Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giám định tư pháp trong giai đoạn điều tra hình sự đối với Trịnh Bá Phương

Thới Bình

 

(VNTB) –  Chuyển bị can sang “nhà thương điên” để “hỏi cung”, nhằm đẩy thêm sự khủng hoảng tâm lý đối với bị can?!

 

Bà Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, xác nhận với VOA rằng chồng bà đã bị chuyển từ trại giam ở Hà Nội sang Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 để giám định tâm thần vì ông Phương giữ im lặng, “không trả lời”, “không hợp tác” khi bị thẩm vấn, điều tra.

Theo VOA, ông Phương không phải là nhà hoạt động đầu tiên bị chuyển sang bệnh viện tâm thần trong thời gian bị giam giữ. Trước đó, ông Lê Anh Hùng, blogger của Đài VOA, cũng đã bị chuyển vào Bệnh viện tâm thần Trung ương 1. Tin cho hay ông Hùng gần đây bị biệt giam vì không chịu uống thuốc tâm thần. Ông Lê Anh Hùng bị bắt giữ vào tháng 7/2018 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” (*).

Ông Lê Anh Hùng là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

Liệu khi bị can giữ im lặng, “không trả lời” lúc bị thẩm vấn, thì người ấy có dấu hiệu tâm thần?

Trong một cách nhìn ‘lật ngược’ vấn đề: phải chăng ông Trịnh Bá Phương im lặng, “không trả lời”, vì ông đã bị tra tấn trong quá trình được gọi là “thẩm vấn”? Điều này hoàn toàn khả năng xảy ra, nếu như liên tưởng đến những câu chuyện ngợi ca khí tiết người cộng sản “khi bị giặc bắt, tra tấn, tù đày”…

Câu hỏi đặt ra, cứ tạm tin ông Trịnh Bá Phương chọn im lặng vì “không hợp tác”, vậy thì pháp luật tố tụng quy định ra sao ở giai đoạn điều tra của việc “chuyển vào Bệnh viện tâm thần Trung ương 1” như với ông Phương, và cả trường hợp của ông Lê Anh Hùng?

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 206.1 cho biết bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ. Như vậy, việc chọn “im lặng” của người bị buộc tội trong trường hợp ông Trịnh Bá Phương cho thấy biểu hiện của hành vi được gọi là “bất hợp tác” hơn là biểu hiện của hành vi lệch lạc tâm thần.

Ở đây, rất có thể trong trường hợp ông Trịnh Bá Phương, phía điều tra viên khi tiến hành hỏi cung đã mặc định bị can có tội, dẫn đến sự ức chế tâm lý khiến ông Trịnh Bá Phương chọn việc im lặng. Tiếp theo đó, “chiến thuật hỏi cung” là chuyển bị can sang “nhà thương điên” để “hỏi cung”, nhằm đẩy thêm sự khủng hoảng tâm lý đối với bị can.

Trong lúc đó thì về mặt đối ngoại, nhà chức trách Việt Nam sẽ viện dẫn các nội dung sau đây để ‘phúc đáp’ mỗi khi có ‘chất vấn’ từ tổ chức nước ngoài – đại để sẽ có các nội dung được viện dẫn căn cứ pháp luật nghe rất có lý:

“Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi rằng “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.

Như vậy, bị can không đồng nghĩa với khái niệm là người có tội. Đây là 01 vấn đề mang tính nguyên tắc, được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự – nguyên tắc suy đoán vô tội.

Do vậy, bị can là người đã bị khởi tố hình sự mặc dù bị hạn chế về một số quyền công dân, xong bị can vẫn còn những quyền cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là những quy định thể hiện sự thể chế hóa của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam”…

Tuy nhiên phần lớn vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, việc hỏi cung luôn coi “bị can” là “bị cáo”, với mặc định là người đã bị khởi tố dứt khoát đã phạm tội. Và “chiến thuật hỏi cung bị can” là thay đổi nên “lấy cung” thay vì ở nơi tạm giữ, thì giờ dời sang phòng bệnh nào đó ở “nhà thương điên” với lý do là “trưng cầu giám định tư pháp” (?!)

________________

Chú thích:

(*)https://www.voatiengviet.com/a/nha-hoat-%C4%91ong-trinh-ba-phuong-bi-chuyen-di-giam-dinh-tam-than/5823938.html


Tin bài liên quan:

VNTB – Giãn cách chồng giãn cách lợi gì cho dân?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nga sẽ xây trạm không gian tại Cà Mau – Việt Nam?

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam trả lời LHQ về Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Thị Đoan Trang

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo