VNTB – Hồ sơ: Vụ nghi lừa đảo 36 container hạt điều xuất khẩu sang Italy

VNTB – Hồ sơ: Vụ nghi lừa đảo 36 container hạt điều xuất khẩu sang Italy

Huỳnh Liên

 

(VNTB) – Thương vụ Việt Nam tại Italy cho biết ngày 10-3, cảnh sát tài chính Italy đã ra quyết định giữ tại cảng 4 container hạt điều được vận chuyển đến cảng Genoa, Ý.

 

Kỳ 1: Mafia hạt điều?

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Đến bây giờ chúng tôi đã có những thông tin, ví dụ một số người tham gia ký kết và thực hiện các hợp đồng này. Trong số những người đó, thì có một người trong ảnh này là ở Napoli, đã lấy bộ chứng từ của doanh nghiệp Việt Nam và khoe khoang rằng tôi lấy được bộ chứng từ gốc rồi, mặc dù tôi chưa trả đồng nào, nhưng cứ để tôi lấy hàng đi, rồi 5 ngày 10 ngày sau tôi sẽ trả tiền”.

Theo Tham tán Nguyễn Đức Thanh, hiện nay chỉ còn 36 bộ chứng từ thất lạc mà các công ty Việt Nam chưa lấy lại được.

Trong số 100 bộ chứng từ ban đầu thì các công ty giữ lại được hơn 50 bộ chứng từ, đòi lại được thêm nhiều bộ chứng từ khác mà chính DHL gửi trả cho Việt Nam. Quan trọng nhất là 4 container đầu tiên đến cảng Genoa đã được cảnh sát tài chính Italy ra quyết định giữ lại cảng nhờ các thông tin kịp thời của các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc, sự vào cuộc của luật sư và sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy, Lãnh sự danh dự tại Napoli. Cả hệ thống cảng của Italy đã được báo động về vụ việc này.

Về phương hướng sắp tới, Tham tán Nguyễn Đức Thanh nói: “Các luật sư sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan Italy để làm sao có thể trả lại hàng cho phía Việt Nam, hoặc cho phía Việt Nam bán cho doanh nghiệp khác của Italy hay bán cho các nước khác.

Chúng ta sẽ phải nỗ lực để các lô hàng đang trên cảng khi trung chuyển ở đâu đó có thể được quay ngược lại Việt Nam. Còn nếu các container đang trên đường tới Italy không thể quay lại được, thì chúng ta phải xử lý ngay khi chúng đến các cảng để tránh những tổn thất liên quan nếu hàng bị mắc lâu tại Italy”.

Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho hay dựa vào hợp đồng, giá trị 36 container điều này là 7,025 triệu USD, tương đương 162 tỷ đồng.

Việc mất kiểm soát hàng loạt container điều đồng loạt xảy ra trong tháng 2-2022. Sự cố này dấy lến nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, Vinacas cho rằng, khó có thể tìm ra tổ chức nào đã can thiệp lừa đảo, và cũng khó có thể khẳng định việc phạm tội thời điểm nào. “Và bộ chứng từ gốc mất kiểm soát từ khâu nào cũng khó biết”, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas, nói.

Vụ việc trở nên gấp rút vì đã có 2-3 container đã nằm tại cảng của Ý. Các container còn lại, trong vài ngày nữa sẽ cập cảng toàn bộ trong tháng 3 này. Với các ngân hàng có liên quan, Vinacas cho biết, họ rất nhiệt tình tham gia giải quyết. Tuy nhiên với các hãng tàu chỉ có 1 hãng tàu Cosco tham gia.

Hãng tàu Cosco cho biết, họ làm theo thông lệ quốc tế. Nghĩa là, ai có bộ chứng từ gốc thì nhận được hàng. Nếu Cosco không giao hàng, người có bộ chứng từ gốc đủ căn cứ thưa kiện hãng tàu.

Vinacas đã gửi văn bản nhờ chủ hãng tàu ở Trung Quốc can thiệp.

Hồ sơ vụ việc theo ghi nhận từ Vinacas thì một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng nhập khẩu điều Ý thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt. Toàn bộ lô hàng trên được đóng vào 100 container, điểm đến là Cảng Genoa, Cảng LA Spezia do các hãng tàu quốc tế là Cosco, Yangming, Hmm, One vận chuyển.

Các lô hàng này đã và đang đến một số cảng của Ý. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua theo hướng dẫn thì bị thay đổi số Swift (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu).

Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ thì họ thông báo bên mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ. Nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.

Một số khách hàng gửi hồ sơ đến ngân hàng Ý thì ngân hàng Ý trả lời: Hồ sơ họ nhận là bản photo, không phải bản gốc.

Lý giải vì sao phương thức thanh toán D/P (Documents against Payment, giao tiền thì giao chứng từ) với rủi ro là khi bên mua chiếm đoạt bộ chứng từ gốc, họ có thể lấy được hàng mà không cần thanh toán tiền cho bên bán nhưng các doanh nghiệp vẫn chọn, ông Bạch Khánh Nhựt cho rằng đây là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong xuất nhập khẩu hiện nay, với ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh, nhiều khi hàng còn trên đường vận chuyển, bên bán đã nhận được tiền hàng.

Trong khi đó, thanh toán L/C (tín dụng thư bảo đảm thanh toán) rất an toàn nhưng chi phí cao và thời gian nhận tiền chậm, chỉ khi nào hàng đến cảng với sự xác nhận của hải quan thì ngân hàng mới chuyển khoản cho bên bán. Chính vì thế, phương thức thanh toán L/C chỉ được các doanh nghiệp chọn khi nhận thấy khách hàng có độ rủi ro cao.

Đang có cái rối nữa là  theo ông Phạm Văn Công, chủ tịch Vinacas thì đại diện của công ty môi giới Kim Hạnh Việt cũng chưa biết đang ở đâu.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)