Việt Nam Thời Báo

VNTB – Học sinh sáng tạo, tiến sĩ làm gì?

Minh Triều

 

(VNTB) – Cần tập trung đầu tư vào các ý tưởng sáng tạo của học sinh để Việt Nam thoát cảnh “mất nước”

 

Những ngày qua, tình hình nắng nóng – hạn mặn đã khiến người dân khắp nơi chìm trong cảnh “mất nước”. Từ Tây Nguyên, tới ven biển miền Trung và cả đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều sông ngòi kênh rạch nhất Việt Nam cũng thiếu nước ngọt.

Có rất nhiều ý tưởng đã được đưa ra để “tìm nước” phục vụ đời sống của người dân. Nhưng đa phần là từ nông dân, người lao động bình dân, hoặc các em học sinh. Chưa thấy sáng kiến nào của các vị thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam.

Sáng kiến của học sinh về việc chuyển nước mặn thành nước ngọt đã có từ 10 năm nay. Ví dụ, năm 2014, hai học sinh lớp 8 ở Thừa Thiên-Huế đã mày mò sáng chế ra thiết bị tách lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời. Đề tài đã đoạt giải 3 cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng của tỉnh. (1)

Năm 2016, lúc miền Tây đối diện một đợt hạn mặn khắc nghiệt, một nhóm sinh lớp 11 ở Bến Tre chỉ mất 8 tháng để sáng chế ra thiết bị biến nước mặn thành nước ngọt. Máy gồm 4 bộ phận chính, hoạt động theo nguyên lý của máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời. Tổng giá thành sản xuất thiết bị này chưa tới 2 triệu đồng, nhưng công suất đạt 6 lít/ngày, đủ cung cấp nước uống mỗi ngày cho 3 người.(2)

Cũng tại miền tây, năm 2017 hai nữ sinh lớp 8 (Trường THCS Thuận Hưng, Hậu Giang), đã thành công chế thiết bị lọc nước mặn thành ngọt bằng năng lượng mặt trời. Chỉ với những dụng cụ đơn giản trị giá chưa tới 200.000 đồng, nhưng có thể lọc nước sạch phục vụ cuộc sống của người dân vùng mặn.(3)

 

Các em học sinh trên chỉ cần vài thiết bị thô sơ, cũng như những kiến thức căn bản là đã có thể tạo ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội. Trong khi đó những người có bằng tiến sĩ hòan toàn không có sáng kiến, sáng tạo gì ứng dụng cho thực tế, cứu giúp dân nghèo.

Những năm gần đây, Việt Nam đã gia tăng đáng kể số lượng tiến sĩ. Theo báo cáo của bộ Giáo Dục và Đào Tạo, năm 2016 Việt Nam có 24 ngàn tiến sĩ. Trong đó có 15 ngàn tiến sĩ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước.(4)

Một vài con số tham khảo cho thấy Việt Nam là một lò đào tạo tiến sĩ thuộc dạng khủng. Năm học 2016-2017, tổng số thạc sĩ và tiến sĩ tốt nghiệp là 35.918. Trong đó có 1.234 tiến sĩ. Đến năm học 2017-2018, số người tốt nghiệp sau đại học tăng lên 38.021, trong đó có 1.545 tiến sĩ.(5)

Theo bài đăng của tạp chí giáo dục vào năm 2016, con số tiến sĩ ra lò nhiều kỷ lục tại Viện Khoa học xã hội đã khiến nhiều người phải đặt phép tính chia một cách cơ học, kết quả cho thấy ở Viện này, trung bình cứ 1,76 ngày lại cho ra lò một tiến sĩ. Còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 giờ 15 phút lại có một người tốt nghiệp tiến sĩ và chắc chắn con số này còn tăng lên bởi theo lý giải của lãnh đạo Viện này “tỉ lệ tiến sĩ của ta còn thấp so với khu vực”.

Có lẽ bằng tiến sĩ quá dễ lấy, nên tiến sĩ “giấy” cũng xuất hiện nhiều. Khi mà “nghề đào tạo tiến sĩ” đem lại nhiều lợi nhuận thì sẽ nảy sinh các hành vi không trung thực, đạo văn, hoặc chấm điểm luận văn, luận án một cách sơ sài… Bằng tiến sĩ vì vậy cũng không còn nhiều giá trị thực tiễn.

Thử hỏi, những năm qua các tiến sĩ “giấy” đã làm được gì, có những phát minh hay sáng kiến gì giúp ích cho xã hội hay chưa? Trong khi hạn mặn đang ngày càng nghiêm trọng, người dân họ cần 1 hành động cụ thể thì nhà cầm quyền và các tiến sĩ chỉ biết mở ra các buổi hội thảo khoa học để đưa ra ý tưởng chống hạn mặn không thực tế và nói xong để đó mà không làm.

Không biết, những tiến sĩ “giấy” này có bao giờ họ cảm thấy hổ thẹn khi nhận tấm bằng tiến sĩ hay không khi mà trình độ chưa xứng đáng cũng như cũng không có công trình, nghiên cứu nào giúp ích cho xã hội. Ngược lại những em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường lại có thể nghiên cứu chế tạo ra những thứ có ích cho xã hội và được công đồng công nhận.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tại sao bạo lực ở người trẻ gia tăng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Xây cho đủ chỉ tiêu

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đủ loại mánh khóe phá hoại kinh tế Việt

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo