Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giải Quyết Trần Nợ Công Hoa Kỳ

Thái Hoá Lộc 

 

(VNTB) – Bản thỏa thuận nâng mức trần nợ đã được Hạ Viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với số phiếu 314/117.

 

Sau nhiều tháng bế tắc và những ngày cuối cùng chạy nước rút trước thời điểm vỡ nợ ấn định của chính phủ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng để nâng mức trần nợ. Bản thỏa thuận đúc kết này đã được Hạ Viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với số phiếu 314/117.

Trước khi thỏa thuận chuyển đến Hạ Viện, cả ông McCarthy và ông Biden đều ca ngợi thỏa thuận này, và cả hai gọi đó là một thỏa thuận dung hòa và bày tỏ sự tin tưởng rằng thỏa thuận sẽ được lưỡng viện của Quốc hội thông qua.

Thỏa thuận sẽ đình chỉ mức trần nợ cho đến đến ngày 1 tháng 1 năm 2025 và toàn bản văn dự luật này đã được công bố vào tối hôm Chủ nhật vừa qua, 28 tháng 5 năm 2023 trước ngày Chiến sĩ Trận Vong.

Một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm tăng mức trần nợ công 31,4 nghìn tỷ đô la của Hoa Kỳ phải đối mặt với thử thách đầu tiên tại Quốc hội vào thứ Ba (30/5), mở ra một tuần bỏ phiếu cam go trước khi Hoa Kỳ hết tiền để thanh toán các khoản chi. Ủy ban Luật pháp của Hạ viện sẽ xem xét dự luật dài 99 trang vào lúc 3 giờ chiều ngày 30/5, trước các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Cả Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và nhân vật hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đều tin tưởng rằng họ sẽ có đủ số phiếu để thông qua luật trước ngày 5/6, là thời điểm mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không có đủ tiền để trang trải các khoản chi tiêu…

Nhìn chung một cách tổng quát, gói thỏa thuận đáp ứng một số yêu cầu quan trọng của Đảng Cộng Hòa, bao gồm cắt giảm chi tiêu, yêu cầu về công việc để nhận trợ cấp của chính phủ, và các biện pháp khác. Mặc dù nhiều người trong nhóm họp kín của Đảng Cộng Hòa không hài lòng với gói này, cho rằng thỏa thuận này không đi đủ xa, nhưng ông McCarthy đã đáp lại trong lần xuất hiện trên Fox News hôm 28/05, nói rằng “Có rất nhiều điều tích cực trong thỏa thuận.”

“Đây thực sự là một bước đi đúng hướng,” ông McCarthy nói, so sánh gói này với các mức trần nợ trước đây mà không đi kèm cắt giảm chi tiêu. “Thỏa thuận này đặt chúng ta vào một quỹ đạo khác.”

Và ông nói thêm sự ủng hộ đối với thỏa thuận chung cuộc hôm nay là Đạo luật Trách nhiệm Tài chánh, ngay cả khi dự luật này vấp phải sự chỉ trích từ cả cánh tả và cánh hữu.

Đối với những người theo phái cấp tiến như Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington), lãnh đạo Nhóm Cấp tiến của Quốc hội, gói dự luật này quá thiên về cánh hữu. Dân biểu Stephanie Bice, người kiểm phiếu của Đảng Cộng hòa, nói bà tin rằng dự luật sẽ được thông qua. “Đó là một cuộc đàm phán thực sự và nó phản ánh một chính phủ bị chia rẽ”, bà nói với các phóng viên. Nhưng trước tiên nó sẽ phải được Ủy ban Luật pháp duyệt. Dân biểu McCarthy nói hôm 29/5 rằng ông không lo lắng Ủy ban Luật pháp sẽ chặn đường dự luật. Một cuộc bỏ phiếu thành công tại Hạ viện 314/117 mở đường cho cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần này tại Thượng Viện.

Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần nếu các nhà lập pháp tại đây cố tình làm chậm quá trình thông qua. Ít nhất một người đảng Cộng hòa, ông Mike Lee, đã nói rằng ông có thể sẽ làm như vậy, và các đảng viên Cộng hòa khác cũng bày tỏ sự khó chịu với một số khía cạnh trong thỏa thuận. Lý do dự luật muốn duy trì giới hạn nợ của Hoa Kỳ cho đến hết ngày 1/1/2025, cho phép ông Biden và các nhà lập pháp gạt vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. 

Dự luật cũng sẽ giới hạn một số chi tiêu của chính phủ trong hai năm tới, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các khoản ngân quỹ COVID-19 chưa sử dụng và đưa ra các yêu cầu về việc làm đối với các chương trình hỗ trợ lương thực cho một số người Mỹ nghèo.

Được xem là một chiến thắng nữa của đảng Cộng hòa, dự luật sẽ lấy đi một phần tiền ngân sách khỏi Sở Thuế vụ, mặc dù Tòa Bạch Ốc nói rằng không nên cắt giảm việc siết chặt các quy định về khai, nộp thuế. Ở phía bên kia, ông Biden cũng có thể đạt được một số điều như: bản thỏa thuận không đụng đến các luật về cơ sở hạ tầng và luật năng lượng xanh mang tính dấu ấn của ông, các mục cắt giảm chi tiêu và yêu cầu về việc làm đều nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì đảng Cộng hòa đã thúc đẩy. 

Các đảng viên Cộng hòa lập luận rằng việc cắt giảm mạnh chi tiêu là cần thiết để hạn chế sự gia tăng nợ quốc gia, ở mức 31,4 nghìn tỷ đô la, tương đương với sản lượng hang năm của nền kinh tế. Dân biểu đảng Cộng hòa Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán chính của ông McCarthy, thừa nhận sẽ là thách thức rất lớn để quốc hội thông qua dự luật về thỏa thuận về trần nợ công trước thời hạn cuối.

Một số thành viên bảo thủ của Hạ viện đã kích động chống lại thỏa thuận gần như ngay sau khi nó được công bố. Dân biểu Ralph Norman gọi đây là thỏa thuận “điên rồ”. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người được nhiều Dân biểu bảo thủ của phe Cộng hòa ủng hộ, từng nói rằng thà để cho nước Mỹ vỡ nợ còn hơn là chấp nhận một thỏa thuận “tồi tệ”.

Nợ công của Chính phủ liên bang Mỹ năm 2021 là 31.000 tỉ đô la Mỹ, bằng 120% GDP, thuộc loại cao nhất thế giới, dù vẫn còn thấp hơn Nhật Bản (261% GDP), Hy Lạp (237% GDP), Venezuela (158% GDP), Ý (145% GDP). Tỷ lệ nợ công trên GDP ở Mỹ hiện nay đã đạt mức cao nhất trong lịch sử Mỹ, cao hơn mức cao thời Thế chiến thứ 2. Mức cao đã tới gần 100% GDP từ những năm 2015-2016, đạt cao điểm 126% GDP đầu năm 2020 vì các chương trình chi tiêu liên quan đại dịch Covid-19.

Theo dự báo của chính phủ, các khoản thanh toán lãi cho khoản nợ đó ước tính sẽ chiếm một phần ngày càng tăng trong ngân sách trong những thập niên tới khi dân số già đi đẩy chi phí y tế và hưu trí tăng cao. Thỏa thuận sẽ không làm bất cứ điều gì để kiềm chế các chương trình đang phát triển. Phần lớn các khoản tiết kiệm sẽ do giới hạn chi tiêu cho các chương trình trong nước như nhà ở, kiểm soát biên giới, nghiên cứu khoa học và các hình thức chi tiêu “tùy nghi” khác. Chi tiêu quân sự sẽ được phép tăng trong hai năm tới. 

Tuy nhiên, trước khi được ông Biden ký ban hành và có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ cần phải vượt qua các bất đồng chính trị sâu sắc và thủ tục bỏ phiếu mất nhiều thời gian ở Quốc Hội.Thỏa thuận bao gồm nhiều thỏa hiệp mà cácnghị sĩ cứng rắn của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều không đồng tình. Chẳng hạn, theo các quy định áp được tái áp dụng vào 7 tới sau khi bị đình chỉ trong đại dịch Covid-19, những người 18-49 có thu nhập thấp, khỏe mạnh (không bị khuyết tật) và không có người phụ thuộc chỉ nhận được trợ cấp tem phiếu mua thực phẩm với điều kiện họ làm việc ít nhất 20 giờ mỗi tuần. 

Thỏa thuận về trần nợ công đề xuất mở rộng điều kiện làm việc tối thiểu 20 giờ mỗi tuần để nhận tem phiếu thực phẩm sang cả những người ở độ tuổi 50-55 thu nhập thấp, khỏe mạnh và không có người phụ thuộc. Một số Dân biểu đảng Dân chủ phản đối đề xuất này. Trong khi đó, các Dân biểu bảo thủ của đảng Cộng hòa cho rằng mức chi tiêu ngân sách trong thỏa thuận không bị cắt giảm mạnh như họ kỳ vọng…

Quy trình bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ đôi lúc bao gồm đàm phán cho các sửa đổi hoặc các nhượng bộ. Nếu vấp phải sự cản trở tối đa, Chủ tịch Thượng viện Chuck Schumer cho biết thủ tục bỏ phiếu tốn nhiều thời gian hơn, có thể kéo dài đến hết cuối tuần. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi như kỳ vọng, Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trần nợ công để chuyển đến văn phòng của Tổng thống Biden để ký ban hành. 

Trong dự luật giải quyết về trần nợ công Hoa Kỳ lần này, sự chia rẽ càng gay gắt hơn. Một điều chắc chắn là sự được hay thua không ở hai đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ mà chính là người dân Hoa Kỳ. Từ xưa đến bây giờ không có một cuộc giải quyết tranh chấp không bao giờ một bên toàn thắng. Nhiều người ủng hộ phe Cộng Hòa cho rằng cuộc bỏ phiếu vừa qua tại Hạ Viện với tỷ số 314/117 là “chúng ta hoàn toàn thất bại” và phe “xã hội chủ nghĩa” thắng thế và từ nay Hoa Kỳ chỉ còn một đảng duy nhất… 

Nhưng một số người khác có cái nhìn thoáng hơn cho rằng Đàng Cộng Hòa đã thắng một cách khôn ngoan về ngăn sự chi tiêu của chính quyền ông Biden qua Đạo luật Trách nhiệm Tài Chánh: “giảm thâm hụt tài chánh lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, khôi phục lại sự lành mạnh về kinh tế trong Hạ viện. Mặc dù nó không bao gồm mọi thứ mà HouseGOP đã đấu tranh để đạt được, nhưng sự thỏa hiệp này sẽ ngăn thói quen chi tiêu của Washington có thể khiến con cháu chúng ta phá sản.

Ngăn chặn DC tiêu xài phung phí. Giảm sự bành trướng của Washington. Chận 5 ngàn tỷ thuế của TT Biden.Thu hồi hàng tỷ không dung của quỹ Covid. Loại bỏ tiền trao cho đội thuế vụ mới. Cung cấp ngân quỹ của chương trình cho người già, cựu quân nhân, an ninh quốc gia. 

Sự lo lắng về vỡ nợ của Hoa Kỳ sẽ không xảy ra nhưng chắc chắn những phản ứng phê bình chỉ trích về trần nợ vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến mùa bầu cử 2024.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Khó khăn đang chờ đợi cựu Tổng thống Trump

Do Van Tien

VNTB – Con đường vào toà bạch ốc của cựu Tổng thống Trump 

Do Van Tien

Mỹ đứng đầu về kiều hối gửi về Việt Nam 2015

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.