Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa như vụ án Đồng Tâm

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa lưu động…”

 

Mẫu câu nói trên thường được báo chí sử dụng khi tường thuật các buổi xét xử lưu động để người dân dễ dàng tham dự.

Xét xử lưu động hiện nay vẫn chưa có khái niệm được nêu rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có thể hiểu nôm na thế này là việc tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai không phải tại trụ sở tòa án mà thường tại nơi tội phạm thực hiện.

Cho đến thời điểm hiện nay, việc xét xử lưu động không được quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, có chăng cũng chỉ nằm trong các dạng chỉ thị, quyết định để thực hiện các chiến dịch phòng chống tội phạm, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Điều này, khiến cho các cơ quan xét xử không có cơ sở để xác định vụ án nào thuộc trường hợp phải xét xử lưu động, trường hợp nào không – duy chỉ có 1 số văn bản yêu cầu không xét xử lưu động đối với người phạm tội chưa thành niên nhằm tránh ảnh hưởng tương lai của họ sau này, khiến cho việc quyết định 1 vụ án có nên xét xử lưu động hay không đều mang cảm tính của cơ quan xét xử.

Như đã nêu ở trên, mục đích chính của việc xét xử lưu động này là để phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, nếu các vụ án trọng điểm chẳng hạn như vụ thảm sát 6 người Bình Phước, 4 người ở Yên Bái xét xử tại phòng xử án của tòa thì sẽ không đủ chỗ để người dân có thể đến xem, hoặc một số vụ án muốn đưa ra để giáo dục pháp luật nhân dân nhưng nếu xét xử tại tòa sẽ ít người đến xem.

Với cách hiểu quen thuộc nói trên, từ yêu cầu phát huy tác dụng chính trị, và nếu hành vi phạm tội đúng như cáo trạng, thì có lẽ vụ án Đồng Tâm cần được tổ chức xét xử lưu động ngay tại cánh đồng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Báo cáo thành tích vào dịp tổng kết năm, các ‘format’ luôn có nội dung tương tự thế này:

“Trong năm qua, tòa án nhân dân hai cấp đã giải quyết hơn XXX vụ việc trong tổng số XXXn vụ việc các loại đã thụ lý, đạt tỷ lệ hơn 96%. Trong đó, giải quyết được hơn XXX vụ án hình sự với XXXX bị cáo, gần XXXX vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và XXX vụ án hành chính.

Tòa án nhân dân hai cấp phối hợp với công an, viện kiểm sát nhân dân tỉnh/ thành và các cấp chính quyền địa phương đưa ra xét xử lưu động XXX vụ án hình sự, tập trung vào các loại tội như: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; trộm cắp tài sản; đánh bạc; giết người; môi giới mại dâm…

Nhìn chung, các vụ án đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ án điển hình được dư luận quần chúng quan tâm, địa điểm xét xử lưu động là nơi xảy ra tội phạm, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, nơi cư trú của tội phạm… Qua công tác xét xử lưu động cho thấy, hầu hết các phiên tòa đều thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự; các bản án và hình phạt nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, được người dân đồng tình cao.

Một số tội phạm khi đưa ra xét xử lưu động đã kết hợp với các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm như đợt cao điểm tháng hành động phòng chống ma túy, mua bán người… từ đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức pháp luật, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhân dân, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị, ổn định an ninh và trật tự xã hội ở địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Quá trình xét xử, tòa án tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như quần chúng nhân dân tiếp cận pháp luật; trang bị cho người dân những kiến thức cần thiết để không vi phạm pháp luật. Mặt khác, thông qua phiên tòa, người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm; củng cố niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Rõ ràng với những mẫu câu quen thuộc như trên, nếu vụ án Đồng Tâm được xét xử lưu động, rất có thể có cái kết được trích trong báo cáo thành tích cuối năm của tòa án Hà Nội, như sau (giả định):

“Với quyết tâm chính trị cao nhất, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực phòng ngừa, đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng cũng như các hành vi lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội, xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh tổ quốc trong tình hình mới.

Cụ thể, với việc phiên tòa về vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử lưu động phiên sơ thẩm từ ngày 7/9 tại cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Là một phiên toà hình sự được xét xử lưu động với sự tham dự đông đảo của quần chúng nhân dân xã Đồng Tâm và cơ quan báo chí, đã góp phần bẻ gãy các thế lực chống phá đã và đang cố tình chụp mũ “khiếu kiện dân oan” để hướng lái, xuyên tạc bản chất vụ án, tạo điểm nóng miệt thị Đảng, Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng.

Phiên tòa lưu động hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm còn góp phần thực hiện tốt yêu cầu giáo dục pháp luật cho đảng viên, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bảo vệ bí mật Nhà nước; thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực quản lý đất đai…”.

Thực tế vụ án Đồng Tâm ở hiện tại tuy không có những diễn biến như tình huống giả định nói trên, song đã mang đến nhiều bài học về pháp luật cho người dân.

Đặc biệt là từ những lâp luận ở phía luật sự tham gia bào chữa, cho đến luật sư bảo vệ quyền lợi phía bị hại, đã giúp người dân ý thức hơn nữa ở việc cẩn trọng trong việc chớ vội tin vào những cáo buộc, song lại thiếu chứng cứ khoa học chuyên ngành – mặc dù kiến thức đó có thể chỉ là phần hóa học của học trò khối lớp tám.

Một bài học về luật pháp khác mà người dân rút ra được từ phiên xét xử hình sự vụ án Đồng Tâm, là khi phía đại diện viện kiểm sát bất ngờ chuyển tội danh từ giết người sang chống người thi hành công vụ cho phần nhiều bị cáo ngay tại phiên xét xử, đã thể hiện viện kiểm sát và cơ quan điều tra chưa hẳn điều tra kỹ về sự việc, tình tiết khách quan, vì hai tội danh này có yếu tố cấu thành khác hẳn nhau về cơ bản. Và điều này càng không thể liên quan đến việc “vận dụng chính sách pháp luật hình sự khoan hồng, nhân đạo”.

Người dân cũng được nhắc nhở lại bài học về pháp luật, khi xét trong yêu cầu công vụ từ chuyện công tố viên thay đổi tội danh này, đó là phải xem xét tính hợp pháp và tính hợp lý của công vụ đã thực hiện cụ thể, không hẳn hợp pháp và không hẳn hợp lý thì hành vi chống trả cho công vụ đó cần được bảo vệ hoặc cần được giảm trách nhiệm.

Còn về kết quả chết của bị hại, rõ ràng bài học giáo dục pháp luật ở đây là cần xem xét về phòng vệ chính đáng, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì giảm trách nhiệm theo pháp luật…

Giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa như vụ án Đồng Tâm, còn là qua đó cho thấy có những khoản mờ khó hiểu mà ở nhiệm kỳ mới của đảng chính trị cần phải giải quyết căn cơ.

Tin bài liên quan:

VNTB – Kiểm duyệt thông tin về vi rus corona phản tác dụng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Show diễn có nhiều bê bối, hay đó là sự tắc trách của cơ quan cấp phép?

Do Van Tien

VNTB – Những trường hợp làm chết người nhưng không phải ở tù?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo