Hoài Nguyễn
(VNTB) – 6 tên cầm mã tấu, bình xịt cướp heo quay cúng cô hồn bị xử tội “cướp tài sản”
Theo quan điểm của người xưa thì việc giựt (giật) cô hồn đồng nghĩa với việc những xui xẻo, không may của gia chủ sẽ được người khác lấy đi mất. Vì thế, tập tục giựt cô hồn đã được duy trì cho đến ngày hôm nay.
“Giật cô hồn” là cách nói gọn của cụm từ “giật đồ cúng cô hồn”. Phong tục giật cô hồn tại Sài Gòn phổ biến nhất ở khu vực quận 5, quận 6 và quận 11, thường thấy ở các hộ gia đình gốc Hoa có kinh doanh. Gia chủ sẽ xếp tiền nhiều mệnh giá khác nhau rồi ném đi người qua đường tranh nhau nhặt.
Người Việt thì xem bố thí là tinh thần chủ đạo trong tháng 7 âm lịch, dành cho người sống lẫn người đã khuất. Cúng thí thực cô hồn dành cho những vong hồn không có người thờ tự, sau vật phẩm như bánh, mía, gạo, mè, dầu được mang phát cho người nghèo. Phong tục này gắn với đời sống tâm linh của con người.
Trước kia, việc “giật cô hồn” thường là trò chơi của những đứa trẻ. Người ta quan niệm rằng, các cô hồn rất yêu trẻ con, chính vì vậy khi chứng kiến đám trẻ hào hứng, vui vẻ, cô hồn sẽ không phản ứng. Vậy là đám trẻ chỉ chờ gia chủ cúng xong, khi nhang tàn, chúng sẽ có dịp để nhào tới giành giật đồ ăn.
Việc mâm đồ cúng bị trẻ con tranh giành sạch sẽ được coi như điều may mắn cho gia chủ vì họ cho rằng đã làm hài lòng các cô hồn. Nhiều người còn quan niệm, trẻ con ăn đồ cúng sẽ được mạnh khỏe, không bị bệnh.
Thế nhưng, theo thời gian, khi đời sống xã hội ngày càng khấm khá, người ta bắt đầu chú trọng hơn vào những vật phẩm xuất hiện trên mâm cúng cô hồn. Không còn đơn giản chỉ là những bánh trái đơn giản, ngày nay không khó để bắt gặp những mâm cúng tươm tất hơn, xuất hiện thêm con gà cúng, lợn quay, thậm chí là không thể thiếu những tờ tiền với mệnh giá cao.
Đối với họ, việc cúng cô hồn không còn đơn giản chỉ là hành động mang tính nhân văn nữa mà theo quan điểm của một bộ phận nào đó, càng nhiều “cô hồn” giật đồ cúng thì gia đình đó càng trở nên thịnh vượng, giàu có.
Vậy thì khi nào “giật cô hồn” là vi phạm pháp luật hình sự, bởi ở đây có lằn ranh của “giật/ giựt” và “cướp”?
Xin dẫn chứng một vụ án xảy ra trong dịp rằm tháng Bảy ở tỉnh Long An hơn chục năm trước, và nội dung vụ án cho thấy đây là hành vi “cướp”, nên việc “giật có chủ đích” đã phải nhận án tù.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, kẻ khơi mào cho màn ăn cướp đồ cúng là Nguyễn Văn Sơn: Do biết được ngày 31-8-2012 các công ty trong khu công nghiệp Đức Hòa 1 – Hạnh Phúc có cúng rằm tháng Bảy (cúng cô hồn) nên trước đó, vào ngày 24-8, Nguyễn Văn Sơn rủ Nguyễn Thành Đạt, Văn Kiệt, Văn Hào đi giật đồ cúng thì tất cả đồng ý.
Sáng ngày 31-8, Hào điều khiển xe mô-tô bảng kiểm soát 17H4-6736 chở Sơn, Đạt điều khiển xe Dream không biển số chở Kiệt cùng nhắm hướng khu công nghiệp Đức Hòa 1 – Hạnh Phúc với kỳ vọng sẽ hôi được nhiều của cúng rằm từ các công ty. Khi chạy xe đến Công ty cổ phần PHL thuộc ấp 5 xã Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa) thì Văn Kiệt phát hiện bên trong công ty, cách cổng chính khoảng 20m có con heo quay nặng 21kg được đặt trên bàn cúng.
Sơn và Đạt đi vào công ty, đến nơi đặt heo quay, Đạt ôm lấy con heo mang đi thì bị bà Nguyễn Thị Gái là công nhân của công ty giật lại làm con heo quay rơi xuống đất. Đạt và Sơn bỏ đi ra ngoài cổng nơi Hào – Kiệt đang đứng đợi. Kiệt nói: “Đi mà không cầm hàng theo thì sao giật được!”.
Ngay khi vụ đầu thất bại, nghe Kiệt phân tích, cả đám hiểu ra rằng nếu chúng cầm mã tấu trên tay thì việc cướp… heo sẽ rất dễ dàng vì chẳng ai dám chống cự. Vậy là có mã tấu lận lưng, cả nhóm cùng nhau quay lại Công ty PHL.
Đến trước cổng, Đạt cầm mã tấu nghênh ngang cùng Sơn bước vào bên trong công ty nhằm vào con heo quay thì gặp lại bà Gái. Thấy bộ dạng đằng đằng sát khí của tên cầm “hàng”, bà Gái chỉ biết nói “heo chưa cúng mà cưng”. Phớt lờ, Đạt xông tới, tay cầm mã tấu, tay còn lại ôm lấy con heo quay chạy đi. Lúc này ông Lã Văn Ký là bảo vệ công ty nhìn thấy bọn cướp heo trắng trợn nhưng thấy Đạt tay cầm mã tấu và đi cùng đồng bọn nên không dám chống cự.
Khoảng 9g30 cùng ngày, 6 tên “cướp cô hồn” lại lên đường. Khi chạy đến Công ty TNHH Vô Sông, phát hiện tại tiền sảnh cách cổng công ty 20m có đặt trên bàn 1 con heo quay nặng 34kg, Tài và Kiệt mỗi tên cầm một cây mã tấu, Sơn cầm bình xịt hơi cay, 3 tên xông vào công ty để cướp heo quay. Sơn và Kiệt đứng chặn cổng canh nếu bảo vệ đóng cổng sẽ ngăn cản.
Không chấp nhận cái kiểu cướp cạn ngông nghênh ấy của đám “cô hồn”, chẳng ngại chúng có mã tấu và bình xịt hơi cay, hai nhân viên Nguyễn Văn Thực (42 tuổi) và Lê Văn Hùng (49 tuổi) là bảo vệ công ty cùng quần chúng quyết truy đuổi và bắt được Hào giao cho Cơ quan Công an. Khoảng 12g cùng ngày, các tên Sơn, Kiệt, Tài, Đạt, Tâm lần lượt đến Công an xã Đức Hòa Đông đầu thú.
Khi đưa vụ việc ra xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên bố cả bọn phạm tội “Cướp tài sản” và tuyên Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thành Đạt, Văn Hào, Nguyễn Thành Tài mỗi người chịu mức án 7 năm tù giam. Riêng Văn Kiệt bị tuyên 5 năm tù và Nguyễn Văn Tâm 6 năm tù. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao sau đó tuyên y án tại phiên xét xử hình sự phúc thẩm.
Clip tư liệu này kèm theo bài viết này cho thấy ở 124 năm về trước thì những người tham gia nhặt của bố thí cho thấy toàn là những người rất nghèo, thành phần tham dự đa phần là trẻ con, chúng chỉ tranh thủ nhặt của bố thí. Còn hình ảnh nhặt của bố thí tại thời điểm 124 năm sau, nhìn có vẻ không nghèo như người xưa, thành phần tham gia toàn là người lớn, và họ nhặt trong tâm thế không phải tranh thủ mà là tranh giành.