100 đồng/kg. Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.100 đồng/lít, xăng RON 95 là 400 đồng/lít; với dầu diesel là 150 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít.
Nhiều người dân, doanh nghiệp đã có phản hồi không mấy tích cực về giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, đang gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 19-10 tăng mạnh so với kỳ tính giá ngày 11-10. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình 95,89 USD/thùng, xăng RON 95 là 98,63 USD/thùng, cùng tăng đến 9% so với kỳ trước. Giá dầu cũng biến động đi lên, dầu thô có ngày chạm mức 96,11 USD/thùng.
Tính từ ngày 11-11-2020, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 17 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần. Vì xăng dầu là mặt hàng đầu vào của hầu hết các lĩnh vực, nên khi giá xăng tăng như thời gian qua theo quy luật kinh tế thị trường, mua đắt bán đắt, mua rẻ bán rẻ nên việc giá xăng dầu tăng sẽ có nguy cơ đẩy giá các mặt hàng theo kiểu “té nước theo mưa”.
Cụ thể, biến động giá xăng dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo một số tiểu thương, giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng tăng liên tục, giảm rất ít, nên các mặt hàng đã bắt đầu tăng nhẹ, tăng theo giá xăng dầu.
Nhiều nhóm ngành hàng sẽ bị tác động theo hướng trực tiếp và gián tiếp. Đơn cử như doanh nghiệp vận tải, đánh bắt bằng tàu biển, nông nghiệp sử dụng xăng dầu, sản xuất điện… sẽ là những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ở các nhóm này, tốc độ tăng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ diễn ra nhanh hơn. Ví dụ như giá nhiên liệu chiếm tới 40% trong cơ cấu chi phí vận tải, nên việc giá nhiên liệu trên thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong năm sẽ tạo áp lực lên giá cước vận tải hàng hóa. Nhiều dự báo từ các chuyên gia cho hay, doanh nghiệp sẽ khó để giữ mức cước vận tải như cũ trước bối cảnh này.
Lưu ý, giá xăng dầu hoàn toàn có thể giảm mạnh nếu như cơ quan thuế điều chỉnh lại các sắc thuế, phí.
Về thuế phí, theo quy định hiện hành, xăng đang chịu 3 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế giá trị gia tăng (10%), cùng với thuế bảo vệ môi trường.
Theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/ lít, dầu diesel là 2.000 đồng/ lít, dầu hỏa là 1.000 đồng/ lít…
Bên cạnh đó là các khoản chi phí định mức 950, 1.050, 1.250 đồng/lít tùy loại; lợi nhuận định mức 300 đồng/lít… Vì vậy, với giá xăng dầu hiện nay, thuế phí đã chiếm quá nửa giá bán ra. Cụ thể, tỉ lệ thuế trong 1 lít xăng E5 RON92 là hơn 47%, cộng phí thì lên tới 64%.
Như vậy, cần xem xét giảm một số loại thuế phí, như thuế môi trường, để “hạ nhiệt” giá xăng dầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh đang bị bủa vây vì dịch bệnh, chưa kể giá nhiều loại hàng hóa đã tăng cao thời gian qua.