Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
(VNTB) – Tàu chiến này nhằm thể hiện sự cam kết ngày càng tăng của Berlin trong khu vực này – nhưng cũng nhằm biểu lộ chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khi đi qua Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố yêu sách lãnh hải rộng lớn dựa trên các đảo không có người ở hoặc bồi đắp nhân tạo, tàu chiến Đức không có ý định đi xuyên qua vùng 12 hải lý của Trung Quốc trong khu vực này vì muốn tránh xung đột với chính quyền ở Bắc Kinh.
Hôm thứ Ba ngày 3 tháng 4, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Liên bang Đức và Bộ Quốc phòng Đức cho biết rằng Hải quân Đức sẽ gửi một tàu khu trục đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vào mùa hè năm nay.
Chuyến đi của tàu chiến Đức sẽ nhấn mạnh vai trò chính sách đối ngoại mà chính phủ Đức đã mô tả trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương công bố hồi tháng 9 năm ngoái; tàu khu trục Đức cũng sẽ đi qua Biển Đông trong hành trình của nó.
Trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà đã có hiệu lực bằng một nghị quyết của Nội các, được khẳng định là sẽ củng cố vai trò của Đức “với tư cách là một tác nhân xây dựng và là đối tác” trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Kể từ tháng 12 năm ngoái, mối quan hệ giữa Đức và ASEAN được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Các quốc gia ASEAN là hiện thân của khẳng định trên. Chiến lược trên cũng đề cập rõ ràng đến các vấn đề an ninh, nhưng đồng thời lại diễn tả rằng các nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực rõ ràng không nhằm vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tuy nhiên, việc điều động tàu khu trục này được Chính phủ Liên bang Đức hiểu là một dấu hiệu để chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Các giới chức của hai Bộ đều cho rằng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cực kỳ năng động với tầm quan trọng về kinh tế và chính trị ngày càng tăng sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc “định hình trật tự quốc tế trong tương lai”.
Do đó, sự can dự ngày càng tăng của Đức phù hợp với các lợi ích chiến lược của Đức. Sự can dự này đã được các nước trong khu vực hoan nghênh, đồng thời củng cố và bảo vệ “các nguyên tắc và giá trị đa phương, dựa trên luật lệ của chúng ta, chẳng hạn như cam kết của chúng ta đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.
Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer giải thích lý do cho kế hoạch điều động tàu chiến trong bài phát biểu của bà vào tháng 11 năm ngoái tại Đại học Quân sự ở Hamburg:
“Tôi vui mừng vì Chính phủ Liên bang Đức đã thông qua chiến lược nhiều phương diện về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả chính sách an ninh và quốc phòng. Như thế, tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đã được công nhận đầy đủ. Để thực hiện chủ nghĩa đa phương vốn rất quan trọng đối với chúng ta, hợp tác quốc phòng và an ninh ngày càng mở rộng và củng cố quan hệ đối tác của chúng ta với các nước bạn ở Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore“.
„Đức sẽ hiện diện nhiều hơn, chẳng hạn như bằng cách thông qua nhiều sĩ quan liên lạc hơn và trong năm tới bằng một tàu chiến của Hải quân Đức, nếu tình hình Corona cho phép. Chúng ta sẽ giương cao lá cờ cho các giá trị, lợi ích và đối tác của chúng ta“.
Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Liên bang Đức và Bộ Quốc phòng Đức cho biết lộ trình chuyến đi này đã được lên kế hoạch cụ thể:
Một tàu khu trục của Hải quân Đức dự kiến sẽ rời cảng Wilhelmshaven vào đầu tháng 8/2021 và đi qua Địa Trung Hải đến Ấn Độ Dương, đến Úc, sau đó đến Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc…) và vào cuối tháng 2 năm sau sẽ trở về lại Đức sau hành trình kéo dài 6 tháng. Tàu chiến Đức cũng sẽ cập bến thăm các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Khi đi qua Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố yêu sách lãnh hải rộng lớn dựa trên các đảo không có người ở hoặc bồi đắp nhân tạo, Đức cần tránh xung đột với chính quyền ở Bắc Kinh. Hai Bộ cho biết tàu chiến Đức không có ý định đi xuyên qua vùng 12 hải lý của Trung Quốc trong khu vực này.
Tuy nhiên, Đức coi Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tháng 7/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc là có hiệu lực, phán quyết này đã bác bỏ yêu sách lãnh hải rộng lớn của Trung Quốc đối với vùng biển – một phán quyết mà Trung Quốc không công nhận.
_______________
Chú thích