Anh Văn (VNTB) – Người ta đến chùa để… hối lộ Phật. Người ta hóa vàng trong chùa.
Đầu năm, các cô, các bác làng tôi lại rủ nhau lên chùa cầu an. Mẹ kể, thường người ta đi chùa từ đêm giao thừa, hái lộc chùa về nhà, cầu xin cho năm mới bình an, sung túc. Nhà nào bận quá, sẽ thư thả để sang mấy hôm sau. Nhưng rồi cũng sẽ lên chùa, xin lộc Phật!
Tôi cũng theo chân mẹ vài lần, khi ấy còn nhỏ, chỉ đủ thấy cảnh mọi người thành tâm nghe Kinh Phật, chắp tay thành kính dâng hương. Dạo gần đây mới được thấy cảnh chùa nơi khác trên báo chí: tiền nhét đầy tay Phật, tiền rải khắp lối đi, nơi ban thờ; tượng được người đi chùa xoa nhẵn bóng.
Kẻ tay Phật được người tận dụng nhét tiền |
Khi xưa đức Phật Thích Ca từ bỏ cuộc sống sung túc của một hoàng tử, để lại phụ vương, ngai vàng, vợ đẹp con xinh và cuộc sống hạnh phúc để “tu hành, quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, cầu cho mình khỏi khổ và được chánh giác để phổ độ chúng sanh đều được giải thoát”. Cốt là để thoát khỏi trần tục, bi ai; đam mê trần tục, bạc tiền, danh vọng vọng phải bị loại ra khỏi đầu óc.
Người xưa đến với chùa là đến với nơi trang nghiêm, cho tâm thanh tịnh. Người ta do đó thường chọn ngày lành đầu tiên trong năm để đến chùa lễ Phật, hoặc đến đình lạy Thánh, với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ.
Lễ chùa ngày nay thì đúng là quá nhiều “tệ nạn”. Người ta đến chùa để… hối lộ Phật, đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng lòng tượng, (thậm chí đút cả vào miệng tượng), người ta hóa vàng trong chùa. Bởi rằng quan niệm càng cung tiến nhiều tiền vàng, càng thể hiện lòng thành và ước nguyện sẽ nhanh chóng được thực hiện. Người ta còn khéo quan niệm: “Đi lễ đầu năm dùng tiền lẻ sẽ rải được nhiều chỗ, từ đó có thêm nhiều may mắn, vạn sự tốt lành. Nếu rải số tiền lớn thì nhiều người sinh lòng tham lại nhặt mất, coi như mình mất lộc”.
Xưa, chùa làng nào, dân làng nấy thờ. Còn nay, nhiều người do tâm lý đám đông, nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến thắp hương, còn chùa làng mình thì quên bẵng mất. Chưa kể, người đi chùa, người này nhìn người kia rồi bắt chước theo, kẻ rờ tượng Phật lấy may, người rải tiền khắp khuôn viên chùa cầu tài lộc. Những người buôn bán cũng nhân đây mà làm dịch vụ “đổi tiền lẻ”. Khách càng đông, chùa càng nhiều lớp tiền.
Tiền nhét đầy dưới tượng Phật |
Cơ mà, may mắn, tài lộc đâu đến từ việc “hối lộ” Phật như thế. May mắn, tốt lành là đến từ tâm thanh tịnh, từ việc thiện tích đức. Đến chùa là để học hỏi chánh pháp, tập tu đức hạnh, tìm sự an lạc trong tâm thái. Người đến chùa cúng dường có thể dâng hoa quả, trái cây, tiền giúp xây dựng chùa thì bỏ vào thùng Công đức. Vì rằng Phật vốn không cần phẩm cúng dường của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi dâng phẩm cúng dường, chúng ta tích lũy được nhiều công đức. Quan trọng là cái tâm khi đi chùa, chứ không phải ở tiền.
Tôi lấy làm xót, bởi chốn chùa vốn linh thiêng, thanh tịnh, nay trở thành nơi trao đổi, mua bán, thậm chí “hối lộ”, mong đổi chác với Phật bằng những vật chất tầm thường. Phật là tại tâm, sống tích đức theo điều răn dạy của Phật, như vậy cũng là một cách tu hành, không cứ gì phải cúng tiền cho Phật, xoa tượng Phật thì mới may mắn.
Đi chùa đầu năm để tịnh tâm, cầu an cho gia đình trong năm mới là nét đẹp văn hóa Việt. Thế nên, đừng biến tướng nó trở thành hình ảnh vừa xấu, vừa bất kính, làm mất trang nghiêm nơi chùa. Người dân khi đi lễ chùa nên tìm hiểu một chút. Tránh để những hành động tưởng chừng mặc nhiên là đúng ấy có dịp được phô ra cái chưa hay, chưa phải ở nơi chốn thiêng liêng này. Đừng để chùa nay khác chùa xưa!