VNTB – Giáo viên, biên chế và Osin

VNTB – Giáo viên, biên chế và Osin
Kỳ Lâm (VNTB) Giáo dục Việt Nam vẫn nóng câu chuyện tách – nhập kỳ thi THPT, bên cạnh đó, câu chuyện về biên chế và nguồn sống giáo viên cũng là một câu chuyện không nhỏ…
 

 

Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9.

 

Sở dĩ phải chú tâm vì đối với ngành nào cũng có hiện tượng xin nghỉ việc, nhưng với ngành giáo dục thì rất hiếm. Thậm chí nếu thử tìm kiếm trên Google, thì chỉ thấy hai tin liên quan, một là vào năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh với “các giáo viên trẻ xin nghỉ việc giữa chừng vì lương bèo bọt”, hai là “một giáo viên làm đơn xin nghỉ việc, ra khỏi biên chế ngành giáo dục”.

 

Đối với tin thứ hai, nó nổi bật và hơi chấn động khi mà biên chế vẫn là nỗi khát khao đối với nhiều giáo viên và sinh viên ngành sư phạm. Nhưng khi báo giới tìm hiểu kỹ lý do, thì mới nhận ra là do địa điểm dạy quá xa và khó khăn, trong người cô giáo bị bệnh nên cô mới đâm đơn xin ra khỏi… biên chế.
Trong khi đó, trong tin tức nổi lên gần đây, một nữ giáo viên tại xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã chấp nhận đổi tình với Phó Hiệu trưởng trường đã đổi lấy biên chế.
Vậy biên chế là gì mà nó sức hút mạnh đến như vậy?
Nó là trường hợp được tăng lương theo thâm niên, bằng cấp; được cử đi học, được hưởng đầy đủ thu nhập them…. Nhưng quan trọng, biên chế là sự ổn định gần mức tối đa, người vào biên chế thường phải vi phạm cực kỳ nghiêm trọng mới có thể đuổi ra khỏi ngành.
Chính tính ổn định đó cũng tạo nên sức hút của biên chế, cũng như tính ù lì trong đội ngũ thuộc biên chế, vì phần đông họ không còn một nhu cầu về mặt cạnh tranh, điều này càng thể hiện rõ đối với đội ngũ giáo viên. Thậm chí, một tờ báo đã đặt câu hỏi, lương giáo viên bèo bọt, thấp hơn Osin (người giúp việc), mà tại sao ai cũng muốn vào? – Và biên chế chính là câu trả lời. Giáo viên đổi lương bổng lấy sự an toàn.
Câu chuyện biên chế giáo viên từng gây ầm ĩ trên báo, và ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng từng có một cuộc đối thoại với Gs. Ngô Bảo Châu, và ông Hoàng Minh Sơn về vấn đề này. Và tác giả bài viết rất lấy làm đồng ý với ý kiến của ông Sơn, tức là chấm dứt biên chế chính là nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Cần phải loại bỏ yếu tố an toàn hay vỏ kén giáo dục để tạo ra sức cạnh tranh mới cho người dạy học, cũng là yếu tố quyết định đổi mới trong giáo dục. Nhưng đi xa hơn là chấm dứt tệ nạn chạy tiền, đổi tình để đổi lấy biên chế trong thời gian vừa qua, và tạo một cơ hội tốt cho các giáo viên có tài năng, tâm huyết có thể đi vào và chấn hưng nền giáo dục.
Việc chấm dứt biên chế cũng sẽ tạo một địa chấn cơ cấu lương lại cho người giáo viên và nó sẽ tinh giản biên chế về mặt giáo dục. Thiết lập lại nhu cầu đầu ra – đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, chấm dứt nạn 3 điểm/ môn đậu như báo chí vừa qua đã phản ảnh. Tuy nhiên, đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng cực kỳ khó khăn mà thầy cô giáo phải vừa làm công tác dạy học, vừa làm công tác tuyên truyền nhằm lôi kéo con em đồng bào đến học thì thay vì cào bằng (đồng loạt bỏ biên chế) thì vẫn nên có một chế độ đặc biệt – tức là vẫn giữ biên chế nhằm tạo sự chia sẻ cần thiết với những nhà giáo ở đây. Đây cũng là cách thức khiến cho đổi mới toàn diện, nhưng vẫn mang tính đặc thù.
Nội dung bàn về biên chế nhưng lại nâng cao quan điểm “Đảng lãnh đạo’ trong giáo dục của Tuần báo Văn nghệ Tp. HCM. Ảnh: chụp màn hình
Trong một “ý kiến khác” có liên quan đến loại bỏ biên chế. Vào ngày 25/08,Tuần báo Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh cho đăng tải bài viết mang tên Góc nhìn khác về việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục . Bài viết này đặt ra một giả thuyết đầy mê hoặc về cái gọi, tổ chức Đảng trong nhà trường sẽ bị triệt tiêu nếu “giáo viên là đảng viên cũng có thể bị cắt hợp đồng”.
Thậm chí, bài viết còn “góc nhìn khác” ở mức độ rất tả: Có phải chăng ngành giáo dục không cần Đảng lãnh đạo? Không cần có những hạt nhân nòng cốt là đảng viên? Không cần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa như cương lĩnh mà Đảng đã đề ra? Điều này cũng có nghĩa là ngành giáo dục không có trách nhiệm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Hay nói cách khác là ngành giáo dục muốn đi tiên phong trong việc xóa bỏ tổ chức Đảng để dẫn dắt xã hội đi theo chiều hướng khác?
Đây là một bài viết “nâng cao quan điểm quá đà”, và thực tế những ý kiến này dù không nhiều, nhưng vẫn là một sức ỳ ngay trong nội bộ ngành giáo dục. Chính yếu tố doạ dẫm “Đảng” này cũng phơi bày một sự triệt tiêu lẫn nhau về mặt tư tưởng, sáng tạo (vốn cần thiết của người dạy học) trong ngành, cũng như làm nỗi dậy chủ nghĩa cơ hội trong ngành giáo dục “trồng người”. Hay nói chính xác hơn, tính Đảng trong giáo dục (như cách bài viết đề cập) đã tạo động lực khiến cho người giáo viên trở nên ù lì hơn, đến mức độ nhẫn nhục chịu đựng như Osin – họ tìm cách bám víu vào biên chế như một sự ổn định đến mức không chịu phát triển, trở thành những thành phần chống đối dữ dội nhất đối với các cuộc cải cách, đổi mới giáo dục thực sự. Chính vì vậy, những bông hoa đẹp nhất vườn hoa XHCN thực chất là những bông hoa thủ cựu nhất, cơ hội nhất của vườn hoa.
Kết
Giáo viên luôn là một cụm từ cần được tôn trọng, và sự tôn trọng nhất là cho phép họ được cạnh tranh trong một môi trường cần phải thay đổi liên tục theo nhịp sống thời đại. Hiện nay, không còn nên giữ quan điểm hay tư duy “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, mà nên tập trung theo hướng – “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Chỉ khi ngành giáo dục làm vậy, thì lương giáo viên sẽ được nâng lên, thoát khỏi kiếp Osin, và tệ nạn hủ hoá – cơ hội – Đảng phái trong ngành sẽ dần giảm xuống và đi đến triệt tiêu.
Vấn đề đặt ra là, ngành giáo dục có dám làm không? Hay chỉ loanh quanh chuyện tách- nhập kỳ thi THPT như trong thời gian qua.

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)