Diễm Thi
(VNTB) – Hà Nội vào mùa thu-đông mờ ảo như Đà Lạt, không phải là sương mù, mà là bụi mịn.
Thủ đô của Việt Nam chứng kiến sự gia tăng liên tục ô nhiễm không khí và bụi mịn liên tục đạt ngưỡng đỏ – nâu (cấp độ nguy hiểm).
Sau khi báo chí truyền thông xã hội phản ánh cảm xúc nổi giận, chính quyền Hà Nội mới chính thức vào cuộc, tất nhiên sau cảnh báo từ Bộ Y tế.
Ô nhiễm không khí tồi tệ. Và chiều 19/12, trong cuộc họp với UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng một số bộ ngành về tình hình ô nhiễm không khí, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà nêu bốn giải pháp cấp bách.
Về bốn nhóm giải pháp
Vấn đề ô nhiễm của Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh không thể giải quyết được cốt lõi nếu không giải quyết được vấn đề cơ sở hạ tầng, xe công cộng và các nhà máy nhiệt điện than tại miền Bắc.
Chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sang CNG, LPG trên các tuyến xe buýt tại Hà Nội là điều tốt, nhưng số lượng xe buýt thân thiện môi trường vẫn nhỏ hơn so với xe bút sử dụng dầu. Tổng số tuyến xe buýt kiểu này là 7/104 tuyến xe buýt tại hà Nội.
Tuyến BRT được cho là nâng cao khả năng giao thông công cộng tại Hà Nội đã chấm dứt vai trò vào năm 2018 vì thiếu hiệu quả do nạn tắc đường và không giữ được khả năng phân làn riêng.
Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được kỳ vọng sẽ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tuy nhiên, tuyến đường trị giá trên 200 triệu USD vẫn chưa đưa vào sử dụng do thiếu 1% nghiệm thu, vì chất lượng công trình.
Sẽ chẳng thể nào điều tiết được giao thông hay giảm ách tắc giao thông khi mà hệ thống giao thông công cộng không đầy đủ.
Riêng đối với nhà máy nhiệt điện than tại miền Bắc, có vẻ nó nằm trong giải pháp “lâu dài” mà Bộ trưởng Hồng Hà đề cập. Thế nhưng sẽ khó thực thi, vì liên quan đến tổng thể nguồn điện cung cho cả nước, trừ phi điện hạt nhân được tái khởi động trở lại.
Xe đạp là giải pháp cần thiết
Xe đạp là phương tiện thân thiện tuyệt đối với môi trường và giá trị của nó đáp ứng tính “cấp bách” lẫn “lâu dài”.
Chính quyền Hà Nội nên nghiêm túc trong hoạch định các chính sách riêng dành cho loại hình xe này.
Sử dụng xe đạp, sẽ giúp thay thế lượng xe máy và ô tô, do đó giảm lượng khí thải. Nếu 5% người chuyển từ ô tô sang xe đạp trong khoảng cách kết nối 6 km mỗi ngày, sẽ tiết kiệm khoảng 7,5 triệu lít dầu diesel / xăng.
Phương pháp triển khai ắt đầu từ bắt buộc học sinh sử dụng xe buýt đến trường để theo học các trường lân cận cách nhà không quá 2 km. Khuyến khích sử dụng xe đạp bằng cách đặt nhiều lối đi cho xe đạp và điểm trung chuyển bằng xe đạp.
Thiết lập sơ đồ phương tiện (xe đạp, xe 2 bánh, ô tô). Người đăng ký chương trình như vậy có thể nhận một chiếc xe từ bất kỳ điểm nào và thả nó ra ở một điểm khác trong phạm vi quyền hạn của chương trình. Quản lý lượng xe đạp trung chuyển này có thể tiến hành bằng thiết bị định vị GPS và số nhận dạng cá nhân.
Cạnh đó, thiết lập những tuyến đường cấm hoàn toàn xe ô tô và xe cơ giới không dùng CNG, LPG, một khu vực “không có xe cộ”. Điều này có thể thực hiện được, bởi lẽ Hà Nội đã áp dụng thành công quy hoạch các tuyến đường đi bộ quanh Hồ Gươm vào các ngày Chủ nhật, sau đó mở rộng sang thứ 7, và tuyến đường cũng mở rộng ra vòng ngoài của Hồ Gươm.
Người viết từng đến Hàng Châu (Trung Quốc), nơi đang giải quyết nạn ô nhiễm không khí bằng… xe đạp. Đặc biệt tại khu Hồ Tây, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Và chính sách của chính quyền Hàng Châu là tạo ra làn đường và tín hiệu giao thông dành riêng cho người đi xe đạp và đã cung cấp gần 86.000 xe đạp công cộng. Người sử dụng xe đạp được cấp một thẻ từ, và thẻ từ này được sử dụng từ xe đạp đến xe buýt.
Chính quyền Tp. Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh có thể thiết lập cơ chế khuyến khích xe đạp, dựa vào tích lũy số km đạp xe để quy ra điểm thưởng cho rèn luyện (ở các trường học) hoặc điểm thưởng mang hàng (tại các cửa hàng tiện ích).
Quay trở lại Trung Quốc, chính sách ưu tiên cho xe đạp được chính quyền Bắc Kinh áp dụng đến mức thiết lập một đường cao tốc xe đạp đầu tiên của thành phố cho người dân vào tháng 5/2019. Trong bối cảnh hiện tại, Hà Nội cũng có thể tận dụng làn đường BRT, thậm chí là đường sắt trên cao để thực hành chính sách xe đạp hóa này.
Nhìn chung, xe đạp – biểu tượng thời bao cấp tại Hà Nội, nên được coi là giải pháp chống ùn tắc và giảm ô nhiễm không khí tại thành phố lớn. Một cách quay trở lại thập niên 70-80 của thế kỷ XX, nhưng đó là sự quay lại đáng giá và hoàn toàn bền vững về mặt giao thông và sức khỏe cộng đồng.