Cát Tường
(VNTB) – Hợp đồng giả cách giữa bà Kim Oanh và cha con Dr. Thanh bị hình sự hoá
“Đây là cuộc chơi của Thanh, phải chơi theo luật của Thanh” – ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát nói với nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh khi yêu cầu phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần hai dự án sang cho hai con gái ông, thì mới đồng ý cho vay tiền.
Thỏa thuận dân sự
Theo kết luận điều tra, năm 2017, bà Đặng Thị Kim Oanh đã mua 2 dự án bất động sản là dự án khu dân cư – dịch vụ tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (còn gọi là dự án Minh Thành) với giá 530 tỷ đồng, mới thanh toán được 265 tỷ và dự án khu dân cư Nhơn Thành tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (còn gọi là dự án Nhơn Thành), bà Oanh đã thanh toán số tiền chuyển nhượng 72,2 tỷ.
Hai năm sau, Công ty Kim Oanh Đồng Nai cần vay vốn để tiếp tục đầu tư các dự án và thanh toán số tiền mua dự án Minh Thành còn nợ. Bà Oanh đã nhờ vợ, chồng chủ tịch Công ty Minh Thành cung cấp các thủ tục hồ sơ pháp lý của dự án để vay tiền tại ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (ngân hàng OCB) nhưng không vay được. Qua một người quen hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nữ đại gia Kim Oanh được kết nối với trợ lý của ông Trần Quí Thanh.
Trợ lý của chủ tịch Tân Hiệp Phát thông tin với bà Oanh rằng: “Chú Thanh có nguồn tài chính, nhiều tiền lắm. Chị đưa cho em xem trước hồ sơ dự án rồi em sắp xếp cho chị gặp”. Khi bà Oanh chuyển hồ sơ dự án Minh Thành thì trợ lý ông Thanh nói chỉ vay được 350 tỷ và hỏi “chị còn dự án nào không?”.
Bà Oanh cho biết công ty đang đầu tư thêm dự án Nhơn Thành. Trợ lý của ông chủ Tân Hiệp Phát cho biết chỉ có cách “chuyển nhượng các dự án Minh Thành, Nhơn Thành cho ông Thanh” thì được vay 500 tỷ. Trợ lý cũng ra điều kiện phải “cắt phế” lại 5% số tiền vay trả phí môi giới. Sau đó, nhiều lần trợ lý đưa bà Oanh đến trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát nhưng không gặp được ông Trần Quí Thanh.
Đến đầu tháng 11-2019, ông Thanh mới đồng ý gặp bà Oanh. Trong cuộc gặp, ông Thanh đồng ý cho nữ đại gia vay với điều kiện phải chuyển nhượng toàn bộ hai dự án sang cho Tân Hiệp Phát. Cụ thể, với dự án Minh Thành, bà phải chuyển 50% cổ phần đã mua sang cho Trần Uyên Phương (phó giám đốc Công Tân Hiệp Phát) với giá 235 tỷ. Ông Thanh cũng yêu cầu bà Oanh nói các cổ đông còn lại chuyển nốt 50% cổ phần “cho con gái tui” với giá 265 tỷ.
Với dự án Nhơn Thành, bà Oanh phải chuyển nhượng 100% cổ phần cho “con gái tui” – bà Trần Ngọc Bích (nguyên giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) – với giá 150 tỷ, ông Thanh ra điều kiện. Ông Thanh giải thích: “Công ty chúng tôi không có chức năng cho vay và cũng không sống bằng nghề này, nghề chính của chúng tôi là bán nước giải khát nên mọi hợp đồng không thể hiện chuyện cho vay”, kết luận ghi.
Trốn thuế thu nhập sẽ trúng hơn
Vẫn theo kết luận điều tra, khi bà Oanh tiếp tục nài nỉ, ông Thanh nói: “Hằng tháng cứ lên đóng lãi đều thì tui cho chuộc lại tài sản. Bà cứ vậy đi, tui vẫn làm với những người khác như thế… Đây là cuộc chơi của Thanh, phải chơi theo luật của Thanh”.
Như những gì mà kết luận điều tra vụ án này được báo chí trích dẫn thì cha con Tân Hiệp Phát chỉ cho vay nhưng yêu cầu Kim Oanh ký hợp đồng giả cách – tức loại hợp đồng chuyển nhượng như hàng ngàn, hàng vạn vụ tranh chấp dân sự khác.
Theo Bộ luật dân sự và tố tụng dân sự, nếu Tân Hiệp Phát không chịu thực hiện thủ tục hủy hợp đồng hoặc chuyển nhượng lại dự án, nếu cho rằng hợp đồng chuyển nhượng trước đó là hợp đồng “giả cách” thì bên vay có quyền kiện ra tòa yêu cầu tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu, không có dấu hiệu lạm dụng ở đây.
Có ý kiến cho rằng phải xét động cơ của ông Trần Quí Thanh, thì cho dù có động cơ muốn chiếm đoạt đi chăng nữa (thực tế cho thấy có nhiều vụ cho vay có động cơ chiếm đoạt – ép người vay buông bỏ tài sản, thì pháp luật trước nay đã thống nhất đường lối xử lý là hợp đồng giả cách thì công nhận giao dịch thật và đó là tranh chấp dân sự, không ai xử lí cái ‘động cơ’ đó cả.
Về tài sản, phải cho rằng tài sản đang tranh chấp; tranh chấp thì kiện ra tòa, tòa giải quyết tuyên một bên trả tài sản, một bên trả tiền, công an không có quyền giải quyết tranh chấp dân sự. Khi ấy, cơ quan thuế có thể căn cứ vào diễn biến vay – trả mà yêu cầu thuế thu nhập cá nhân.