Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giống và khác nhau giữa Huỳnh Văn Nén và Hồ Duy Hải

Thảo Vy

(VNTB) – Với những tình tiết như nêu trên, cho thấy nếu đã chấp nhận những thiếu sót trong thu thập vật chứng, lời khai nhận của nghi phạm… để kháng nghị ở vụ án Huỳnh Văn Nén, thì cũng phải chấp nhận việc kháng nghị đối với vụ án Hồ Duy Hải.

 

Kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén

Việc quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật chỉ là một yếu tố cần nhưng chưa đủ của một nhà nước pháp quyền. Trong một nhà nước pháp quyền, ngoài các tiêu chí khác, thì cần đòi hỏi phải áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

Việc áp dụng thống nhất pháp luật của tòa án thể hiện ở chỗ những vụ án giống nhau thì phải được xử một cách giống nhau.

VKSND Tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm số 30 ngày 24-10-2014 đối với bản án hình sự sơ thẩm số 96 ngày 31-8-2000 của TAND tỉnh Bình Thuận.

Trong kháng nghị, VKSND Tối cao đề nghị TAND Tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần tội danh và hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” đối với Huỳnh Văn Nén; giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Theo VKSND Tối cao, đây là vụ án không quả tang, quá trình điều tra, xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đã có nhiều thiếu sót, vi phạm. Cụ thể, trong việc thu thập vật chứng, khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không thu giữ được số vật chứng như: sợi dây dù Nén khai dùng để siết cổ nạn nhân (bà Lê Thị Bông), ổ khóa nhà bà Bông và 1 chỉ vàng 24K của bà Bông. Các sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây Nén dùng để siết cổ bà Bông.

Bên cạnh đó, VKSND Tối cao nhận thấy các lời khai nhận tội ban đầu của Nén không phù hợp với hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi.

Các tình tiết ở vụ án Hồ Duy Hải cũng tương tự với vụ án Huỳnh Văn Nén, song cả TAND Tối cao lẫn VKSND Tối cao đều cho rằng không có căn cứ cho kháng nghị.

Vụ án Huỳnh Văn Nén: có “cung”, không “chứng”

Kháng nghị của VKSND Tối cao đánh giá vụ án Huỳnh Văn Nén có hàng loạt thiếu sót và vi phạm tố tụng mà cấp sơ thẩm đã phạm phải. Theo Viện, đây là vụ án không phạm tội quả tang nhưng quá trình điều tra cơ quan chức năng không thu được chiếc nhẫn vàng của bà Bông, một trong những vật chứng quan trọng, cùng với ổ khóa mà nghi phạm khai đã lấy trong nhà nạn nhân và làm rớt trên đường chạy trốn.

Sợi dây thu giữ trong quá trình điều tra, theo VKSND Tối cao, không liên quan đến sợi dây hung thủ dùng để siết cổ nạn nhân là bà Bông. Theo lời khai của Nén, gây án xong ông này cầm sợi dây bỏ trên đường mòn. Trong khi đó, lúc thu hồi tang vật, sợi dây siết cổ bà Bông lại nằm trên bãi cỏ, cách xa đường mòn hơn 100 m.

Kết quả khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra thu được hai dấu chân. Cụ thể: Phía hiên nhà chính hướng Tây Nam phát hiện một dấu bàn chân không dép in hằn dưới cát. Dấu chân này do bàn chân phải để lại có kích thước 23 x 9 cm, gót rộng 4,5 cm. Phía trong nhà phát hiện trên mặt ghế salon bọc da có 3 dấu chân không dép in đất lên mặt ghế kích thước 22 x 8,5 cm, gót rộng 4 cm.

Khoảng 2 năm sau thời điểm xảy ra vụ án, cơ quan điều tra mang chiếc ghế này vào trại giam cho ông Nén đứng lên để so sánh. Kết quả dấu chân của Nén thu được là 22,5 x 8,5cm, gót rộng 4 cm. Tuy nhiên, lý giải về sự không trùng khớp này, cơ quan điều tra cho rằng “có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch”.

Về vấn đề này, VKSND Tối cao nhận định, cấp sơ thẩm căn cứ vào các dấu chân để lại hiện trường, kết quả so sánh kích thước dấu chân nhưng không xác định được sự đồng nhất giữa vết bàn chân để lại hiện trường và dấu vết bàn chân của Nén như: so sánh khoảng cách và chiều dài các ngón chân, so sánh về khoảng cách các mu bàn chân, các vân trong lòng bàn chân… Đồng thời, căn cứ vào cách giải thích nói trên để xác định đó là dấu chân của Huỳnh Văn Nén là không có cơ sở khoa học.

Vụ án Hồ Duy Hải: ngụy tạo vật chứng, nhân chứng

Vụ án xảy ra tại bưu điện Cầu Voi, Long An vào đêm 13/1/2008. Cáo trạng quy kết, 2 nhân chứng Đinh Vũ Thường và Hồ Văn Bình đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra án mạng. Nhưng các biên bản lời khai của ông Bình ngày 28/1/2008 và của ông Thường ngày 31/3/2008 đều xác nhận, chỉ nhìn thấy 1 thanh niên ngồi trên ghế ngay bàn salon trong bưu điện.

Cụ thể 2 nhân chứng này chưa bao giờ khẳng định đã nhìn thấy Hải mà chỉ thấp thoáng 1 thanh niên, không thể nhận diện được người thanh niên đó do tầm nhìn bị ngăn cách bởi 1 lớp kính, khoảng cách xa (6 – 12m), điều kiện ánh sáng ban đêm…

Tại các bản án sơ, phúc thẩm, cáo trạng và kết luận điều tra quy kết Hải dùng con dao Thái Lan dài 28cm, ngang 3cm có tại bưu điện Cầu Voi sát hại 2 nạn nhân. Nhưng công tác khám nghiệm hiện trường dù đầy đủ thành phần, đông người chứng kiến lại xác nhận không hề có con dao nào.

Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận “trên kính (cửa vào buồng ngủ) có dấu vết đường vân” (vân tay người), “ở mặt trong của kính trên cánh cửa (buồng vệ sinh) có 1 số dấu vết đường vân”, “trên labo rửa có 1 số dấu vết đường vân”… Ngoài ra trong các cáo trạng còn nói rõ, khi gây án Hải không sử dụng bao tay, không có hành động xoá dấu vết tại hiện trường gây án…

Vậy chắc chắn phải thu giữ được dấu vân tay của Hải tại hiện trường vụ án? Nhưng tại bản kết luận giám định số 158 ngày 11/4/2008 của phòng Kỹ thuật hình sự, công an tỉnh Long An lại khẳng định “có dấu vết vân tay thu giữ được tại hiện trường vụ án… không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.

Kết luận điều tra còn đề cập, khi vào bưu điện Cầu Voi trong đêm 13/1/2008 Hải “bỏ dép ở bậc tam cấp và đi vào”. Như vậy, Hải gây án khi không mang dép và không thể tạo dấu vết dép tại hiện trường. Nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường lại ghi nhận “trên mặt nệm ghế có dấu vết máu quệt và dấu vết đế dép dính những hạt cơm khô”. Vậy dấu dép này là từ đôi dép nào, của ai (?) đến nay vẫn là hoài nghi, chưa được làm rõ.

Một vật chứng quan trọng khác là cái thớt gỗ; cơ quan tố tụng cáo buộc Hải dùng đập đầu nạn nhân Hồng. Khi khám nghiệm hiện trường công an ghi nhận, trên đầu nạn nhân có thớt gỗ nhưng không thu giữ do không có dấu vết liên quan đến vụ án. Thực tế trong vòng 3 tháng sau khi bị bắt (từ tháng 3 đến đầu tháng 6/2008) Hải không hề khai dùng thớt gỗ đánh vào đầu nạn nhân Hồng; chỉ tới biên bản hỏi cung ngày 11/6/2008 Hải mới khai báo về hung khí là cái thớt gỗ.

Vậy là vào ngày 24/6/2008, cơ quan điều tra yêu cầu chị Lê Thị Thu Hiếu (là bạn của 2 nạn nhân Hồng và Vân, thường xuyên có mặt tại bưu điện Cầu Voi) đi mua một cái thớt về, rồi cho rằng Hải đã dùng một cái thớt như vậy để tấn công nạn nhân Hồng, khi gây án.

Án lệ Huỳnh Văn Nén

Khái niệm “án lệ” được hiểu là chế độ trong đó Thẩm phán tiến hành xét xử không mâu thuẫn với quan điểm pháp lý được thể hiện trong phần xét xử của Tòa án cấp cao nhất của một nước, đối với các vụ án tương tự.

Khái niệm án lệ tiếp tục được sử dụng chính thức tại Nghị quyết số 49-NQ/TW như sau: “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Việc nghiên cứu và tiến tới sử dụng án lệ, được đánh giá là nhằm tạo sự thống nhất trong công tác xét xử giữa các cấp Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật để xét xử, bảo đảm sự thống nhất của các bản án, quyết định của Tòa án.

Như vậy, với những tình tiết như nêu trên, cho thấy nếu đã chấp nhận những thiếu sót trong thu thập vật chứng, lời khai nhận của nghi phạm… để kháng nghị ở vụ án Huỳnh Văn Nén, thì cũng phải chấp nhận việc kháng nghị đối với vụ án Hồ Duy Hải.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bình Thuận: Bức xúc việc Công an đánh con, mẹ quyết khởi kiện…!

Phan Thanh Hung

VNTB – Hoan hô sự suốt của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao

Phan Thanh Hung

VNTB- Ông Vương Đình Huệ: ‘63 tỉnh, 63 nền kinh tế’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo