(Bangkok, ngày 11 tháng Năm, 2023) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu hôm nay rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Văn Bang. Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Trần Văn Bang vào ngày mồng 1 tháng Ba năm 2022, và cáo buộc ông vì phê phán chính quyền theo điều 117 của bộ luật hình sự. Một tòa án dự kiến sẽ mở phiên xét xử ông vào ngày 12 tháng Năm năm 2023. Nếu bị kết luận có tội, ông phải đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù giam.
“Chính quyền Việt Nam liên tiếp sử dụng điều 117 của bộ luật hình sự để dập tắt tiếng nói của bất kỳ công dân nào dám sử dụng mạng internet để phê phán chính quyền hay lên tiếng ủng hộ nhân quyền và dân chủ,” ông Phil Robertson, phó giám đốc ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Nhà cầm quyền nên lập tức trả tự do cho ông Trần Văn Bang, và hủy bỏ điều luật hà khắc này.”
Chính quyền Việt Nam sửa đổi bộ luật hình sự hồi năm 2015, và chỉnh sửa điều 88, vốn có nội dung vi phạm nhân quyền, đặt hành vi “tuyên truyền chống nhà nước” ra ngoài vòng pháp luật, để tăng mức tù giam. Sau khi trở thành điều 117, điều luật này cấm việc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2018.
Kể từ năm 2018, các tòa án đã kết án ít nhất 60 blogger và nhà hoạt động theo điều 117, và xử họ từ 4 đến 15 năm tù giam. Cũng trong cùng thời kỳ, có ít nhất 13 nhà vận động nhân quyền khác bị kết tội theo điều 88 cũ, vì hành vi bị coi là vi phạm của họ xảy ra vào thời điểm điều 88 còn hiệu lực. Những người này đã bị xử từ 4 đến 12 năm tù giam.
Ông Trần Văn Bang (còn được gọi là Trần Bang), 62 tuổi, từng phục vụ trong quân đội thời đầu thập niên 1980, và sau khi xuất ngũ vào giữa thập niên này thì trở thành một kỹ sư thủy lợi. Trong 10 năm qua, ông đã tham gia một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Tháng Mười một năm 2015, trong một cuộc biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, ông Trần Văn Bang đã bị nhân viên an ninh hành hung và gây thương tích. Ông cũng tham gia một số cuộc biểu tình ủng hộ môi trường và nhân quyền, và công khai phản đối luật an ninh mạng có nội dung đàn áp được ban hành năm 2018.
Ông Trần Văn Bang công khai bày tỏ sự ủng hộ nhiều tù nhân và những người bị giam giữ vì lý do chính trị, trong đó có Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hóa, Phạm Chí Thành, và Nguyễn Năng Tĩnh.
Ông Trần Văn Bang tuyệt thực một ngày vào tháng Mười hai năm 2020 để ủng hộ blogger nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù giam vì đã vận động cho dân chủ. Ông cũng giúp quyên tiền để hỗ trợ các nhà hoạt động thân hữu gặp khó khăn, ví dụ như trường hợp của Đinh Văn Hải và Vũ Tiến Chi khi hai ông này bị nhân viên an ninh hành hung hồi tháng Sáu năm 2018 vì đã đến thăm cựu tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh ở Lâm Đồng.
Trong những năm gần đây, nhân viên an ninh thường xuyên quản thúc ông Trần Văn Bang tại gia để ông không thể tham gia những sự kiện liên quan đến nhân quyền hay những dịp nhạy cảm về chính trị.
Vài tháng trước khi ông Trần Văn Bang bị bắt, sức khỏe của ông suy giảm, vì vậy ông đã chấm dứt mọi hoạt động để tập trung vào điều trị. Tuy nhiên, công an vẫn tiếp tục triệu tập và thẩm vấn ông. Dự đoán được việc mình có thể bị bắt, ông trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do vào giữa tháng Hai năm 2022, và cho biết công an hỏi ông về các vấn đề “liên quan đến tuyên truyền, chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Tuy nhiên, theo ông, công an “thích chộp ai thì chộp để lấy thành tích, chứ những cái kia chỉ là cái cớ thôi.”
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam thể hiện mặt yếu kém, chứ không phải mặt mạnh, của họ, bằng cách bắt giữ, giam cầm và truy tố bất kỳ người nào bày tỏ quan điểm phê phán chính phủ trên mạng internet,” ông Robertson nói. “Ông Trần Văn Bang lẽ ra không nên phải đối mặt với sự trừng phạt chỉ vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt cơ bản của mình.”
Nguồn: HRW – Vietnam: Free Democracy Campaigner Tran Van Bang