Đông Đô
(VNTB) – Rất có thể Hà Nội đang trong thời gian ‘miễn dịch cộng đồng’, vì dường như không lần nào ‘tụ tập đám đông’ mà Hà Nội lại bùng dịch Covid cả.
Ngày 29-10-2021, chủ tịch thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 243/QĐ-UBND, trong đó quy định: Khi tập trung trên 30 người thì phải đáp ứng các điều kiện sau: Đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh; Có kết quả xét nghiệm âm tính Covid trong 72 giờ; Ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương; Thực hiện yêu cầu phòng dịch khác của Bộ Y Tế..
Vậy mà hình ảnh đăng trên báo chí thì ngày 07-11 người ta lại vô tư tạo ra cảnh chen chúc trong dịp khai trương đường sắt Cát Linh – Hà Đông, phớt lờ quy định trên. Như này thì khác nào xổ toẹt vào cái văn bản vừa ban hành, bởi chắc chắn dòng người kia không thể ai cũng có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ…
Trước đó, tối 21-9-2021, tức đêm Trung thu, rất nhiều người dân ở Hà Nội đã đổ về các tuyến phố chính ở quận Hoàn Kiếm để vui chơi Trung thu khiến tình trạng tập trung đông người, ùn tắc giao thông diễn ra tại nhiều tuyến phố chính.
Ngay sau khi xảy ra sự việc biển người đêm Trung thu Hà Nội này, lên tiếng cảnh báo trên báo chí, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng người dân đã quá chủ quan trong phòng chống dịch bệnh khi vẫn đi chơi Trung thu rất đông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Hà Nội hiện nay vẫn còn nguy cơ dịch Covid-19, chính quyền Hà Nội nới lỏng nhưng ý thức người dân lại không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. “Hiện dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Đây là tín hiệu mừng.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh một số tỉnh vẫn phức tạp. Hà Nội nới lỏng giãn cách là đúng đắn, tuy nhiên sau một thời gian dài giãn cách người dân có tâm lý muốn ra đường do vậy cần hết sức chú ý. Do tình hình dịch của Hà Nội vẫn phức tạp, chưa thể khẳng định hết các ca trong cộng đồng.
Lúc này, chúng ta không nên chủ quan. Càng lúc này, người dân càng phải nâng cao ý thức, nâng cao cảnh giác. Người dân cứ chủ quan lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên. Ví dụ như đêm qua trong số những người đi chơi Trung thu đó có những ca F0 trong cộng đồng thì rất nguy cơ rất cao. Nếu người dân không ý thức phòng dịch thì lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong toả…” – PGS-TS Trần Đắc Phu nêu vấn đề.
Tuy nhiên sau đó thì không có chuyện bùng dịch cộng đồng nào xảy ra ở Hà Nội.
Có ý kiến, sở dĩ Hà Nội vẫn bình yên vì họ đã được phủ vắc xin phòng Covid từ rất sớm, và đặc biệt là được chích ngừa bằng những vắc xin Pfizer, Moderna hoặc chí ít cũng là AstraZeneca.
Một dẫn chứng cho cách đặt vấn đề trên: Hà Nội đã triển khai chích ngừa Covid đại trà trong dân chúng ít nhất là từ tháng 6-2021.
Tin tức cho biết, chiều 22-6-2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thông tin Hà Nội vừa ghi nhận một trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, là T.H.L. (nam, sinh năm 1995), ở Đông Anh, Hà Nội, nghề nghiệp giáo viên.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy khoảng 8g20 ngày 20-6, ông L. đến điểm tiêm tại Trạm y tế xã Nam Hồng, được khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19 và đủ điều kiện tiêm chủng (thân nhiệt 36,1 độ C; huyết áp 130/80 mmHg; mạch: 80 lần/phút; nhịp thở: 18 lần/phút, không có tiền sử bệnh lý). Ông L. được chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất. Sau tiêm, ông được theo dõi 30 phút tại Trạm y tế và hướng dẫn tiếp tục theo dõi tại nhà theo đúng quy định.
Đến 21g55 ngày 21-6, Trạm y tế Bắc Hồng nhận được thông báo của người nhà ông T.H.L. cho biết ông xuất hiện co giật. Sau 15 phút kể từ khi nhận được thông báo, đội cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã có mặt tại nhà người bệnh và tiến hành cấp cứu tích cực; đồng thời đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ.
Sau 30 phút được cấp cứu, tình trạng ông L. tiến triển xấu, toàn thân tím tái, mạch cảnh không bắt được; huyết áp không đo được; đồng tử giãn từ 5 đến 6 mm… Ông đã được chuyển ngay đến bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Tại đây, ông L. tiếp tục được cấp cứu tích cực. Tuy nhiên, đến 23g15 ngày 21-6 ông L. tử vong.
Sở Y tế Hà Nội cho biết qua quá trình rà soát cho thấy Trạm y tế xã Nam Hồng đã công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định. Ngày 20-6, Trạm y tế xã Nam Hồng tiêm vắc xin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất số lô ABX1466, hạn dùng 31-8, cho 100 người. Sau tiêm chủng, ngoài trường hợp ông L., các trường hợp còn lại hiện tại sức khỏe bình thường.
Kết luận của hội đồng chuyên môn cho biết: “Đây là trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân sau 39 giờ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Qua các biểu hiện lâm sàng và kết quả pháp y hiện chưa thấy có bằng chứng cho thấy tử vong do phản vệ hoặc tắc mạch, cần tiếp tục thực hiện các xét nghiệm vi thể và giải trình tự gene để có kết luận.
Vắc xin được Bộ Y tế cấp, có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ sổ sách, hóa đơn và phiếu xuất kho. Quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin và quy trình thực hành tiêm chủng đúng quy định”.
Phải đến ngày 10- 9-2021, Hà Nội mới bắt đầu đưa vắc xin Vero Cell của Trung Quốc vào chích cùng với các loại vắc xin khác là Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Trong khi đó thì từ trung tuần tháng 3-2021, Hà Nội đã bắt đầu tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Như vậy nhìn tổng thể, Hà Nội không hề xem chống dịch như một trò đùa mà không ít người đã phê phán “Chu tổng trấn”.