Trùng với thời điểm Ủy ban Kiểm tra trung ương bất ngờ công bố tên một số quan chức như Võ Kim Cự, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thái Lai… “dính” vụ cấp phép cho thuê đất và cấp phép xả chất thải cho nhà máy Formosa Hà Tĩnh, Ngân hàng Nhà nước cũng có động tác yêu cầu “các ngân hàng thương mại nhà nước rà soát, tổng hợp và báo cáo về số tiền dự kiến cho vay, khoanh nợ, số tiền lãi cần được cấp bù theo Quyết định 12/QĐ-TTg tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trước ngày 08/3/2017”.
Động tác trên nằm trong đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.
Liệu đề án trên có khả quan hơn hứa hẹn “sẽ chi hết tiền bồi thường cho ngư dân” của Thủ tướng Phúc từ tháng 8/2016, nhưng qua hai đợt giải ngân và cho tới nay, số tiền bồi thường mà 4 tỉnh miền Trung đã nhận được mới chỉ có 4,680 tỷ đồng, tức chỉ bằng khoảng 1/3 tổng số tiền bồi thường. Mà đây cũng chỉ là con số báo cáo, trong khi nhiều người dân phản ánh vẫn chưa nhận được tiền.
Còn với một số gia đình ngư dân đã nhận tiền, họ phản ánh số tiền bồi thường là quá còm cõi, chỉ đủ chi dùng trong 3 đến 6 tháng. “Sau nửa năm nữa thì chúng tôi biết sống bằng gì?” – những ngư dân này kêu lên với phóng viên.
Còn bây giờ, cái cách Ngân hàng Nhà nước “vào cuộc” làm người ta nhớ lại cơ quan này cùng hệ thống ngân hàng thương mại cấp dưới của nó đã “giúp ngư dân vay tiền đóng tàu sắt để đối phó với Trung Quốc” ra sao.
Hãy nhớ lại, những hứa hẹn của chính phủ “cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt” từ giữa năm 2014 đã trôi ngược lên Trung Nam Hải. Sau một thời gian tuyên truyền lẫn tuyên giáo như thể nhà nước sẽ làm tất cả cho ngư dân của mình, một lần nữa trong rất nhiều lần người dân lại mất nốt những hy vọng xót xa còn lại.
Bị giới ngân hàng chỉ biết “còn đảng còn tiền” bày ra vài chục loại thủ tục, và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều ngư dân khác đã phải nuốt giận rút hoặc hủy hồ sơ vay vốn. Kế hoạch “đóng tàu sắt” của Việt Nam cho tới nay có thể xem như bị phá sản, ngược lại với thực tế hàng chục ngàn tàu sắt của ngư dân Trung Cộng, được Bắc Kinh trang bị đến nơi đến chốn, để ồ ạt đánh bắt cá ở Biển Đông.
Trong khi đó, vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết xảy ra ở khu vực Trường Sa vào tháng Mười Một, 2015 cho đến nay vẫn hoàn toàn chìm xuồng. Chính quyền Việt Nam vẫn không hề đoái hoài đến việc tìm ra thủ phạm, còn tất cả những gì được coi là “sẽ điều tra làm rõ” của các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn là không công bố được bất kỳ manh mối nào về kẻ thủ ác, vẫn cấm khẩu đến mức đáy lương tâm.
Nếu xét theo bài học đắt giá mà ngư dân buộc phải nhận từ chính sách “cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt”, sẽ không khó để hình dung rằng đề án của Ngân hàng Nhà nước “đảm bảo an sinh xã hội cho người dân 4 tỉnh miền Trung” sẽ thuộc loại đầu voi đuôi chuột. Rất có thể, việc “rà soát” mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cũng sẽ được tiến hành tương tự cái cách mà Thủ tướng Phúc từng yêu cầu chính quyền 4 tỉnh miền Trung “thống kê, xác định thiệt hại của ngư dân”, nhưng phải mất đến 6 tháng sau đó mới cho ra được vài bản báo cáo quan liêu và tắc trách.
Để cuối cùng những nạn nhân môi trường mới là kẻ phải ăn “quả lừa” cay đắng tiếp nối cay đắng.
Lê Dung / SBTN