Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: Vụ án Mười Vân bán bãi cho người vượt biên

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Mười Vân tổ chức hàng chục chuyến tàu vượt biên mua bãi, chung chi đầy đủ tại Hồ Cốc, Bình Châu, Lộc An… thu cả nửa tấn vàng.

 

Thuyền nhân, dịch từ chữ “boat people” trong tiếng Anh. Thuật ngữ này ra đời từ sau tháng 4-1975, khi một số lượng lớn người ở miền Nam Việt Nam rời khỏi đất nước.

Vụ án Mười Vân có phần liên quan đến vấn nạn thuyền nhân trong hai năm 1978-1979, khi tổ chức hàng chục chuyến tàu vượt biên mua bãi, chung chi đầy đủ tại Hồ Cốc, Bình Châu, Lộc An… thu cả nửa tấn vàng.

Tại khu vực bờ biển Hồ Cốc, Bình Châu, Long Hải – Bà Rịa, đã một thời dân vượt biên từ Sài Gòn và các nơi tìm đến mỗi ngày, để “mua bãi” vượt biên an toàn mà không hề có bất cứ cuộc kiểm tra, truy đuổi nào.

Hồ sơ vụ án cho biết, Mười Vân có tên cúng cơm là Nguyễn Hữu Giộc – còn gọi là Mười Giộc, người quê miệt Cần Đước, tỉnh Long An, tham gia cách mạng thời chống Pháp.

Năm 1948, Mười Giộc gia nhập vào công an xã Long Định thuộc tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Thời kỳ 1948-1949 huyện Cần Đước tình hình khó khăn, phức tạp. Các cơ quan lãnh đạo của huyện phải chia thành hai khu: khu A đóng tại kinh Bo Bo huyện Thủ Thừa – Tân An. Khu B đóng tại Lý Nhơn – rừng Sác, Nhà Bè. Trưởng công an huyện Trương Văn Tư phụ trách khu A, còn Mười Giộc làm phó phụ trách khu B.

Năm 1954, Mười Giộc tập kết ra Bắc và được cử làm Phó phòng cảnh sát trị an Ty Công an Hòa Bình. Có tin là trong một lần đi săn bắn, Mười Giộc nổ súng bắn chết Trưởng phòng. Sau đó vợ người này làm đơn bãi nại cho Giộc vì chỉ là bắn nhầm. Thoát khỏi tội danh “ngộ sát” nên năm 1962 Mười Giộc được bố trí về miền Nam chiến đấu. Đến lúc này thì mọi người mới ‘té ngửa’ ra là Mười Giộc có quan hệ bất chính với vợ Trưởng phòng, thậm chí có con chung. Nhưng thời chiến tranh, không phải việc gì cũng được điều tra tường tận, tất cả tập trung cho tiền tuyến, tập trung cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và giải phóng miền Nam.

Sau ngày 30-4-1975, Mười Giộc lên đến chức Trưởng ty công an (tương đương Giám đốc công an tỉnh hiện nay) tỉnh Đồng Nai khi ấy bao gồm luôn phần tỉnh Bà Rịa, và Vũng Tàu là đặc khu.

Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng tháng 3-1978, Mười Vân tổ chức chuyến tàu cho người muốn vượt biên tại Bãi Dâu (Vũng Tàu). Số vàng mà công an Vũng Tàu thu được theo kiểm kê ngày 13-3-1978 là 500 lượng, 6 chỉ, 8 phân, 6 ly, cân nặng 18kg 750. Trong đó có 1 thỏi ký hiệu 411109-9999 nặng 1kg. Ngày 21-3-1978, công an Vũng Tàu đã giao nộp số vàng của con tàu trên cho Mười Vân. Bên giao là ông Châu Phi Cơ, bà Đỗ Thị Duy và Lê Thị Sáu. Bên nhận có ông Bùi Đình Kiểm và Phạm Hùng Sơn, phó ban Thanh tra công an Đồng Nai. Số lượng như kê biên, trong đó có thỏi vàng ký hiệu 411109-9999 nặng 1kg. Sau đó, ông Kiểm đã trực tiếp giao số vàng này cho Mười Vân…

Năm 1983, phiên tòa đặc biệt sơ chung thẩm xét xử Nguyễn Hữu Giộc và đồng bọn đã diễn ra ba ngày tại hội trường lớn tỉnh Đồng Nai. Nguyễn Hữu Giộc và tên Thanh đồng bọn bị tuyên án tử hình và xử bắn ngay sau đó không chờ đợi các thủ tục về xin giảm nhẹ án.

Vụ án vẫn chưa kết thúc, khi hệ lụy của nó còn kéo dài cả gần chục năm sau.

Lần theo vụ án của Mười Giộc, đến cuối những năm 80, cơ quan chức năng mở rộng điều tra và khởi tố 19 bị can, trong đó có: Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Trưởng phòng bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai; Phạm Tấn Hưng, Mai Khắc Thanh, nguyên Phó Phòng Bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai, truy thu hàng ngàn lượng vàng.

Người dính líu đến đường dây vụ án là ông Nguyễn Phước Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an), thường được cấp dưới gọi là “anh Hai Tân”.

Bản tự khai ngày 9-3-1990, bị can Phạm Tấn Hưng viết: “Anh Hai bảo: Thằng  Mười Vân bây giờ ai khai cho nó, nó cũng không nhận, mày khai  cho nó, nó không nhận, người ta cũng tin. Mày nghe lời tao, khai cho Mười Vân đi, thì tao ráng xin cho mày miễn truy tố trong vụ án này…”.

Nguyễn Phước Tân đã mấy lần nói Hưng viết lại lời khai cho hợp lý. Thậm chí, đến lần thứ ba thì chính Tân đã lấy bút thêm, bớt, sửa bản tự khai này nhằm chạy tội cho cấp dưới.

Sau khi xét xử vụ án nguyên Giám đốc Công an Đồng Nai tham nhũng, với kinh nghiệm nghề nghiệp, ông Tân dự đoán việc làm mờ ám của Hưng rất dễ bị bại lộ, nên đã nhiều lần khuyên Hưng đưa vợ con về miền Tây sống để khỏi bị phát hiện.

Trên cơ sở lời khai của Hưng, Cơ quan điều tra triệu tập đối tượng Tân để làm rõ. Xác minh thấy có căn cứ khẳng định Tân có hành vi che giấu tội phạm, giữa tháng 6-1990, Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố Nguyễn Phước Tân về hành vi che giấu tội phạm.

Vụ án đang tiến triển thì xảy ra một việc bất ngờ khi có tin bị cáo Hiệp đã tự sát trong trại tạm giam.

Bị can chính trong vụ án đã tự sát tại trại giam. Vì chỉ có lời khai của Hưng đối với Nguyễn Phước Tân, trong lúc nghi phạm này không thừa nhận lời khai của Hưng, do vậy chưa có cơ sở kết luận Nguyễn Phước Tân phạm tội che giấu tội phạm. Giữa tháng 9-1990, Cơ quan điều tra đã có báo cáo kết thúc điều tra vụ án N2, đình chỉ điều tra đối với Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Phước Tân.

Mở ngoặc nói thêm, một báo cáo lưu hành nội bộ thời đó có đoạn viết như sau:

“Năm 1983, vụ án Mười Giộc bị Trung ương chỉ đạo phá án. Bộ trưởng Phạm Hùng đích thân ký lệnh bắt Mười Giộc.

Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Nguyễn Phước Tân hồi hộp cầm lệnh tiến đến nhà Tư Thắng bàn bạc phương án bắt gọn Giộc. Theo kế hoạch, sau khi Giộc bàn giao chức giám đốc công an, chắc chắn sẽ về nhà người yêu là cô Nga (vợ Sơn Tiêu) ở 17 Phan Kế Bính, quận 1, TP.HCM.

Nửa đêm bố trí cảnh sát khu vực và Công an quận 1 đến kiểm tra và bắt tại chỗ. Từng là cấp trên của Mười Giộc nhiều thời kỳ và hiểu mức độ tinh ranh, quỷ quyệt của Giộc nên Tư Thắng bàn: “Kế hoạch này sẽ có 2 khả năng cản trở: Giộc là một tên cáo già, khi ngủ tại nhà người yêu nửa đêm bị kiểm tra y sẽ tìm cách lẩn trốn bằng mọi cách và sinh nghi. Hơn nữa, Giộc cùng đường sẽ kháng cự để tẩu thoát vì hắn có súng và rất khôn ngoan, không thể đổ máu vô ích”.

Tư Thắng cho rằng, muốn bắt Giộc phải hết sức bí mật, bất ngờ trở tay không kịp. Bố trí trinh sát hình sự giỏi võ theo từ cơ quan về nhà, dừng xe nơi đèn đỏ bất ngờ kiểm tra đọc lệnh và bắt. Hoặc sắp đặt cho lãnh đạo trên mời lên làm việc  sau đó trinh sát ngoại tuyến bất ngờ ra tay…”.

Ai dè trong vụ án này sau đó người nghi nhúng chàm lại là “Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh Nguyễn Phước Tân”, để rồi sau đó với cái chết bất ngờ của Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Trưởng phòng bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai, bí mật đã bị chôn vùi cho đến tận hôm nay về số vàng thật sự mà công an tỉnh Đồng Nai hồi đó đã ‘bán bãi’ cho người muốn rời bỏ Việt Nam bằng đường tàu biển.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tháng Tư, 49 năm cũ

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Hãng xe Thành Bưởi được chống lưng?

Do Van Tien

VNTB – Cá nhân hay pháp nhân phải chịu trách nhiệm thuế trong vụ bà Hoàng Thị Minh Hồng?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo