Nguyễn Nam
(VNTB) – Chúng ta hiểu rằng, không thể kéo dài mãi việc bắt bớ, tù tội vì không biết bao giờ mới thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy.
Những cán bộ trong sạch, có tâm cần có môi trường tốt và sự yên tâm, được bảo vệ để cống hiến chứ không phải nơm nớp lo sợ. Doanh nghiệp cũng cần có môi trường pháp lý và môi trường xã hội cởi mở để yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Người dân cũng cần tập trung làm ăn, thay vì tò mò, hiếu kỳ chờ đợi ai sẽ bị lộ, tử thần sẽ gọi tên ai…
Muốn như vậy, theo góp ý có lẽ chúng ta cần phải nhìn nhận thực tại một cách khách quan, chấp nhận nó, công nhận nó và tìm cách giải quyết một cách khách quan dựa trên sự ứng xử chân thành và công bằng với nó, mà không chụp mũ chính trị. Cụ thể là cần có chế độ bầu cử một cách minh bạch, công khai, công bằng; các ứng viên phải có cam kết rõ ràng và được giám sát, đánh giá sau mỗi một quá trình thực hiện cam kết của mình thay vì chạy chọt để xin phiếu.
Khuyến khích giới tri thức, người giàu có tham gia bộ máy quản lý nhà nước, khuyến khích họ làm quan chức để lấy danh thay vì làm quan chức để làm giàu. Dĩ nhiên đề nghị này xem ra sẽ đi ngược lại với tôn chỉ của người cộng sản là “quan chức không được có tham vọng”. Vậy thì để dung hòa, tại sao không nghĩ đến chuyện cạnh tranh sòng phẳng, tử tế giữa quan chức không đảng viên với đầy đủ tham vọng về danh – lợi trong khuôn khổ pháp luật, bên kia là các đồng chí đảng viên sẵn sàng khổ hạnh, cung cúc nghe theo lời của nhóm quyền lực chóp bu nào đó cho lý tưởng tìm kiếm con đường đi đến chủ nghĩa xã hội.
Bởi thể chế nào cũng phải hướng đến đích cuối cùng là dân thực sự giàu có, thật sự ổn định, đất nước phồn vinh thực chất chứ không phải chỉ cần trải qua đợt dịch giã là… trắng tay gia sản, trắng tay luôn cả niềm tin vào sự liêm chính của cán bộ như trận Covid-19 vừa qua.
Để làm được những điều trên mà không phải là các chủ trương mị dân, cần thật sự khuyến khích sự phản biện chính sách của nhiều thành phần trong xã hội, để qua đó có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp, có như thế mới đánh giá được tính hiệu quả của các cơ quan thẩm quyền lẫn của những người ban hành, vận hành các chính sách ấy nhằm giảm thiểu các rủi ro và hệ luỵ có thể phát sinh…
Sẽ có lập luận: Có quyền, có chức mới tham nhũng, làm thất thoát được. Chức, quyền càng cao sự giám sát càng thấp và cơ hội tham nhũng, đục khoét càng lớn.
Đồng ý lập luận trên nên công chúng có quyền ngờ vực cả Tổng bí thư, đến Thủ tướng rồi Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước…, tất cả đều cùng chung ‘màu cờ – sắc áo’ Đảng Cộng Sản. Vậy thì những người ngoài đảng làm sao để có thể kiểm soát – giám sát được sự liêm chính của các quan chức đầu lĩnh và quyền lực tối cao này trong một Quốc hội thiếu hẳn sự cạnh tranh của các ghế đảng phái chính trị mang tính so kè nhau trong phụng vụ?
Thay cho lời kết, xin được trích ý kiến như một liên tưởng gửi đến “tứ trụ triều đình” nhân vụ án đình đám về kit-test Việt Á đang bắt đầu phiên sơ thẩm: Dân Sài Gòn chết nhiều ở đợt dịch Covid, có thể cũng một phần do tính cách người Sài Gòn có thói quen tuân thủ luật. Họ nghi ngờ về kiến thức phòng chống dịch của ngài phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhưng họ vẫn chấp hành nghiêm lệnh cách ly, nhốt chung F0, F1… gây nhiễm chéo. Người già bệnh nền cần cấp cứu, bà bầu con nít… không ngoại lệ. Vào khu cách ly không người chăm sóc. Người nghèo đói ăn không có tiền không được về quê… gây nên khủng hoảng xã hội kinh hoàng.
Tuân thủ luật là một trong các thuộc tính của văn minh. Không lẽ, người Sài Gòn chết vì họ văn minh?
Cạnh tranh chính trị công bằng, không độc tài lãnh đạo, đó chính là thuộc tính của văn minh, của liêm chính mang tính bền vững cho kiểm soát tham nhũng.
1 comment
Đảng có quy trình thuyên chuyển cán bộ từ thời Tổng bí thư Trường Chinh, nên mở rộng phạm vi để bao gồm phần lãnh thổ của Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa bên kia biên giới . Lúc đó thì tha hồ