(VNTB) – Ông Hunsen được bầu làm chủ tịch Thượng Viện
Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã được bầu làm chủ tịch Thượng Viện hôm thứ Tư trong một động thái được cho là đã đưa ông trở lại vị trí hàng đầu trong chính sách ngoại giao Campuchia.
Hun Sen từ chức thủ tướng vào tháng 8/2024 sau gần 40 năm tại vị và để cho con trai cả của ông, Hun Manet kế vị cha. Hun Sen được bầu vào Thượng Viện vào tháng 2 năm nay, khi Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của ông giành được 55 trong số 58 ghế.
Các thượng nghị sĩ kể cả những người thuộc phe đối lập, đã nhất trí bỏ phiếu hôm thứ Tư để bầu ông làm chủ tịch Thượng Viện tại phiên họp đầu tiên sau cuộc bầu cử.
Hun Sen sau đó nói với các nhà lập pháp rằng việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện để thúc đẩy hợp tác quốc tế sẽ là “một trong những ưu tiên của chúng ta”.
Prak Sokhonn – cựu phó thủ tướng và cựu bộ trưởng ngoại giao – được chọn làm phó chủ tịch Thượng Viện cùng với Ouch Borith, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế. Cả hai người này đều có quan hệ chặt chẽ với Hun Sen.
Hun Sen được cho là đang chia nhiệm vụ ngoại giao với Hun Manet sau những diễn biến mới nhất.
Hun Sen ưu tiên quan hệ của Campuchia với Trung Quốc khi còn làm thủ tướng, ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh và thường đứng về phía Trung Quốc tại các cuộc họp ASEAN. Với chức chủ tịch Thượng Viện hiện này, ông có thể nỗ lực duy trì mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hun Sen cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Thượng tướng Min Aung Hlaing của Myanmar sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước này vào năm 2021. Hun Sen thân thiết với cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hiện vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng ở Thái Lan.
Hôm thứ Ba, ông nói với Đại sứ Nhật Bản tại Campuchia Atsushi Ueno rằng ông sẽ tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Quốc hội Nhật với tư cách là chủ tịch Thượng viện.
Trong khi đó, Hun Manet được đào tạo ở Mỹ và Anh, và cả Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point. Ông Manet cũng có bằng tiến sĩ kinh tế. Ông được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ của Campuchia với Mỹ và châu Âu, những nước coi cha ông là một nhân vật chuyên quyền hơn.
Gia đình Hun Sen đã siết chặt quyền lực trong nhiều năm qua. Hun Sen đã đẩy lùi các đối thủ chính trị như Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng và Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh khi chuyển giao quyền cho Hun Manet vào năm ngoái, giúp củng cố vị thế của con trai ông. Bản thân Hun Sen vẫn là người đứng đầu đảng cầm quyền.
Nội các mới gồm nhiều thành viên trong gia đình và cộng sự thân cận của Hunsen. Bộ trưởng Công vụ Hun Many, con trai út của Hun Sen, cũng trở thành phó thủ tướng vào tháng 2 này.
Trong các nhiệm kỳ thủ tướng, Hun Sen đã tận dụng những thay đổi trong quy tắc bầu cử và luật pháp để củng cố vị thế cá nhân và làm suy yếu phe đối lập. Ông chuyển trọng tâm khỏi Hoa Kỳ, quốc gia vốn chỉ trích chủ nghĩa độc tài của Campuchia, và ngày càng xích lại gần hơn với Trung Quốc.
Nhưng với việc gia đình Hun Sen đang nắm giữ ảnh hưởng ngày càng lớn, sự phản kháng hiện đang gia tăng ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền. Các chính sách kinh tế phụ thuộc nhiều vào quan hệ với Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những trở ngại khi du lịch bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 và các nhà đầu tư Trung Quốc rút vốn khỏi các dự án trọng điểm.
Nguồn: Nikkei Asia Review