Việt Nam Thời Báo

VNTB – Huệ Khải bưng củi mục

Đạo Hữu Dương Xuân Lương

 

(VNTB) – Ông Huệ Khải thiếu hiểu hay thực hiện kế hoạch phá hoại danh dự Đức Hộ Pháp và triệt hạ Đạo Cao Đài của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 171B Cống Quỳnh SG?

 

Huệ Khải là thánh danh của ông Lê Anh Dũng, nhà văn, nhà nghiên cứu tôn giáo, thuyết minh giáo lý Cao Đài, đang giảng dạy tại trường Đại Học Kinh Tế Tp.HCM, tác giả bài: Hướng về ngày Khai minh Đại đạo – Từ Khai tịch đến Khai minh đăng trên trang web Thiên Lý Bửu Tòa ngày 10-11-2007 1. Ông viết:

Khai Đạo là gì?

Khai nghĩa là mở ra, khởi đầu, tức là thành lập (to establish, to found). Khai đạo 開道 là thành lập một tôn giáo (to found a religion). Trong ngữ cảnh Cao Đài thì khai Đạo là thành lập tôn giáo Cao Đài (to found Caodaism), và ngày Khai Đạo là ngày thành lập Cao Đài giáo (Caodai Foundation Day).

Giải nghĩa bốn chữ Khai minh Đại đạo

Khai minh 開明 (to enlighten) là làm cho sáng tỏ, giúp mọi người hiểu biết, không còn u tối, dốt nát (vô minh).

Khai minh Đại đạo 開明大道 là làm cho mọi người đều biết tới tôn giáo Cao Đài, tức là Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (nói tắt là Đại đạo). (Hết trích).

Theo đó ông Huệ Khải đã biết Khai Đạo khác với Khai minh Đại đạo.

Mở đầu ông Huệ Khải viết: Ngày nay phần đông tín đồ Cao Đài đều quen gọi ngày 23 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày Khai tịch Đạo. Cũng thế, hầu hết đều gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài 44 năm từ 1926 đến tháng 9-1970, chưa từng có hai tên gọi ngày Khai tịch Đạo và ngày Khai minh Đại đạo. Phải đợi đến ngày thứ Ba 22-9-1970, trong một đàn cơ tại thánh thất Nam Thành (quận 1, Sài Gòn) hai vị tiền bối khai Đạo là Đoàn Văn Bản (1876-1941) và Phạm Công Tắc (1890-1959) mới chính thức dùng hai tên gọi này. (Hết trích)

Tôi có mấy nhận định:

1/- Cũng thế, hầu hết đều gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo (hết trích).

Thực tế và pháp lý đạo: Hằng năm cứ đến đêm 14 rạng 15 tháng 10 âm lịch là Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) tổ chức đàn cúng Lễ Hạ Ngươn và Lễ Kỷ Niệm Ngày Khai Đạo. Tôi đi cúng nhiều lần chưa bao giờ nghe hay biết Hội Thánh gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo.

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (TNHT) quyển 2 trang 127 bản in năm 1972 viết: THÁNH GIÁO NGÀY KHAI ĐẠO. Ngày 18-Novmebre 1926 (14-10-Bính Dần). Khai Đạo tại Chùa Gò-Kén Tây-Ninh (Từ Lâm Tự)2.

Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo viết: Các ngày cúng lễ hàng năm âm lịch tại Tòa Thánh Tây Ninh. 15-10. Kỷ niệm ngày khai Đạo Đ.Đ.T.K.P.Đ. Đại Đàn.

Đạo Sử của Bà Đầu Sư Hương Hiếu viết Ngày Khai Đạo (14/15-10-Bính Dần), không bao giờ gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo.

Trong nhiều bài thuyết đạo về ngày 14-10-Âm lịch hàng năm Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đều dạy Ngày Khai Đạo hay Lễ Kỷ Niệm Ngày Khai Đạo… hay nhắc lại chuyện quỉ nhập Ngày Khai Đạo, chưa bao giờ Đức Hộ Pháp gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo như ông Huệ khải viết.

Tòa Thánh Tây Ninh là nguồn gốc khai sáng ĐĐTKPĐ, Hội Thánh Cao Đài có số Tín đồ nhiều hơn cả, từ Hội Thánh cho đến Đạo hữu đều gọi ngày 14/15-10-Bính Dần (18/19-11-1926) là Ngày Khai Đạo nên có Kỷ Niệm Lễ Khai Đạo. Từ kinh sách đến thực tế, chưa từng gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo lấy một lần. Vậy ông Huệ Khải căn cứ vào đâu để viết câu: Cũng thế, hầu hết đều gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo?

Nhận định: Ông Huệ Khải là người giảng dạy đại học kinh tế, lẽ ra phải biết cách làm việc khoa học, lẽ ra ông phải trưng chứng cứ.

Thứ nhất: Kinh sách nào hay trên thực tế Hội Thánh Cao Đài gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo. Ông không đưa ra chứng cứ nào hết.

Thứ hai: Hội Thánh chi phái nào đã gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo, Hội Thánh ấy có bao nhiêu nhân sự, hay chỉ vỏn vẹn có các cụ chức sắc, không có Tín đồ. 

Thứ ba: Thống kê và so sánh với tổng thể, đạt tỷ lệ là bao nhiêu và công bố số liệu xem có đáng với chữ hầu hết hay không.

Nhưng ông Huệ Khải bỏ qua những căn bản đó khi viết: Cũng thế, hầu hết đều gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo. Ngay câu thứ ba của bài viết và chỉ cần một câu tác giả đã đánh tráo tên gọi và tuyên bố ông có hầu hết. Ông không hiểu là phải có pháp lý và chứng cứ hay coi thường bi trí dũng người Đạo Cao Đài 1926?

2/- … hai vị tiền bối khai Đạo là Đoàn Văn Bản (1876-1941) và Phạm Công Tắc (1890-1959) mới chính thức dùng hai tên gọi này.

Tôi nhận định phần của Đức Hộ Pháp (ĐHP) Phạm Công Tắc (PCT) giáng cơ tại Nam Thành Thánh Thất ngày 22-9-1970.

Ông Huệ Khải đã xài đàn cơ có ĐHP giáng cơ nên Tôi mời ông xem một vài trích đoạn Thượng Đế dạy ĐĐTKPĐ về cơ bút và ĐHP dạy để kiểm chứng.

2.1/- TNHT quyển 1, bài 2, ngày 3-1-1926 Đức Thượng Đế dạy: Kẻ phò cơ chấp bút cũng như Tướng-Soái của Thầy để truyền Đạo cho thiên hạ. Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường…

2,2/- TNHT quyển 2, ngày 03-02-1928: Các con đã từng nghe lời Thầy khuyên nhủ về chuyện ngừa cơ-bút, thế mà một phần chẳng chịu sửa cải đường ngay cho khỏi lâm vào nẻo tà mị, đã vi lịnh Thầy mà dìu dắt các con lạc bước. Thầy cũng đại lụy mà ngó xem một phần môn đệ xứng đáng của Thầy phải sa vào vực thẳm… C…, Thầy cấm từ đây chẳng nên lấp lửng cầu cơ hay chấp bút chi, vì là một sự hại lớn lao cho Đạo. Đả phá đức tín ngưỡng của chúng-sanh, lại làm cho nhơn sanh bị nhơ trược.

2.3/- Ngày 01-11-1932 Ngài Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh gởi thư cho Ông Thái Ca Thanh ở Cầu Vỹ Mỹ Tho. Thầy đã dạy: Đạo khai tà khởi, nó cũng dám lấy tên Thầy mà cám dỗ lựa là Tiên Phật nên Thầy đã căn dặn ngoài Thập Nhị Thời Quân của Thầy đã chọn đừng vội tin Thầy có giáng nơi này nơi nọ mà phải lầm mưu tà quái cám dỗ.

2.4/- ĐHP dạy 23-3-1951. Cơ bút đã đủ quyền lập Đạo đặng thì nó cũng đủ quyền diệt Đạo đặng. Vì cớ mà Đức Chí Tôn đã cấm Cơ bút phổ độ. Một điều nguy hiểm nhứt là cơ bút có quyền phong cho một tên cùi phung ăn xin nơi giữa chợ ngồi địa vị Giáo Tông hay là Hộ Pháp đặng, thì ta là người giữ gìn chơn pháp lại càng phải oai nghiêm lắm lắm mới đặng.

2.5/- Ông Trung Uý Tường xin lập Minh Trước Đàn để cho Sĩ quan từ cấp Trung Uý đổ xuống cầu cơ. ĐHP phê: Chúng ta không biết Tường thọ mạng lịnh chi của Đức Thanh Sơn. Nếu Ngài không giáng cơ công khai nơi Cung Đạo Đền Thánh trước Thánh thể Đức Chí Tôn thì ta không nhìn nhận Minh Trước Đàn.

Đó là những lời dạy về cơ bút, Ông Huệ Khải viết năm 1970 ĐHP giáng cơ tại Nam Thành Thánh Thất nên Tôi có nhận định.

Thứ nhất. Khi còn tại thế, ĐHP dạy: không ai hiểu Thượng Sanh bằng Hộ Pháp và không ai hiểu Hộ Pháp bằng Thượng Sanh. Đức Thượng Sanh cùng phò cơ với ĐHP 1925. Từ năm 1956 đến 1971, Đức Thượng Sanh thường cầu cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh (TTTN) xin ĐHP chỉ dạy rất nhiều việc. Tại sao ĐHP không dạy điều ấy trước Thánh thể Đức Chí Tôn, mà dạy cho Thánh Thất Nam Thành (1970) là nơi chẳng có pháp lý gì trong đạo?

ĐHP cầm pháp luật đạo, Ngài giáng cơ cũng dạy tùng pháp luật đạo, theo đó không một Thánh Thất nào được quyền cầu cơ; Nam Thành Thánh Thất lại không thuộc quyền Hội Thánh Cao Đài mà ĐHP lại về cơ để dạy chỉnh sửa điều rất can hệ như thế?

Thứ hai: ĐHP cũng giáng cơ tại Giáo Tông Đường để hàn huyên hay chỉ dạy các Chức sắc, ĐHP chưa từng dạy gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo. Trước khi về thiêng liêng vị ĐHP dạy: mấy em nhìn Qua cho kỷ kẻo sau nầy lầm Hộ Pháp giả. Vậy có pháp lý nào của ĐĐTKPĐ để kiểm chứng không?

Thứ ba: các bậc tiền bối như Thượng Chưởng Pháp, Đức Cao Thượng Phẩm, khi về thiêng liêng vị cũng giáng cơ và đưa vào TNHT, chẳng bao giờ dạy gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo. Vậy có cách nào kiểm chứng nội dung đàn cơ ông Huệ Khải xài hay không?

Bài viết của ông Huệ Khải đem theo những hậu quả rất tai hại.

Thứ nhất: Đức Thượng Đế lập ĐĐTKPĐ là một tôn giáo pháp quyền, Thượng Đế giao việc cơ bút cho 12 (mười hai) vị Thời quân và Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh. Trong đó ĐHP là đồng tử đặc biệt nhất, nên tiếp nhận lời dạy của Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng thường xuyên nhất, nhờ vậy mà Ngài có hiểu biết phi thường để lập ra thể pháp cho ĐĐTKPĐ, có thể pháp mới có tài nguyên và môi trường để thực thi bí pháp. ĐHP trân trọng lời dạy của Thượng Đế, khi tại thế Ngài đã dạy Tín đồ ngày 14 rạng 15 tháng 10 năm Bính Dần là Ngày Lễ Khai Đạo. Ông Huệ Khải gán cho ĐHP gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo là dán nhãn ĐHP phản nghịch lại Đức Thượng Đế, là phá hoại danh dự ĐHP.

Thứ hai: TNHT dạy: THÁNH GIÁO NGÀY KHAI ĐẠO. Ngày 18-Novmebre 1926 (14-10-Bính Dần). Khai Đạo tại Chùa Gò-Kén Tây-Ninh (Từ Lâm Tự) ĐHP đã căn cứ vào đó để dạy người đạo nay ông Huệ Khải viết ĐHP giáng cơ gọi ngày Rằm tháng 10 âm lịch là ngày Khai minh Đại đạo là tạo ra một ĐHP phủ nhận những lời Ngài dạy khi còn mang xác phàm. Ông Huệ Khải đang truyền bá rằng khi còn mang xác phàm ĐHP đã sai lầm nghiêm trọng nên nay phải nhờ ông Huệ Khải giúp sửa lỗi.

3/- Ông Huệ Khải viết: Trong một đàn cơ do bộ phận Hiệp thiên đài Cơ quan Phổ thông Giáo lý phụ trách tại thánh thất Nam Thành, ngày thứ Ba 22-9-1970 (23-8 Canh Tuất), … Tiếp theo đó, Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, Quyền Thượng tôn Quản thế Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, đã giáng đàn dạy:

Danh xưng Thượng tôn Quản thế (TTQT).

Thượng Đế lập Đạo Cao Đài theo triết lý QUỐC-ĐẠO nên có chánh thể với tam quyền phân lập minh bạch. Đạo dùng Nho Tông chuyển thế nên chính danh là điều tất yếu khi hành đạo. ĐHP dạy chức sắc và người đạo chánh danh thì Ngài làm gương trước.

Ngày 22-8-1946, ĐHP đi đày ở Madagascar về, sau đó Ngài lập Quân Đội Cao Đài và cầm quyền tối cao của Quân Đội Cao Đài nên có danh xưng TTQT.

Ngày 25-3-1955 ĐHP trả lời với Tam Đầu Chế rằng: …Ta vì phục vụ cho tổ quốc giống nòi Việt Nam đã thuận cho quốc gia hóa cả quân đội và để trọn quyền cho chánh phủ xử dụng, thì kể như đạo đã xong phận sự cùng nước Việt và dân Việt. Đạo hôm nay đã trở về lập trường và địa vị quốc tế của nó. Bởi cớ mà Bần Đạo không muốn làm Thượng Tôn Quản Thế là tránh điều trở ngại cho Chánh quyền. …

Ngày 02-5-1955 ĐHP đã hoàn tất thủ tục quốc gia hóa với thủ tướng Ngô Đình Diệm thì ĐHP không còn là TTQT. Sau đó Ngô Đình Diệm khủng bố ĐHP Ngài lưu vong sang Campuchia, cho đến khi triều thiên Ngài không hề dùng danh hiệu TTQT lấy một lần. ĐHP giáng cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh cũng không dùng danh xưng TTQT. 

Năm 1970 đàn cơ do bộ phận Hiệp thiên đài Cơ quan Phổ thông Giáo lý phụ trách tại thánh thất Nam Thành đã cầu cơ, Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, Quyền Thượng tôn Quản thế giáng đàn dạy có rơi vào lời ĐHP dạy: mấy em nhìn Qua cho kỷ kẻo sau nầy lầm Hộ Pháp giả hay không cần kiểm chứng để kết luận.

4/- Kiểm chứng và kết luận.

Đàn cơ trên đây có ngài Đoàn Văn Bản, vậy Tôi bắt đầu từ việc Ngài Đoàn Văn Bản thấy cơ bút huyền diệu nên xin tập làm đồng tử (14-1-1926). Khi đó Thầy dạy:

Bút nở mùa hoa đã có chừng,
Chẳng như củi mục hốt mà bưng,
Gắng công ắt đặng công mà chớ,
Buồn bực rồi sau mới có mừng.

Đạo Sử ghi chú: Ông Ðốc Bản xin chấp bút, Thầy cho bài thi nầy ám chỉ Thầy định cho ai thì nấy đặng, chớ không phải ai cũng có thể cầu cơ chấp bút đặng.

Tôi hiểu rằng đó là điều kiện ắt có và đủ về cơ bút trong ĐĐTKPĐ. Chỉ có đồng tử do Thầy chọn (là 15 người) và đàn cơ phải đúng khuôn phép mới có thể tạo ra những giá trị thiết thực và cao đẹp. Đồng tử không do Thầy chọn và đàn cơ không đúng khuôn phép sẽ bị ma quỉ mạo danh Thầy hay các Đấng nhập cơ, ma quỉ có đủ sự tinh quái và quỉ quyệt để viết ra những điều bóng bẩy hào nhoáng nhưng thực chất là củi mục và người thiếu hiểu không nhận biết nên vừa hốt vừa bưng củi mục về xài.

Thầy chỉ chọn có 15 đồng tử và đã công bố, trong đó không có đồng tử của bộ phận Hiệp thiên đài Cơ quan Phổ thông Giáo lý. Căn cứ vào các điều trên và lời dạy của Ngài Thượng Tương Thanh để kiểm chứng đàn cơ qua hai phương diện pháp lý và nội dung.

Về pháp lý: Trong 15 đồng tử của Thầy chọn không có đồng tử của CQPTGL. Địa điểm, thành phần tham dự đàn cơ không nằm trong pháp lý của ĐĐTKPĐ. Thượng Đế không dạy Hội Thánh Cao Đài tham khảo hay nhìn nhận cơ bút của CQPTGL.

Về nội dung: Thầy dạy ngày 14 tháng 10, Bính Dần (18-11-1926) là Khai Đạo tại Chùa Gò-Kén Tây-Ninh (Từ Lâm Tự), đã công bố trước khi CQPTGL ra đời. Đàn cơ của CQPTGL tại Nam Thành Thánh Thất dạy đổi Ngày Khai Đạo tại Chùa Gò Kén thành Khai minh Đại đạo là trái ngược với Thánh giáo Thầy dạy, trái ngược với Thiên Thơ, trái với thực tế.

Qua hai kiểm chứng trên đã đủ căn cứ để kết luận đồng tử của bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ quan Phổ thông giáo lý đã tạo ra củi mục. Ông Huệ Khải không biết kiểm chứng nên vừa hốt vừa bưng củi mục ra trình chánh với xã hội.

Ông Huệ Khải làm như thế là thiếu hiểu hay thực hiện kế hoạch phá hoại danh dự ĐHP và triệt hạ Đạo Cao Đài của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 171B Cống Quỳnh SG?

(Còn tiếp: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý: Căn cước và nhiệm vụ)

 

____________________

Tham khảo:

(1)  https://thienlybuutoa.org/Giaoly/TuKhaiTichDenKhaiMinh.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tăng, ni và việc cất thất sinh hoạt ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tưởng niệm Nạn Nhân của Hành Vi Bạo Lực vì Niềm Tin hay  Tôn Giáo

Do Van Tien

VNTB – Thế nào là hiểu đúng về vụ chính quyền sách nhiễu nhà thờ ở Kontum?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.