Đặng Đình Mạnh
(VNTB) – Giải độc cho hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng vào lúc này chẳng khác nào giải thiêng cho ông Nguyễn Phú Trọng vừa được phong thánh khi mà mộ còn chưa xanh cỏ.
Sau 2 nhiệm kỳ giữ chức vụ Tổng Bí thư đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2021 đánh dấu năm sau cùng nhiệm kỳ thứ 2 của ông Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, tham chiếu Điều lệ Đảng, kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII tổ chức vào năm này lẽ ra sẽ bầu ra một tân Tổng Bí thư.
Thế nhưng, bất chấp, ông Trọng lại muối mặt ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 3 mặc cho Điều lệ Đảng đã quy định hạn chế nhiệm kỳ như thế nào đi nữa. Thậm chí, trước một số yêu cầu của đảng viên khi ấy rằng nên sửa đổi Điều lệ Đảng để ông Trọng có thể nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư nhiệm kỳ 3 cho hợp Điều lệ. Mặc thế, ông ấy vẫn bỏ ngoài tai và tự đặt ra thêm tiêu chuẩn “Trường hợp đặc biệt” để giữ chặt chức vụ Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3.
Trước sự việc người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngang nhiên nêu gương xấu, vi phạm Điều lệ Đảng, ngồi xổm lên nguyên tắc, bộ máy tuyên truyền đã tốn nhiều công sức giải thích, thuyết phục công chúng và đảng viên trong Đảng chấp nhận sự việc. Thậm chí, giao nhiệm vụ cho cả nhạc sĩ sáng tác bài hát “Bác ơi xin bác đừng về” để giả danh lòng ngưỡng mộ của công chúng, tha thiết mong ông Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3, như:
“Bác ơi xin bác đừng về
Bác làm khóa nữa cho dân được nhờ…”
Trước kia, lãnh tụ Cộng sản Hồ Chí Minh được cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chế độ tô hồng như huyền thoại, kể cả buộc văn nghệ sĩ sáng tác hàng loạt văn, thơ, nhạc, họa để ca ngợi. Nay phải kể ông Nguyễn Phú Trọng là nhân vật lãnh đạo thứ 2 trong Đảng được nhạc sĩ sáng tác nhạc phẩm để ca ngợi. Không chỉ vậy, hệ thống truyền thông thường xuyên gọi ông Trọng với từ xưng hô “Bác” cũng bao hàm định hướng công chúng về sự tôn sùng ông Trọng cũng phải bằng vai phải lứa như ông Hồ Chí Minh trước đây.
Hạ tuần tháng Bảy 2024, dịp ông Nguyễn Phú Trọng qua đời là lại thêm cơ hội cho bộ máy truyền thông tung hô ca ngợi ông ấy không tiếc lời trên mặt báo giấy, báo mạng và trên màn ảnh truyền hình: Nào là kiệt xuất, bản lĩnh, tài năng, xuất sắc, phẩm chất, kiên trung, trí tuệ, giản dị… Thậm chí, công chúng bị công an địa phương huy động ra đứng kín đầy lề đường vào giờ khắc xe kéo pháo có đặt linh cữu di chuyển qua để tạo hình ảnh tiếc thương của người dân thủ đô đối với ông Trọng.
Có vẻ như, ngay sau cái chết của mình, ông Trọng đã sớm được Đảng của ông ấy phong thánh bằng những lời lẽ có cánh…
Trong đám tang của ông Trọng, người ta thấy lộ ra gương mặt tươi cười không hề giấu diếm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một cựu thù chính trị của ông Trọng, người đã bị ông Trọng hạ bệ khỏi chức vụ Thủ tướng vào năm 2016. Chưa hết, trong buổi lễ kỷ niệm 79 năm ngày thành lập lực lượng công an nhân dân và buổi gặp mặt với các cán bộ lãnh đạo lão thành, hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng lại tái xuất hiện ngay bên cạnh ông Tô Lâm với mật độ ngày càng nhiều.
Không chỉ thế, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên là thành viên tổ tư vấn cho ông Nguyễn Tấn Dũng khi đang tại chức chức vụ Thủ tướng, cũng đăng tải bài viết trên trang mạng xã hội Facebook của mình kèm tấm ảnh chụp chung 2 người. Trong dòng trạng thái cùng với lời bình luận bên dưới, ông Nguyễn Sĩ Dũng đã ngụ ý về việc ông “Nguyễn Tấn Dũng là một nhân cách lớn” và ông cựu Thủ tướng đã im lặng chịu biết bao hàm oan suốt 8 năm qua như là “Sâu chúa”, “Trùm cuối” khiến công chúng không khỏi ngỡ ngàng.
Vì lẽ, trước nay, với lời tuyên truyền nửa úp, nửa mở từ chế độ, nhất là từ chính ông Nguyễn Phú Trọng, khi ông ấy mếu máo xuất hiện trên màn ảnh truyền hình, giọng nghẹn ngào thông báo rằng đã không thể kỷ luật được một đồng chí… Lúc ấy, quả thật công chúng đã tin rằng “Sâu chúa”, “Trùm cuối” đầy tội lỗi khi dung dưỡng, bảo kê tham nhũng, phá tan hoang nền kinh tế với những “Quả đấm thép” mang danh nghĩa tập đoàn… mà sau đó được lộ bí danh “Đồng chí X.”, chính là ông Nguyễn Tấn Dũng, người đã hạ cánh an toàn sau nhiều sai phạm tày trời của mình. Nay, hóa ra đó lại là một sự hàm oan!
Oan Thị Kính hay oan Thị Mầu?
Trước nay, công chúng vẫn quý trọng ông Nguyễn Sĩ Dũng vì sự thẳng thắn của ông ấy trong tư cách là nhà phản biện chính trị, xã hội. Nếu lòng tin của của công chúng đối với ông Nguyễn Sĩ Dũng là có cơ sở, thì có lẽ, ông Nguyễn Tấn Dũng oan thật chăng? Ông ấy vẫn là người “tử tế” trước cả khi ông ấy tạm biệt chức vụ Thủ tướng, chứ không phải chờ về hưu mới làm người “tử tế”?
Không chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng, hàng loạt bộ trưởng, thứ trưởng, các quan chức đầu tỉnh đều là những thuộc hạ thân tín của ông Dũng cũng buộc phải về hưu non hoặc vào nhà đá bóc lịch vì tham nhũng. Chẳng lẽ, họ cũng hàm oan như ông Dũng, hoặc nói khác, ông Trọng đã mượn danh “Đốt lò” để trả thù đàn em của cựu thù chính trị trong Đảng?
Nếu thế, ông “thánh” Trọng, người vừa được chế độ ca ngợi tràn cung mây cũng chỉ là kẻ gian hùng tranh đoạt quyền lực mà thôi ư?
Nhưng cho dù thế nào đi nữa, trên tất cả, sự giải độc cho hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng vào lúc này chẳng khác nào sự giải thiêng ông Nguyễn Phú Trọng vừa được phong thánh, khi mà ngôi mộ của ông “thánh” vẫn còn mới mẻ sau vài tuần lễ chôn lấp, có lẽ, cỏ vẫn chưa kịp xanh mồ mà chủ nhân đã không yên và câu nói “Mình phải có thế nào người ta mới thế chứ” đã vận vào chính cuộc đời của ông ấy.
DC, ngày 25/08/2024
1 comment
Tác giả nói thì nó cũng phải có đúng một chút chứ. đằng này lại đi nói năng sằng bậy, cư phùng mồn lên nói điêu về tình cảm của nhân dân vơi cố Tổng Bí Thư như thế là không được.
Còn giờ đây ông Dũng vẫn đang là Nguyên Thủ Tướng Chính Phủ nhé thằng nó bậy kí, bao giờ chứng minh là có tội thì khi đó hẵng hay!