Hoài Nguyễn
(VNTB) – Hiệp định Paris 1973: ‘Hai miền Nam Bắc cùng vi phạm’?
Ngày 27-1-1973, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon xuất hiện trên truyền hình, công bố ‘hòa bình trong danh dự’ tại Việt Nam. Tuyên bố được đưa ra cùng lúc tại Washington và Hà Nội, xác nhận thỏa thuận hòa bình được ký tại Paris vào lúc 12g30 giờ địa phương, dẫn tới sự chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ.
Sắp nửa thế kỷ đi qua
Lệnh ngừng bắn bắt đầu vào nửa đêm giờ Hà Nội, thứ Bảy 27-1, và được một lực lượng quốc tế gồm binh lính từ Canada, Ba Lan, Hungary và Indonesia giám sát.
Bài phát biểu của Tổng thống Nixon được thực hiện từ Phòng Bầu dục trong Tòa Bạch ốc, và được phát đi toàn quốc trên sóng phát thanh, truyền hình. Ông nói: “Qua nhiều năm đàm phán, chúng ta đã đạt được hòa bình trong danh dự. Trong thỏa thuận nay đã được [các bên] đồng ý, mọi điều kiện tôi đưa ra đều đã được đáp ứng”.
Đa chiều xoay quanh bản Hiệp định này (*), sử gia Canada thừa nhận sai lầm của Canada trong chiến tranh Việt Nam trong quyển The Devil’s Trick. Theo đó, đã nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, sử gia John Boyko nói rằng thời gian cho phép Canada đương đầu và chấp nhận những quyết định sai lầm đã được đưa ra, như một phần của lịch sử đất nước.
Có một điều huyễn hoặc về vai trò của Canada trong chiến tranh Việt Nam mà sử gia John Boyko muốn làm sáng tỏ với một số bối cảnh cần thiết được bổ sung. Đó là một ý tưởng nhận được hưởng ứng từ hầu hết những người Canada trẻ tuổi, phần lớn ngỡ là Canada là không can dự trong cuộc chiến, Canada chào đón những quân nhân Mỹ đào ngũ và những người xin tị nạn từ Đông Dương.
“Canada đã tham gia vào việc cho phép và hoan nghênh những người (Mỹ) từ chối nhập ngũ đến Canada và chúng ta cho phép cũng như chào đón những người tị nạn”, Boyko viết: “Nhưng xa hơn thế, Canada chỉ đơn giản (tự xem) là một người đứng ngoài cuộc. Chúng ta quan sát với sự kinh hoàng như phần còn lại của thế giới”.
Sau khi Mỹ rút khỏi cuộc chiến, hơn một triệu người đã rời Đông Dương. Trong những năm 1979-1980, Canada đã chấp nhận 60.000 người xin tỵ nạn, mặc dù đa số người dân Canada phản đối kế hoạch này. Sử gia Boyko lập luận rằng việc đón nhận người tỵ nạn đã trở thành một phần nổi tiếng trong lịch sử của Canada, nhưng vào thời điểm đó đã làm dấy lên sự tức giận và phản kháng.
“Các cuộc thăm dò ý kiến, cũng giống như các cuộc thăm dò liên quan đến dự thảo, cho thấy phần lớn người Canada không muốn đón nhận. Có những người nói có nhưng chỉ với số lượng vừa phải”, Boyko giải thích và nói rằng đó là một hành động thách thức ý chí chính trị để cho phép những người xin tỵ nạn ở lại.
“Phục hoạt” Hiệp định Paris 1973?
Trong dòng người tỵ nạn chính trị đó, sau này có ý kiến đề xuất “phục hoạt” nền đệ tam cộng hòa đối với Việt Nam trên cơ sở là Hiệp định Paris 1973 đã bị vi phạm.
Hồ sơ liên quan cho thấy trong trả lời BBC Tiếng Việt 20/01/2013, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa, ông Bùi Diễm (1923 – 24 tháng 10 năm 2021) – quan sát viên do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định tại Hòa đàm ở Paris, đã phản bác một số ý kiến nói chính Chính quyền Sài Gòn đã vi phạm hiệp định: “Nếu nói chính quyền ở miền Nam Việt Nam đã vi phạm hiệp định Ba-Lê là quá đáng là bởi vì sự thực ra những người ở miền Bắc đã chủ trương rõ rệt là để lại, mà họ đã làm được việc đó qua Hiệp định Ba-Lê, là giữ lại một số quân của họ ở trong miền Nam.
Và đến khi Hiệp định Ba-Lê ký kết, thì những lực lượng võ trang đó bắt đầu khởi một cuộc công kích, mà người ta thấy về sau có những trận như trận Bình Long, rồi những trận ở Ban-Mê-Thuật, rồi từ đó mới lan sang trường hợp gọi là chiến tranh quy mô, những đoàn quân miền Bắc tiến vào miền Nam”.
Ông Nguyễn Phúc Liên Thành, cựu Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên trước 1975, hiện sống ở Fullerton, California, có nhận định gay gắt hơn quanh chuyện tái lập yêu cầu thực thi Hiệp định Paris 1973 – trích lá thư của ông Liên Thành gửi thầy giáo cũ của ông lúc ở trường Quốc Học, Huế niên khóa 1955-1956. Trong lá thư này, ông Thành gọi người thầy cũ bằng anh, vì em trai của thầy là bạn học của ông Thành:
“Hiệp định “Đình Chiến Tái Lập Hòa Bình” ký ngày 27/1/1973 tại Paris là một hiệp định lừa đảo không mang bản chất trung thực. Đó là bản án tử hình mà Hoa Kỳ, Trung Cộng, và Nga Sô đã dành cho Việt Nam Cộng Hòa. Đó là cái thòng lọng bắt Việt Nam Cộng Hòa phải đút đầu vào cho họ thắt cổ cho đến chết, sau khi đã chia chác quyền lợi với nhau.
Bằng chứng là trước khi ký Hiệp định, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tỏ ý không chịu ký, nhưng Tổng thống Mỹ Nixon hứa hẹn đủ điều với Tổng thống Thiệu: “Đừng lo, nếu ông ký xong mà thằng cộng sản Hà Nội vi phạm tôi sẽ đem bom dội trên đầu nó ngay”.
Tổng thống Thiệu chần chừ không chịu ký, thì trong cuốn băng ghi âm đã được chính phủ Hoa Kỳ giải mật, chính giọng của Tổng Thống Nixon nói rõ ràng rằng nếu ông Thiệu không chịu ký thì ông ta [Nixon] sẽ cắt đầu ông Thiệu.
“I don’t know whether the threat goes too far or not, but I’d do any damn thing, that is, or to cut off his head if necessary.” President Richard Nixon, January 20, 1973.
Điều đau đớn cho Việt Nam Cộng Hòa và dân chúng miền Nam là hành động đểu giả của Hoa Kỳ: Kissinger và Nixon không muốn thấy Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ trước cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11/1972, vì nếu chuyện này xảy ra, thì việc tái đắc cử của ông Nixon sẽ rất mong manh. Xin hãy đọc một đoạn thâu băng của Nixon đã được giải mật để thấy số phận của Việt Nam Cộng Hòa và dân chúng miền Nam đã được Nixon và Chính phủ Hoa Kỳ an bài từ trước:
“The country would care if South Vietnam became Communist in a matter of six months. They will not give a damn if it’s two years.” President Richard M. Nixon, March 17, 1973.
Hoa Kỳ không muốn miền Nam Việt Nam mất nhanh chóng trong vòng sáu tháng sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Như vậy Hoa Kỳ không bị nỗi nhục thua trận. Nhưng nếu là hai năm, sẽ không có vấn đề.
Tài liệu giải mật cũng cho thấy rằng ông Kissinger và ông Nixon cùng đồng ý là Việt Nam Cộng Hòa có thể mất vào tay cộng sản Bắc Việt sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ vào tháng 11/1974. Nhưng nếu điều này xảy ra vào mùa xuân 1975 thì thời điểm này tốt hơn là mùa xuân 1976.
Hòa đàm Paris vừa được ký chưa ráo mực thì Hà Nội đã đem quân và cả chiến xa tấn chiếm tỉnh lỵ Phước Long của Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Thiệu kêu cứu, và xin viện trợ; Hoa Kỳ ngoảnh mặt làm ngơ. Sau đó tuần tự chúng ta mất Quảng Trị, Huế, Vùng II, Đà Nẵng, Vùng I và cuối cùng là Sài Gòn…” (dừng trích)
Trong lá thư trên có một đoạn khá sốc và rất dễ bị ‘ném đá’:
“Thằng cộng sản Việt Nam hiện có trên 90 triệu dân, mặc dầu dân không theo nó. Nó có quân đội, công an, nó có quan hệ ngoại giao quốc tế với hầu hết các quốc gia trên thế giới và quan trọng nhất là nó có quá nhiều US dollars, hằng tỷ US dollars. Anh và tổ chức của Anh có cái gì?
Không một quốc gia nào đã có quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế làm ăn với cộng sản Việt Nam lại trì độn đến độ ký vào bản thỉnh nguyện đó. Không bao giờ.
Hơn nữa, điều quan trọng là Anh và tổ chức của anh có đem lợi lộc gì đến cho họ và cho quốc gia họ hay không, để họ giúp Anh. Những lời hứa còn mang tính viễn vông không thể thuyết phục họ bằng những thực tại mang lại lợi lộc trước mắt được.
Em nghĩ Anh cũng thừa biết bang giao quốc tế xưa cũng như nay chỉ đặt trên căn bản quyền lợi trao đổi. Trong bang giao quốc tế, người ta đòi hỏi quyền lợi thực tế chứ họ không đi mua “vịt trời”…”.
Khuất tất và tái hợp
Nhà báo Tường An có bài tường thuật trên RFA quanh việc khuất tất và khả năng tái hợp, về sự vi phạm Hiệp định Paris qua phân tích của luật sư Lê Trọng Quát, dân biểu thời đệ nhất Cộng hòa , Quốc vụ khanh thời đệ nhị Cộng hòa (trích):
“Điều khuất tất nhất trong Hiệp định Paris là không có nói chứ không phải là không nói rõ. Hoàn toàn không nói về sự tồn tại của 100.000 cán binh cộng sản ở miền Nam Việt Nam, cái hiệp định đó đã im lặng. Đó là sự nhượng bộ to lớn của Hoa Kỳ để cho Việt cộng ký hiệp định”.
Theo lời Luật sư Lê Trọng Quát thì đây là sự vi phạm Hiệp định Paris:
“Khi tiếng súng vừa chấm dứt vào lúc 1.00 giờ sáng ngày 27/1 thì Việt cộng ở phía Bắc đã bắt đầu vi phạm hiệp định bằng cách họ không ngưng tiếng súng mà vượt ra khỏi vùng họ đang chiếm đóng để chiếm cứ thêm đất đai và dân chúng ở những vùng đó.
Có thể nói tình trạng” da beo” lúc bấy giờ giữa hai bên, dân cư của những vùng khác nhau trong lãnh thổ miền Nam Việt Nam đã tạo ra sự khó khăn cho việc thi hành hiệp định mà (Việt cộng) lợi dụng cơ hội đó tỏa ra để chiếm thêm đất đai, sự vi phạm bắt đầu từ đó.
Sự vi phạm thứ hai chúng ta đều biết là quân đội chính quy của Bắc Việt cộng sản đã hoàn tất cuộc xâm lăng, tràn vào chiếm cứ thủ đô Sài Gòn ngày 30/4/1975. Chúng ta thấy rõ ràng là họ vi phạm hoàn toàn Hiệp định Paris”.
Bài báo cho biết dựa vào những điều khoản đã ghi rõ trong Hiệp định cũng như điều 7 trong Định ước Quốc tế quy định về việc tái hợp Hiệp định Paris, luật sư Lâm Chấn Thọ (Montreal, Canada) từ năm 1999 đã tìm cách tái hợp lại Hiệp định Paris. Theo ông, Cộng sản Việt Nam đã không tôn trọng các điều khoản trong Hiệp định, vì thế chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ thật sự chấm dứt. Nếu có một Chính phủ pháp định liên tục công quyền Việt Nam Cộng Hòa thì việc vận động các quốc gia khác tái hợp Hiệp định Paris là điều khả thi.
Điều 7 trong Định ước Quốc tế bảo đảm việc thực thi Hiệp định Paris quy định nếu muốn tái hợp Hiệp định Paris thì có hai cách: Thứ nhất, Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ Cộng hòa – theo ông Lâm Chấn Thọ, tức Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay đồng ý tái hợp.
Thứ hai, 6 quốc gia trong 12 quốc gia đã ký kết trong Định ước đồng ý tái hợp. Điều này có nghĩa là nếu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa pháp định vận động được thêm 5 nước nữa đồng ý thì có thể tái hợp Hiệp định Paris.
Những thận trọng cần thiết
Một luật sư chuyên ngành công pháp quốc tế cho rằng đang có ý kiến hồ hỡi rằng với luật 93-559 của Hoa Kỳ cho biết lưỡng viện Quốc hội nước này đồng đòi hỏi hành pháp Hoa Kỳ phải tái hợp Hội nghị quốc tế về vấn đề Việt Nam như lời kêu gọi tái hợp Hiệp định Paris.
Đoạn 34 của luật kể trên gồm 2 điểm (a) và (b), cùng bắt đầu với cụm từ “Congress finds that”, nghĩa là “Quốc Hội xét thấy rằng”. Đây là thuật ngữ báo hiệu quan điểm của Quốc hội.
Điểm (b) nhắc đến Hiệp định Paris. Đại ý, Quốc hội xét thấy cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt ở Nam Việt Nam và Campuchia không lợi ích cho các bên liên quan, và cho nền hoà bình ở Đông Dương và trên thế giới; để giảm bớt nỗi thống khổ cho người dân Đông Dương và đem lại nền hoà bình thực sự tại khu vực này, Quốc hội hối thúc và yêu cầu Tổng thống và Ngoại trưởng thực hiện 5 điều.
Điều thứ 5 là tái triệu tập Hiệp định Paris nhằm bảo đảm việc thực thi đầy đủ. “Hối thúc và yêu cầu” (urges and requests) mang tính khuyến cáo, chứ không ràng buộc.
Nói một cách khác, Luật PL 93-559, phần nói đến việc tái triệu tập Hiệp định Paris, chỉ nêu quan điểm của Quốc hội khóa 93 chứ không có giá trị luật pháp ràng buộc.
Có một lưu ý khác, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam là đại diện của hai nửa Việt Nam về mặt quản lý hành chính (miền Bắc và miền Nam) đã thống nhất về mặt nhà nước thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua cuộc Tổng tuyển cử, vào ngày 2 tháng 7 năm 1976.
“Tôi cho rằng cần hết sức thận trọng khi ghi danh hưởng ứng lời mời gọi nào đó của các đảng phái chính trị, bởi ở Việt Nam, nhà chức trách mặc định bất kỳ mối đe dọa nào ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo tối cao của đảng cộng sản đều chịu án hình sự nặng nề nhất trong nhóm tội về an ninh.
Mà đã ghi danh thì đây sẽ là chứng cứ bằng văn bản cho các cáo buộc tương tự như những vụ án liên quan đến cái gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” hướng tới thành lập đệ tam Cộng Hòa, và từ tháng 1 năm 2018, Bộ Công an Việt Nam coi đây là tổ chức khủng bố” – luật sư Tr.Th., khuyến cáo.
Tạm kết
Trên quan điểm công pháp quốc tế, “quốc gia”, là thực thể pháp nhân duy nhứt, bất khả phân.
Tư cách pháp nhân của hai thực thể chính trị Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai “quốc gia chưa hoàn tất” (Etat partiel). Cả hai miền đều thuộc về một quốc gia duy nhứt gọi là Việt Nam. Trường hợp tương tự Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Hàn hay Trung hoa lục địa và Đài Loan cho ta thấy điều này.
Và nếu hai thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đều thuộc về một “quốc gia duy nhứt là Việt Nam”, thì việc “thống nhứt” hai miền là việc “nội bộ” của quốc gia Việt Nam. Và việc “thống nhứt đất nước” đã thể hiện theo “cái cách” của Việt Nam.
Còn vấn đề “liên tục quốc gia” hay “kế thừa quốc gia”, như các công ước Vienne đòi hỏi, cũng không đặt ra. Đơn giản vì chỉ có một “quốc gia Việt Nam duy nhứt”. Việt Nam trước sau vẫn là Việt Nam, luôn là Việt Nam, thì tự nó đã “liên tục”, tự nó đã “truyền tục” trong nội bộ.
Học giả Trương Nhân Tuấn cho rằng không thể “ôm” mãi mối mâu thuẫn do lịch sử để lại là sự xung đột giữa hai miền. Các bài học như cuộc nội chiến nước Mỹ, hay các xung đột quốc tế như Thế chiến thứ II… cho thấy các nước giàu mạnh nhứt thế giới đều là các nước có chính sách “hòa giải” được áp dụng hữu hiệu.
_____________
Chú thích:
(*) “Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam” (Accords sur la fin de la guerre et le rétablissement de la paix au Vietnam, Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam) thường được gọi tắt là Hiệp định Hòa bình Paris (Accords de Paix de Paris, Paris Peace Accords) hay Hiệp định Paris, quyết định số phận của miền Nam Việt Nam từ ngày 27/1/1973.