Sự thật không phải thế. Nói cho đúng, đó chỉ là một nửa sự thật. Xác người nữ đúng là Eva Braun nhưng xác người nam lại không phải là Hitler mà là một người khác. Đơn giản là Hitler đã không hề tự sát. Tôi xin kể đầu đuôi như sau:
Sau khi vừa làm lễ cưới với Eva Braun, Hitler đưa cho vợ một cốc rượu có chứa chất cyanur cực độc. Nàng uống cạn một hơi và ngã lăn ra chết. Khi thấy quốc trưởng cầm lấy khẩu súng lục trên bàn chuẩn bị tự kết liễu đời mình thì tôi, một sĩ quan cận vệ của ông, liền can ngăn:
– Ngài là lãnh tụ vĩ đại. Ngài không thể chết được!
Hitler có vẻ do dự. Tôi bèn tước khẩu súng khỏi tay ông. Một cận vệ khác cũng xúm vào đỡ ông ngồi xuống ghế.
– Chúng ta sẽ đào thoát, thưa ngài. Tôi nói. Nơi chúng ta đến sẽ là Argentina. Như ngài còn nhớ, mấy tháng trước chính quyền Peron của nước này đã ngõ ý sẽ tiếp nhận chúng ta nếu nước Đức thất bại.
Nghe tôi trình bày, quốc trưởng dần lấy lại tinh thần. Tôi cho gọi vào một anh lính trẻ có vóc người giống Hitler và hỏi anh ta:
– Anh có trung thành với quốc trưởng không?
– Thưa có.
Anh ta vừa dứt lời tôi bèn bắn anh ta một phát vào đầu. Thế rồi tôi cùng người cận vệ kia kéo xác anh lính và Eva Braun ra vườn hoa rồi đổ xăng thiêu. Để làm gì ư? Vâng, chính là để đánh lừa quân Nga tưởng đó là xác của quốc trưởng và người tình. Nhờ thế quốc trưởng sẽ tránh được sự truy lùng của những kẻ chiến thắng. Trước khi chúng tôi đốt hai cái xác, Hitler bảo tôi cắt cho ông một lọn tóc của Eva Braun. Tôi làm theo lời. Hitler lấy lọn tóc vừa cắt cho vào túi áo. Rồi hai cận vệ chúng tôi cùng đưa Hitler trốn khỏi Berlin bằng đường hầm sau khi đề nghị quốc trưởng cạo bộ râu cố hữu. Thay vào đó là bộ râu quai nón giả mà tôi đã chuẩn bị từ trước. Ôi chao, sao mà khớp lạ thường. Nếu không biết trước thì chúng tôi không tài nào nhận ra quốc trưởng!
Xin nói thêm rằng từ những năm 1930, Juan Peron đã tỏ ra có thiện cảm với các nước phe Trục. Năm 1939 ông ta là tuỳ viên quân sự của sứ quán Argentina tại Ý, sau đó từng đến Đức và Tây Ban Nha. Trong khi nhiều nước Mỹ La Tinh cắt đứt quan hệ ngoại giao với các nước phe Trục thì riêng Argentina vẫn giữ quan hệ với phe này. Khi Đức, Ý sắp sụp đổ, Peron buộc phải chấm dứt mối quan hệ đó song vẫn thông cảm với những người sắp thua trận và có ý cho họ đến sống ẩn tích ở nước ông.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên tàu, chúng tôi cùng hàng chục quan chức quốc xã khác đặt chân lên Argentina. Argentina đón tiếp chúng tôi bằng một cơn mưa rào mát mẻ. Đó là một ngày tháng 7 năm 1945. Sau này tôi được biết không dưới năm vạn người từng phục vụ cho chính quyền quốc xã đã lần lượt chọn đất nước Nam Mỹ này làm quê hương thứ hai. Lòng tử tế của ngài Peron, chúng tôi suốt đời không quên.
Khi biết Adolf Hitler đang có mặt trên quốc gia mình, Peron đã mau mắn xếp đặt cho Hitler và hai cận vệ chúng tôi được vào ở trong một trang trại rộng lớn cách Buenos Aires khoảng 300 cây số. Từ nay vị quốc trưởng đáng kính của nước Đức sẽ đóng vai một trại chủ về hưu.
Chúng tôi ở đó chưa đầy một tháng thì được tin người Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Từ ngày đó thế giới mới biết nước Mỹ, với “kế hoạch Manhattan”, từ lâu đã bí mật chế tạo thứ vũ khí lợi hại này.
– Ta hối hận quá. Hitler lắc đầu cay đắng. Biết thế ngay từ đầu chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để chế tạo thứ bom này.
Chúng tôi ai nấy đều tiếc xót vì đã bỏ lỡ một cơ hội vàng. Trước năm 1945, các nhà khoa học phe Đồng minh đều cho rằng về phương diện nghiên cứu thực nghiệm nguyên tử, nước Đức vượt xa các nước khác. Nhẽ ra chính Đức mới là nước đầu tiên phát minh ra bom nguyên tử.
Tiếc thay, do chủ quan rằng nếu nước Đức chưa chế tạo bom nguyên tử thì chẳng nước nào làm được, Adolf Hitler đã không tập trung vào việc này. Đã thế còn để mất Albert Einstein, một tài năng lỗi lạc. Nước Mỹ đã mau mắn nẫng tay trên và “kế hoạch Manhattan” ra đời.
– Roosevelt thực là con cáo già. Hắn cao tay hơn ta tưởng. Quốc trưởng nhìn chằm chằm vào bức hình chụp quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima in trong một tờ nhật báo, giống hình một chiếc nấm khổng lồ. Nếu chúng ta khôn ngoan hơn thì giờ này chính bọn chúng đang phải quỳ mọp dưới chân ta.
Chính quyền Peron cắt đặt hẳn một người đầu bếp cho chúng tôi. Bà ta biết chút tiếng Đức. Ngoài ra hàng tuần có một thanh niên mang đến những tờ báo mới in. Nhờ thế chúng tôi có thể theo dõi khá thường xuyên tình hình thế giới. Thực ra báo chí chỉ toàn tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi chỉ hiểu lõm bõm. Vì vậy người giao báo, rất giỏi tiếng Đức, kiêm luôn phiên dịch. Anh ta dịch cho chúng tôi những tin quan trọng trong mỗi số báo. Thì ra trước chiến tranh anh ta từng theo học khoa Đức ngữ trường Đại học Berlin. Chúng tôi nhờ anh ta dạy tiếng Tây Ban Nha. Anh ta nhận lời ngay và còn tặng chúng tôi một cuốn tự điển Tây Ban Nha – Đức. Chỉ sau một năm chúng tôi đã tương đối thông thạo thứ tiếng này. Có điều quốc trưởng thì không theo được lâu. Ông chỉ học được vài bài thì bỏ hẳn, không buồn học tiếp.
Thỉnh thoảng tổng thống Peron còn cho người đưa chúng tôi đi thăm viếng đó đây, kể cả thủ đô Buenos Aires. Quả là một thành phố đẹp, người dân nơi đây lúc nào cũng có vẻ sôi nổi, yêu đời. Thời giờ rãnh chúng tôi cùng đi dạo trong khu vực đồn điền cho khuây khỏa. Riêng quốc trưởng thỉnh thoảng lại lấy giấy trắng ra vẽ bằng bút chì đủ thứ dạng hình. Ông vẽ rất nhanh. Nét vẽ trông cũng khá. Nhưng vẽ xong bức nào thí chỉ vài phút sau ông lại xé rồi vứt vào sọt rác. Nghe nói ngày xưa ông từng thi vào một trường mỹ thuật nhưng không đỗ. Tôi không biết chút gì về vẽ nhưng đôi khi cũng đọc sách. Với tôi, tác phẩm “Cuộc chiến đấu của tôi” của quốc trưởng mãi mãi là cuốn sách vĩ đại nhất của nhân loại từ cổ chí kim. Cuốn sách dày gần 800 trang này đề xướng tính siêu việt của người Đức. Người Đức có quyền thống trị các dân tộc thấp kém. Nó xứng đáng là “kinh thánh” của dân tộc Đức.
Cuối năm 1947, đại hội đồng liên hợp quốc bỏ phiếu chia cắt Palestine thành hai nhà nước: Do Thái và Ả Rập. Giữa năm 1948 thì nhà nước Israel ra đời. Từ nay những người Do Thái lưu lạc trên thế giới đã có cho mình một quốc gia!
– Liên hợp quốc là quân ngu xuẩn. Quốc trưởng hét lên. Bọn Do Thái không đáng hưởng một tấc đất nào. Nơi ở thích hợp của chúng là phòng hơi ngạt!
Lập trường của quốc trưởng trước sau như một: bọn Do Thái thuộc chủng tộc hạ đẳng. Phải làm chúng biến mất khỏi mặt đất càng sớm càng tốt. Sự có mặt của bọn Do Thái bẩn thỉu, ngu dốt sẽ làm chậm lại sự phát triển của thế giới!
Về điểm này tôi có hơi thắc mắc: Albert Einstein chẳng phải là người gốc Do Thái hay sao?
Nhưng phiên tòa xử tội ác chiến tranh ở Nuremberg
mới thực làm Hitler phẫn nộ:
– Chính bọn chúng mới đáng bị xử tội. Quốc trưởng vung tay đấm vào không khí. Chính cái hiệp ước Versailles khốn kiếp của chúng đã bóp cổ nước Đức, làm người Đức phải lụn bại, đói nghèo. Bọn chúng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này. Nước Đức không có lỗi mà chỉ là nạn nhân. Chính chúng là những tên tội phạm ghê tởm đáng lủng lẳng dưới giá treo cổ.
Thật là lời buộc tội đanh thép, hùng hồn. Tôi tán đồng. Nhẽ ra giờ này chính quốc trưởng ngồi ở ghế quan tòa chứ không phải những tên ngạo mạn đang say men chiến thắng kia. Thượng đế thật chẳng công bằng.
Trong các nước phe đồng minh, Adolf Hitler đặc biệt thù ghét Liên Xô. Quốc gia cộng sản này chủ trương thế giới đại đồng. Thật là điều lố bịch và ngớ ngẩn. Đối với quốc trưởng, chỉ có dân tộc Đức là thượng đẳng. Họ có quyền ngồi trên đầu các dân tộc khác. Không có chuyện người Đức ngồi chung chiếu với bất kỳ ai. Hoàng đế không ăn chung mâm với dân cày. Điều khiến quốc trưởng luôn ray rứt, đó là không tập trung toàn lực đánh Liên Xô ngay từ đầu mà lại phân tán sức lực cho quá nhiều mặt trận khắp châu Âu. Hậu quả là nước Đức sớm kiệt sức và sụp đổ. Nếu nước Đức khôn khéo hơn thì chắc chắn giờ này Adolf Hitler đang nghiến gót giày trên xác Stalin…
Hai người cận vệ chúng tôi sống với Adolf Hitler được sáu năm thì một người ra ngoài lấy vợ sau khi thề không bao giờ tiết lộ tông tích Quốc trưởng. Còn lại tôi sau đó cũng lập gia đình nhưng vẫn ở lại trong trang trại. Tôi tự cho mình có nhiệm vụ phải bảo vệ vị lãnh tụ kính yêu của nước Đức, không được rời nửa bước. Vợ tôi là một cô gái bản xứ xinh đẹp. Nàng chính là em gái anh chàng dạy tiếng Tây Ban Nha trước đây. Anh ta giới thiệu nàng cho tôi. Vợ chồng tôi có với nhau ba đứa con. Cả ba đều là con trai.
Những khi quốc trưởng thấy người không được khỏe, tôi bảo vợ xoa bóp cho ông. Quốc trưởng thỉnh thoảng cũng trò chuyện với nàng về chuyện nọ chuyện kia nhưng không bao giờ cho nàng biết rõ mình là ai. Ngay cả anh trai nàng cũng không hề biết rõ chúng tôi. Họ đinh ninh chúng tôi là những người Đức bình thường thích lập nghiệp ở quê hương họ, thế thôi.
Thời gian dần trôi cho đến một ngày tháng 8 năm 1961, một sự kiện bỉ ổi gây phẫn nộ mọi người dân Đức. Đó là việc bức tường Berlin được dựng lên. Trước việc ngày càng có nhiều người dân Đông Đức bỏ sang Tây Đức, người đứng đầu chính quyền Đông Đức bấy giờ là Ulbricht đã tức tốc cho xây dựng một bức tường dài 170 cây số, cao chừng 4 mét nhằm ngăn cản người dân hai miền qua lại với nhau.
– Đó là bọn phản quốc, tay sai của Liên Xô. Quốc trưởng giận dữ. Nước Đức là một. Dân tộc Đức là một. Không ai có quyền chia cắt. Cái máy chém lịch sử sẽ không tha thứ những tên phản quốc!
Quốc trưởng giận dữ tới mức nếu lúc đó có mặt Ulbricht thì thế nào hắn cũng bị ông băm thành trăm mảnh rồi đem vất cho chó. Chúng tôi có nuôi hai chú béc giê to đùng. Quốc trưởng thích tự tay cho chúng ăn. Ông thường nói: “Ulbricht chỉ đáng ăn phân chó!”.
Có lần hai chú chó này phát hiện gần gian nhà chúng tôi ở có một kẻ lạ mặt. Chúng liền xồ vào cắn mặc cho gã kia kêu la bài hãi. Gã là ai? Từ đâu tới? Được biết thời gian này Israel đang tung ra nhiều biệt đội chuyên lùng bắt những cựu thành viên Đức quốc xã có nợ máu với họ. Biết đâu đây là một tay do thám. Thế là chúng tôi để mặc hai chú béc giê hung dữ tha hồ cắn xé gã cho tới chết. Sau đó chúng tôi đem quăng cái xác rách nát xuống một cái hố rồi vùi đất lên. Từ hôm đó chúng tôi nâng cao cảnh giác vì phía Israel đã gặt hái khá nhiều thành công trong công cuộc truy lùng này.Chúng mà tóm được Hitler thì chắc là sướng lên mây!
Một ngày kia quốc trưởng lâm trọng bệnh. Lúc đó ông đã ngoài bảy mươi. Chúng tôi cho mời bác sĩ tới. Sau khi khám qua, bác sĩ lắc đầu bảo quốc trưởng khó lòng qua khỏi. Họa phép lạ mới cứu được ông.
Phép lạ thì hiếm khi xảy ra. Ấy vậy mà lần này phép lạ lại xuất hiện. Ngay hôm sau quốc trưởng bỗng nhiên hồi phục, đứng dậy đi lại bình thường, không còn nằm liệt giường như mấy ngày trước. Ông ăn uống ngon miệng trở lại. Xem ra quốc trưởng còn nhanh nhẹn hơn cả lúc trước khi lâm bệnh. Sức sống trong con người quốc trưởng thật mãnh liệt. Ông quả là một người Đức siêu việt!
Thế giới không ngừng chuyển động. Nó chưa bao giờ nghỉ. Sống lưu vong nơi xứ lạ quê người, quốc trưởng vẫn thường xuyên theo dõi những biến cố xảy đến: Cuộc thảm sát các vận động viên Israel ở thế vận hội Munich năm 1972, cuộc tiến quân của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979… Quốc trưởng nhận định rằng việc hồng y Ba Lan Karol Josef Wojtyla trở thành giáo hoàng sẽ là cổ vũ tinh thần quan trọng cho phong trào đấu tranh của người dân Ba Lan chống lại chính phủ cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn. Nhưng điều quốc trưởng đặc biệt quan tâm chính là đường lối đối ngoại của Liên Xô sau khi Mikhail Gorbachov lên nắm quyền năm 1985. Chủ trương tôn trọng quyền tự quyết của các nước Đông Âu của Gorbachov đã giúp bùng nổ một cuộc đại cách mạng, đưa đến sự cáo chung của hàng loạt các chính thể cộng sản tại Đông Âu. Theo quốc trưởng, đáng lý ra Liên Xô vẫn sẽ tồn tại, dù sự tồn tại này mang tính hình thức hơn là thực chất, nếu như không có cuộc chính biến ngày 19 tháng 8 năm 1991 do những người chủ trương cứng rắn cầm đầu nhằm lật đổ Gorbachov. Không đầy 4 tháng sau khi cuộc đảo chính thất bại, các nước cộng hòa xô viết đã lần lượt tuyên bố độc lập, đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô.
Quốc trưởng qua đời sau một cơn đau tim, hưởng thọ 102 tuổi. Ông ra đi đúng vào ngày Gorbachov tuyên bố từ chức, ngày 25 tháng 12 năm 1991. Ở thế giới bên kia quốc trưởng chắc lấy làm mãn nguyện vì cái đất nước Liên Xô mà ông đặc biệt căm ghét cuối cùng đã tan rã, cũng như vì một năm trước đó ông đã được chứng kiến hai miền nước Đức lại sum họp một nhà sau khi bức tường ô nhục bị phá bỏ.
Cuối trang trại của chúng tôi đúng sừng sững một cây sồi già có tán lá to rộng, xanh um. Chúng tôi chôn cất quốc trưởng dưới gốc sồi này. Trên nấm mồ đơn sơ của ông chúng tôi dựng tấm bia ghi hàng chữ: Nơi đây an nghỉ người con vĩ đại của nước Đức, A.H (1889- 1991). Thể theo ý nguyện của quốc trưởng khi còn sống, chúng tôi đặt trong quan tài của ông kỷ vật mà ông mang theo trên đường đào tẩu khỏi Berlin và vẫn còn gìn giữ đến cuối đời: Lọn tóc của Eva Braun.