Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: Chùa Ba Vàng theo hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh?

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc thay đổi hệ phái Phật giáo của chùa Ba Vàng là tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự…

 

Gây rối dư luận?

Ngày 2-1-2024, UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin ban đầu về vụ việc chùa Ba Vàng tổ chức rước và chiêm bái vật thể được cho là “xá lợi tóc của Đức Phật”.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo, giao Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp với UBND thành phố Uông Bí “tiếp tục kiểm tra, làm rõ, củng cố hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các chủ thể có liên quan để xảy ra vi phạm theo quy định; đồng thời yêu cầu chùa Ba Vàng không biên soạn, sản xuất các video, hình ảnh, tài liệu…; gỡ bỏ toàn bộ các thông tin giới thiệu về vật thể được cho là “xá lợi tóc Phật” đã đưa trên các trang thông tin của chùa và của Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng như các trang mạng xã hội có liên quan đến sự việc trên”.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, các hoạt động trên đã gây dư luận phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bình thường trên địa bàn. Ngoài vụ việc tổ chức rước và chiêm bái vật thể được cho là “xá lợi tóc của Đức Phật”, chùa Ba Vàng có nhiều hoạt động trước đó gây phức tạp dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận nhân dân – “điển hình như Lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, xin chuyển sang hệ phái Nam tông kinh, phát ngôn gây mất đoàn kết liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu, rước và trưng bày vật thể được cho là “xá lợi tóc của Đức Phật” từ Myanmar…”.

Bài viết này xin được dừng lại quanh chi tiết “chuyển sang hệ phái Nam tông kinh” ở chùa Ba Vàng vì sao lại là “tiềm ẩn nguy cơ…” như cảnh báo của chính quyền tỉnh Quảng Ninh? Liệu với cảnh báo đó có khả năng “hình sự hóa” một quan hệ dân sự về quyền tự do tôn giáo?

Xuất gia ở Thiền viện nhưng…

Trên trang web của chùa Ba Vàng, phần tự giới thiệu viết rằng “Về phương pháp tu hành của chùa Ba Vàng là: Thiền – Tịnh song tu. Đây là sự kết hợp giữa các pháp tu Thiền và tu Tịnh Ðộ khiến hành giả linh hoạt ứng dụng pháp tu theo từng hoàn cảnh cụ thể để điều phục và thanh tịnh tâm. Trong thiền có tịnh trong tịnh có thiền”.

Cũng ở phần tự giới thiệu cho biết: “Duyên lành hội đủ, năm 2007, được sự chấp thuận của chính quyền và sự cho phép của Hòa thượng Thích Thanh Từ (Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm), sự cung thỉnh của nhân dân, Phật tử thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, sư phụ Thích Trúc Thái Minh nhận trách nhiệm về trụ trì chùa Ba Vàng. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng nhất về sự đổi thay nhiệm màu của chùa Ba Vàng và cũng là lần trùng tu cuối cùng và lớn nhất, xây dựng một ngôi chùa hoàn toàn mới, nguy nga, tráng lệ”.

Phần tự giới thiệu về lý lịch của trụ trì chùa Ba Vàng, viết: Ngày 15/7/Kỷ Mão (nhằm ngày 25/8/1999), đúng một năm sau ngày Phát tâm Bồ đề, Thầy làm lễ Thế phát xuất gia tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Hòa thượng Thích Thanh Từ đặt Pháp danh cho Thầy là Thích Trúc Thái Minh.

Năm 2007, Thích Trúc Thái Minh nhận chức trụ trì chùa Ba Vàng.

Thiền phái Trúc Lâm không thuộc Nam tông Kinh

Lịch sử Phật giáo Việt Nam cho biết Thiền phái Trúc Lâm là một tông phái của Thiền tông Việt Nam, hình thành từ thời nhà Trần, do vua Trần Nhân Tông sáng lập.

Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng Thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ). Thiền phái này được xem là tiếp nối, nhưng cũng đồng thời là sự hợp nhất của ba dòng Thiền Việt Nam có từ trước đó là phái Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tỳ-ni-đa-lưu-chi, cùng với sự pha trộn ảnh hưởng của tông Lâm Tế.

Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối.

Theo tài liệu của Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì, “về Phật học. Thiền học Trúc Lâm là sự kết hợp của Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông”.

Tư tưởng Trúc Lâm thích hợp với tâm linh, tôn giáo người Việt, hướng về tu tâm dưỡng tính làm việc thiện, hơn là nghiên cứu giáo lý uyên bác… xu hướng dân gian vẫn là cái nền bất diệt.

Người có công đề xướng, dành trọn tâm huyết cho việc khôi phục Thiền Trúc Lâm là Hòa thượng Thích Thanh Từ. Hòa thượng có thế danh là Trần Thanh Từ, sinh ngày 24 tháng 7 năm Giáp Tý (1924), tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Năm 1949, ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Thiện Hoa và được ban pháp danh là Thích Thanh Từ. Từ năm 1960 – 1964, Hòa thượng lần lượt giữ các chức vụ trong Phật giáo: Phó Vụ trưởng Phật học vụ, Vụ trưởng Phật học vụ, Giáo sư kiêm Quản viện Phật học, Viện Huệ Nghiêm, Giảng sư Viện Đại học Vạn Hạnh và các Phật học đường Dược Sư, Từ Nghiêm…

Tuy nhiên cách thức tu hành ở chùa Ba Vàng không theo như Thiền viện Trúc Lâm, mà tự cho rằng theo hệ phái Nam tông Kinh.

Từng tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất

Tuy cùng là Phật giáo Nam tông, nhưng Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Nam tông của người Việt là hai nhánh phát triển khác nhau, hình thành hai hệ phái khác nhau, hoàn toàn tách rời nhau, trước 1981 là những giáo hội độc lập, tuy có liên hệ nhưng không có quan hệ trực thuộc, có địa phương hoạt động khác nhau: Phật giáo Nam tông người Việt phát triển ở Sài Gòn, Đông Nam Bộ, Huế, một số địa phương miền Trung; trong khi Phật giáo Nam tông, nhất là vùng phía Nam sông Tiền là các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ…

Trước đó, năm 1964, hai hệ phái nói trên cũng tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất theo hai đơn vị riêng rẽ. Năm 1969, hệ phái Phật giáo Nam tông của người Việt, có danh xưng chính thức là Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Giới Nghiêm, đã tách rời khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, xác định hoạt động hoàn toàn độc lập.

Tuy nhiên, cũng có một số vị tôn đức Phật giáo Nam tông người Việt tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) trong vai trò cá nhân và giữ các chức vụ lãnh đaọ.

Trong khi đó, Phật giáo Nam tông Khmer có xu hướng ngã về phía Việt Nam Quốc Tự trong cuộc trong cuộc phân chia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 1967. Vì vậy, khái niệm Phật giáo Nam tông, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang, thường được hiểu là Nam tông người Việt, mà các vị tôn đức vẫn được nhắc đến khi đó là Hòa thượng Thiện Luật (phó Tăng thống), Thượng tọa Pháp Tri (phó Viện trưởng Viện Hóa đạo), Thượng tọa Hộ Giác (Tổng vụ Trưởng Tổng vụ xã hội)…

Trong khi đó, khái niệm Nam tông trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Việt Nam Quốc tự thường được hiểu là Phật giáo Nam tông Khmer, cụ thể là Hòa thượng Lâm Em, giữ vai trò đại diện lãnh đạo Phật giáo Nam tông.

Sở dĩ có những sự kiện như vậy là vì các bản Hiến chương với mục tiêu thể hiện sự thống nhất Phật giáo lúc đó đều quy định các chức vụ Phó Tăng thống, phó viện trưởng Viện hóa đạo phải có hệ phái khác với vị tăng thống và Viện trưởng Viện Hóa đạo. Cho nên, đưa đến việc hiểu các vị phó tăng thống, phó Viện trưởng Viện Hóa đạo cần phải là chư tôn đức Nam tông…

Phật giáo Nam tông Kinh có xuất xứ ra sao?

Trong tài liệu “Phật giáo Nam tông Kinh tại Bình Dương: Sự hình thành, phát triển và những đóng góp”, tác giả Thích Minh Tấn (chùa Bửu Quang, Thủ Đức) cho biết Phật giáo Nam tông Kinh được du nhập vào Việt Nam từ đất nước Campuchia, do những vị trí thức người Việt sinh sống tại Campuchia lúc bấy giờ.

Theo đó, vào những năm cuối của thập niên 30, mầm mống hình thành hệ phái Nam tông Kinh dần dần được hình thành. Khi ấy, ba vị trí thức người Việt đầu tiên xuất gia theo Phật giáo Nam tông tại Campuchia là ông Ngô Bảo Hộ (Hòa thượng. Thiện Luật – 1937), ông Hồ Văn Viên (Hòa thượng Huệ Nghiêm – 1938), ông Lê Văn Giảng (Hòa thượng Hộ Tông – 1940). Đây là ba vị Tỳ-khưu người Việt đầu tiên có công lao truyền bá Phật giáo Nam tông tại vùng đất Sài Gòn cho người Kinh thời bấy giờ.

Khi ấy, ông đốc công Nguyễn Văn Hiểu và bác sĩ thú y Lê Văn Giảng có cùng chung một tâm nguyện phát triển Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Năm 1938, cả hai ông đến gặp bà Cả, thân mẫu ông Bùi Ngươn Hứa xin mướn khu đất rừng rậm rạp độ 2 mẫu tại Thủ Đức xây chùa nhưng bà Cả xin hiến cúng với danh nghĩa bán 1 đồng tiền.

Ngày Rằm tháng 10 năm 1938, lễ an vị Phật được tổ chức tại chùa Bửu Quang (Ratanaraṅsyārāma) như là một mốc lịch sử đánh dấu ngày thành lập chùa, ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Nam tông Kinh do Tỳ-khưu Thiện Luật trụ trì đầu tiên từ năm 1939.

Ngày nay, chùa Bửu Quang trở thành ngôi Tổ đình của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh. Chính cột mốc năm 1939 đánh dấu sự hiện diện của Phật giáo Nam tông Kinh trên đất nước Việt Nam này.

Như vậy với những tóm lược trên cho thấy rất cần làm rõ vì sao lại “gây phức tạp dư luận, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây hoang mang trong dư luận nhân dân” khi chùa Ba Vàng chọn hệ phái là Nam tông Kinh?

———–

Tham khảo

https://chuabavang.com/gioi-thieu-chua-ba-vang-quang-ninh-d4390.html

https://tnti.vnu.edu.vn/thien-phat-giao-viet-nam-hau-truc-lam/

https://chuagiacngo.com/sites/default/files/huong-dan/book_tnt/phat_giao_nam_tong_tai_vung_nam_bo_-_final_04_01_2021.pdf

https://drive.google.com/file/d/1TrPBrfHWYayc4rOmZ3–Zh_mdqJeiH8v/view


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chùa Ba Vàng trước đe dọa đình chỉ hoạt động

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tu… online và quyền hình ảnh lại thuộc về chùa Ba Vàng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tham nhũng chính sách y tế trong đại dịch Covid tại Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo