Anh Khoa dịch
(VNTB) – Rừng nhiệt đới đang ít bị phá và được bảo tồn nhiều hơn
Không có hệ sinh thái nào quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hơn rừng nhiệt đới. Và Đông Nam Á là nơi có diện tích rừng lớn thứ ba thế giới, sau lưu vực sông Amazon và Congo.
Mặc dù con người thải ra carbon từ những khu rừng này thông qua việc khai thác gỗ, chặt phá để làm nông nghiệp và các hoạt động gây hại khác, nhưng một số lại rộng lớn và có khả năng tái tạo lớn đến mức sự phát triển của thực vật bên trong chúng thậm chí còn hấp thụ carbon nhiều hơn từ khí quyển. Khu vực Congo, mỗi năm, hấp thu 600 triệu tấn carbon nhiều hơn lượng thải ra của nó, theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), một NGO (tổ chức phi lợi nhuận) quốc tế, tương đương với khoảng một phần ba lượng khí thải từ tất cả các phương tiện giao thông của Mỹ. Amazon cũng vậy, vẫn là một nơi hấp thụ (mặc dù bốn năm xảy ra hỏa hoạn lớn và việc phát quang để chăn thả gia súc đã đưa nó gần đến điểm lượng hấp thu bằng không). Ngược lại, mức độ chặt phá rừng để lập đồn điền ở các khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á, kéo dài từ Myanmar đến Indonesia, mà trong 20 năm qua, đã biến chúng từ một bể chứa carbon dần dần thành một nguồn phát thải đáng kể — gần 500 triệu tấn một năm. Indonesia và Malaysia, nơi có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất, đã mất hơn một phần ba diện tích trong thế kỷ này. Campuchia, Lào và Myanmar, những nước tương đối mới đến với nạn phá rừng, đang bù đắp cho khoảng thời gian đã mất.
Nếu đó là phông nền u ám, một vài tin tốt sẽ giúp nó đỡ ảm đạm hơn. Đầu tiên, theo Global Forest Watch, tổ chức sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi độ che phủ của cây, tình trạng mất rừng nguyên sinh ở Indonesia và Malaysia đã chậm lại trong năm thứ tư liên tiếp – trái ngược với các khu vực khác trên thế giới. Lần đầu tiên Indonesia không phải là một trong ba quốc gia tồi tệ nhất thế giới về mặt này. Sau những đám cháy kinh hoàng vào năm 2015, chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh tạm thời cấm cấp phép cho các đồn điền trồng dầu cọ và đưa ra một lệnh cấm vĩnh viễn việc phát quang rừng nguyên sinh và đất than bùn. Mặc dù việc vi phạm xảy ra thường xuyên, nhưng rõ ràng chúng đang có một số ảnh hưởng. Vào năm 2019, Malaysia đã áp đặt giới hạn 5 năm đối với diện tích đồn điền. Họ cũng tăng hình phạt đối với hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp.
Tin thứ hai là một sáng kiến được công bố trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu gần đây của Tổng thống Joe Biden. Nó nhằm làm cho rừng có giá trị hơn khi được bảo tồn hơn bị chặt phá. Liên minh LEAF, được hỗ trợ bởi Mỹ, Anh và Na Uy, cùng với các tập đoàn khổng lồ như Amazon, Airbnb và Unilever, nhằm mục đích tạo ra một thị trường quốc tế, trong đó tín dụng carbon có thể được bán để tránh nạn phá rừng. Một tỷ đô la ban đầu đã được cam kết để thưởng cho các quốc gia bảo vệ rừng. Đông Nam Á có thể là một bên hưởng lợi lớn: công ty đa quốc gia nào sẽ bỏ qua tiếng tốt là đã tham gia cứu đười ươi con?
Phải thừa nhận rằng, kiềm chế nạn phá rừng là một mục tiêu được các nhà vận động khí hậu ấp ủ từ lâu nhưng khó đạt được. Một sáng kiến lớn của Liên Hiệp Quốc nhằm phục vụ cho mục đích đó, REDD+, đã được đưa ra cách đây một thập niên, đặc biệt là Indonesia được kỳ vọng là sẽ được giúp đỡ. Dự án này không bao giờ đạt được mục tiêu đề ra. Các dự án để bảo tồn phải vượt qua nhiều vòng xem xét trước khi được phê duyệt. Rủi ro thường là một khu rừng ở chỗ này có thể được bảo tồn trong khi một khu rừng ở chỗ khác bị chặt phá. Rất khó giám sát các dự án. Giá quy định cho carbon theo chương trình, 5 đô la một tấn, đã quá thấp để vượt qua những trở ngại này.
Sáng kiến mới, lập luận của Frances Seymour của WRI, được xây dựng trên REDD + đã lưu ý đến những thiếu sót của nó. LEAF ít nhất sẽ tăng gấp đôi giá carbon, làm cho việc bảo tồn trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi những người mua các khoản tín dụng các-bon qua REDD + có được lợi nhuận khi giá các-bon tăng, thì giờ đây các khoản tiền sẽ được chuyển đến quốc gia đã bán các khoản tín dụng đó. Bà Seymour cho biết các tiêu chuẩn giám sát đã được cải thiện nhiều.
Điều quan trọng là, kế hoạch sẽ liên quan đến các diện tích đất lớn hơn so với các nỗ lực trước đây, được gọi là cách tiếp cận theo khu vực pháp lý. Điều đó làm giảm nguy cơ là nạn phá rừng chỉ đơn giản là chuyển từ khu vực được bảo vệ sang khu vực không được bảo vệ. Bên cạnh đó, Gita Syahrani, thuộc LTKL, chuyên hỗ trợ các nhà lãnh đạo cấp huyện ở Indonesia quan tâm đến việc bảo vệ rừng, cho biết, nó cho phép chia sẻ những phương pháp tốt nhất và để các nhà lãnh đạo địa phương hiểu được lợi thế chính trị mà việc bảo tồn và số tiền hỗ trợ mà nó có thể mang lại.
LEAF xuất hiện vào thời điểm mà các công ty lớn đã nghiêm túc hơn trong việc tránh liên quan đến nạn phá rừng và khi cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải đang gia tăng. Những người hoài nghi đã đúng khi chỉ ra rằng những người khai thác gỗ và chủ sở hữu đồn điền vô đạo đức vẫn có nhiều khả năng đánh lừa. Nhưng có thể các tiên lượng về rừng ở Đông Nam Á không còn quá ảm đạm nữa.
Nguồn: The Economist