Trên facebook cá nhân, nhà báo Lê Diễn Đức cho rằng, việc “Lan Khuê có videoclip cho cuộc thi trong đó có bản đồ Việt Nam với Hoàng Sa -Trường Sa nên bị trả thù cá nhân là không đúng, khiên cưỡng”. Và “Lồng chính trị vào cuộc thi sắc đẹp là chuyện chẳng hay ho gì. […] Trung Quốc chỉ là nước đăng cai, ban giám khảo gồm các chuyên gia của nhiều nước trên thế giới, và đâu phải cứ nước đăng cai thì có tiếng nói trọng lượng trong việc đoạt vương miện!”.
Hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa trong clip của Lan Khuê |
Theo lý mà nói, thì nơi tôn vinh sắc đẹp, yếu tố chính trị hoặc những suy diễn kết quả hướng về chính trị là không hay ho gì. Nhưng giá như, mọi quốc gia đều có thể đặt điều đó lên cao thì sự suy diễn đó sẽ hoàn toàn không xảy ra.
Trung Quốc – quốc gia độc đảng, nhạy cảm với cụm chữ “an ninh quốc gia” đã không cho thấy điều đó.
Hoa hậu Thế giới Canada, Anastasia Lin – người duy nhất không nhận được lá thư mời thư mời tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới toàn cầu, hình ảnh của cô bị gỡ bỏ khỏi website.
Lý do, chủ nhà của cuộc thi lần này là Trung Quốc. Nhưng sâu hơn tí nữa là, Hoa hậu Anastasia Lin là người có gốc Trung Quốc và cô từng nhiều lần lên tiếng về vấn đề chủ quyền nhân quyền Trung Quốc, trong đó có cả đóng các phim nói về cuộc đàn áp môn khí công Pháp Luân Công.
Independent trong bản tin ngày 21/12 cũng cho biết, Hoa hậu Canada phải theo dõi các cuộc thi Hoa hậu Thế giới trên truyền hình vào tối thứ bảy, thay vì xuất hiện trên sân khấu tại Trung Quốc với tất cả các nữ hoàng sắc đẹp khác.
Anastasia Lin cho hãng tin này biết, “Đối với chính phủ Trung Quốc, tôi thậm chí không tồn tại”.
Ở quê nhà (Hồ Nam), cha mẹ của hoa hậu Canada bị “đe dọa”. Dường như việc cấm cô nhập cảnh Trung Quốc để tham gia cuộc thi hoa hậu là mở đầu chuỗi tấn công có chủ ý vào những người đã từng lên tiếng vì nhân quyền.
Câu chuyện của Anastasia Lin khiến người Việt Nam đủ nhạy cảm để liên tưởng đến vụ việc của hoa hậu Lan Khuê và clip Hoàng Sa – Trường Sa.
Bắc Kinh – không những thù dai, truy cùng giết tận, mà còn là người sẵn sàng bỏ tiền để đảm bảo các yêu sách về nhân quyền, chủ quyền được theo ý chủ nhà.
Cuộc thi hoa hậu vốn không nên dính dáng đến chính trị, nhưng có lẽ với Trung Quốc – đó là điều rất khó có thể xảy ra.