Việt Nam Thời Báo

VNTB – Jerusalem

Truyện ngắn Trần Thế Kỷ (VNTB) –  Tôi đến Israel một ngày rực nắng. Đón tôi tại phi trường Tel Aviv là hai người bạn thân trước đây học cùng tôi tại Pháp, Yasser và Dalena. Họ đã mời tôi tới đây và Dalena hứa sẽ làm người hướng dẫn tôi tham quan Jerusalem (cách phi trường 60 km).

– Hãy đến Jerusalem ít nhất một lần trong đời, Dalena có lần nói với tôi, thế giới có mười phần đẹp thi Jerusalem chiếm hết chín phần.

Dalena là người Do Thái và là cư dân Jerusalem chính gốc, còn Yasser là người gốc Palestin. Họ yêu nhau khi chúng tôi còn là sinh viên đại học Sorbonne. Được biết thành phố cổ Jerusalem chia làm bốn khu chính: Armeno, Do Thái, Ki tô giáo và Hồi giáo. Mỗi khu có nét đặc thù riêng. Yasser và Dalena đều ở khu Ki tô. Tôi đến Israel không chỉ để thăm thành phố thiêng liêng này mà nhân thể còn dự đám cưới của hai người.

Tôi chia tay Israel, chia tay Jerusalem mà lòng mong sớm một ngày trở lại. Vì tôi đã yêu đất nước này, đã yêu thành phố này như đã yêu thương Dalena.

Từ phi trường, ngồi trên chiếc xe hơi màu đen của Yasser, tôi được chở thẳng về Jerusalem. Hai người bạn đưa tôi đến khách sạn “Ba vua”, một khách sạn nhỏ gần nhà Dalena. Nhà của hai bạn này không mấy rộng nên tôi không muốn phiền. Sau một ngày nghỉ ngơi, tôi chính thức thăm viếng thành phố vốn được xem là thánh địa của ba tôn giáo: Do thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

– Để thăm hết Jerusalem thì phải mất cả tháng. Dalena nói khi cùng tôi bước lên xe. Hai chúng tôi ngồi ghế sau còn Yasser thì cầm lái. Trước mắt chúng tôi sẽ đưa anh tới một số nơi tiêu biểu cho thành phố này nhé!

– Jerusalem có bề dày 4.000 năm lịch sử. Từ này có nghĩa là “Hòa bình sẽ đến”. Dalena nói với vẻ đầy hiểu biết. Jerusalem được nhắc tới hơn 800 lần trong kinh thánh cựu ước và tân ước. Thành phố này nằm ở độ cao 750m so với Địa trung hải và hơn 1.000m so với Biển Chết.

Nơi đầu tiên chúng tôi dừng lại ghé thăm chính là khu Mộ Thánh chúa Giê Su, thuộc khu Ki tô giáo. Kể từ lúc này tôi chỉ biết chăm chú lắng nghe những lời thuyết minh mạch lạc của Dalena, cô bạn đáng yêu có mái tóc hoe vàng và ánh mắt thông minh. Nàng không khác một hướng dẫn viên chuyên nghiệp!

– Mộ Thánh là nơi chúa Giê Su chịu đóng đinh và táng xác. Đây không hề là biểu tượng của chết chóc, đau buồn nhưng là biểu tượng của phục sinh, tình yêu và hi vọng.

Ba chúng tôi hòa mình vào dòng người hành hương đông đảo đi trên những con đường nhỏ hướng về Mộ Thánh. Đền thờ Mộ Thánh có vẻ cổ kính và kiến trúc đơn giản, không có dáng vẻ uy nghi hay sang trọng như các thánh đường ở châu âu.

– Mộ Thánh là một quần thể kiến trúc bao gồm cả đồi Golgotha, nơi xưa kia chúa Giê su chịu đóng đinh. Dalena nói. Đền thờ Mộ Thánh không chỉ là di sản của giáo hội công giáo mà còn là của các giáo hội ki tô giáo khác như chính thống giáo chẳng hạn.

Khi được quỳ xuống bên mộ Chúa Giê su tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và quên đi cái oi bức và sự ồn ào đến từ đám đông người hành hương. Tôi cầu xin Chúa ban an bình cho thế giới, một thế giới mà nhiều nơi vấn còn khói lửa chiến tranh, nhiều dân tộc còn sống trong cảnh bất công, đói nghèo.

Giã từ Mộ Thánh, hôm sau chúng tôi lại đi thăm các khu phố khác. Theo Dalena, Armeno là khu phố nhỏ nhất so với ba khu phố kia. Nổi bật ở đây là nhà thờ chính tòa. Nhà thờ này được trùng tu vào thế kỷ 12 trong thời của Thập Tự Chinh. Tôi đặc biệt có cảm tình với khu phố Do thái, nằm về phía tây nam Jerusalem, không chỉ vì nơi đây có nhiều di tích lịch sử giá trị. Khu phố này cho tôi ấn tượng tốt đẹp với những con đường sạch sẽ, những ngôi nhà xây bằng đá trắng rất đẹp…

– Khu này trước đây được Liên Hiệp Quốc giao cho Jordan kiểm soát. Dalena nói. Sau cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967 thì nó thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Do Thái.

Khi chúng tôi đi qua một góc phố thì bắt gặp một nhóm thiếu niên đang chơi Guitar đệm hát những bài ca Do Thái, trong có bài Shalom ( Tạm biệt) tôi rất thuộc: “Giờ đây bước chân đi, bạn ơi thôi chia ly…”. Thế rồi tôi liền sà vào mượn cây đàn hát bài Donna Donna bằng tiếng pháp mà tôi được biết tác giả bài này cũng là người Do Thái tên Shalom Secunda. Yasser và Dalena cùng hòa lời hát với tôi trước sự thích thú của đám thiếu niên.

Khu phố Ki tô giáo thì nằm ở hướng đông bắc Jerusalem. Dân cư sống tập trung gần nhà thờ Mộ Thánh. Ở đây du khách nhìn thấy rất nhiều tòa nhà của các thượng phụ Ki tô giáo, trường học công giáo, cơ sở các dòng tu… Dalena cho biết riêng các tu sĩ dòng Phan xi cô đã được tòa thánh Vatican giao nhiệm vụ coi sóc những địa điểm thánh tại Israel.

Khu cuối cùng chúng tôi đến là khu Hồi Giáo vốn là khu lớn nhất, đông dân nhất so với các khu phố kia. Đa số dân cư là ngươi Ả rập. Tuy là khu lớn nhất nhưng ở đây người ta lại sống chen chúc trong những căn nhà rất nhỏ. Đường xá cũng nhỏ hẹp. Đền thờ Hồi Giáo mọc lên san sát. Ở các khu chợ người ta chào mời, trả giá tạo nên sự ồn ào náo nhiệt khiến tôi bất giác nhớ đến nhạc phẩm nổi tiếng “Phiên chợ Ba Tư” của Albert Ketelbey!

– Thành phố Jerusalem cổ có bảy cổng thành rất đẹp. Dalena trình bày khi chúng tôi ngồi trong một quán nước sau khi ăn trưa. Đó là các cổng Giaffa, Damasco, Stefano … Jerusalem là một vùng đất nhạy cảm xét về phương diện thiêng liêng lẫn chính trị vì cả Israel lẫn Palestine đều nhắm tới như một phần không thể thiếu.

– Nhưng người Palestine không đòi hỏi cả Jerusalem. Yasser nói với vẻ bức xúc. Họ chỉ đòi phần phía Đông trong khi Israel thì đòi lấy tất. Bao cuộc hòa đàm đã đổ vỡ vì nhiều lý do nhưng lý do mấu chốt vẫn là Jerusalem. Thật khó hình dung một Palestine độc lập trong tương lai lại không có thủ đô là đông Jerusalem. Giống như nước pháp mà không có Paris!

– Bạn có lý. Tôi gật gù. Tuy nhiên tôi rất chú ý đến đề xuất của Đức giáo hoàng Jean Paul II khi ngài còn sống, rằng không nên xem Jerusalem là của riêng quốc gia nào mà hãy biến nó thành một thành phố quốc tế. Chẳng gì đây cùng là thánh địa của ba tôn giáo. Tôi thấy ý kiến này của giáo hoàng là rất hay dù biết là khó khả thi.

Tôi đưa mắt nhìn một toán lính Israel trang bị súng ống đầy đủ vừa đi qua. Dalena nói:

– Ở Jerusalem thường xuyên có sự hiện diện của binh lính Israel. Họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng đối phó với mọi bất ổn có thể xảy ra.

– Hãy tạm gác chuyện dài Palestine sang một bên. Dalena trở lại với chuyến tham quan của tôi. Trong 7 cổng thành thì Giaffa là cổng thành quan trọng và chính yếu nối thành phố cổ và thành phố mới. Cổng Giaffa còn là con đường dẫn tới Bethlehem và Hebron. Sáng mai chúng tôi sẽ đến khách sạn để đưa anh đi viếng Bethlehem. Đồng ý chứ!

– Đồng ý! Tôi reo lên. Nhưng cho tôi hỏi Bethlehem có nghĩa gì vậy?

– Trong tiếng Do Thái thì nó nghĩa là nhà bánh mỳ. Dalena mỉm cười. Bethlehem cách thánh đô 7 cây số về phía nam, nằm trong vùng đồi núi miền Juda.

– Cho tôi hỏi Dalena một câu nữa nhé. Sao bạn hiểu biết Jerusalem nhiều đến thế?

Dalena cười tủm tỉm. Yasser nói:

– Cha nào con nấy. Cha Dalena vốn là nhà sử học. Ông từng viết một cuốn sách đồ sộ về lịch sử Jerusalem từ thời cổ đại cho tới hết tiền bán thế kỷ 20, chính xác là đến năm 1948 khi Ben Gourion tuyên bố thành lập nước Do Thái.

– Tôi đang dự tính viết một cuốn sách về Jerusalem thời hiện đại. Dalena tiếp lời.

– Hoan hô! Tôi đón chờ tác phẩm của bạn đấy. Yasser, anh thật may mắn vì sắp được làm chồng một cô gái tuyệt vời như Dalena!

Sáng sớm hôm sau tôi thức dậy với tâm trạng háo hức. Đứng ở ban công khách sạn hít thở bầu không khí thơm tho của buổi ban mai, tôi xúc động khi nghĩ tới chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi mình sẽ đến được nơi mà cách đây 2000 năm chúa Giê su đã giáng sinh.

Dalena hẹn 8 giờ sáng sẽ đến khách sạn để đón tôi nhưng tôi chờ mãi không thấy nàng đến. Tám giờ rưỡi rồi chín giờ hơn vẫn chưa thấy. Tôi sốt ruột. Dalena là người rất đúng giờ, không bao giờ sai hẹn với ai. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi bèn gọi taxi chở đến nhà Dalena.

Xe vừa đỗ trước nhà nàng thì tôi nghe thấy nhiều tiếng than khóc từ trong phát ra. Tim tôi đau nhói khi thấy Yasser đang quì khóc thảm thiết bên xác một người nằm trên một chiếc giường con đặt giữa phòng chính. Trong phòng khá đông người. Ai nấy nước mắt đầm đìa. Tôi run run bước lại gần. Than ôi, chính là nàng, Dalena yêu quý của tôi. Nàng nằm đấy, mắt nhắm nghiền, người bê bết máu. Người con gái mới hôm qua còn tươi tắn yêu đời giờ chỉ là cái xác không hồn. Tôi gục xuống bên xác nàng, khóc nức nở. Yasser ôm chầm lấy tôi. Mọi người càng khóc lớn hơn.

Qua lời kể của Yasser tôi được biết chiều hôm trước khi Dalena đang ở trong nhà bạn gái ở một khu định cư người Do Thái (nàng đến mời bạn dự tiệc cưới) thì bất ngờ nhiều quả đạn pháo từ phía dải Gaza bắn sang,một quả trúng ngay ngôi nhà. Hai người bị thương nặng, ba người chết trong đó có Dalena. Yasser đứng ngoài nhà nên chỉ xây xát nhẹ.

Các ngày hôm sau là những đợt không kích trả đủa của Israel vào dải Gaza, giết chết nhiều người. Báo, đài Israel tràn ngập hình ảnh nhiều đám đông biểu tình kêu gọi tiêu diệt Hamas, tái chiếm Gaza..

Tôi rời Israel với trái tim trĩu nặng nỗi buồn. Bao giờ vấn đề Palestine mới được giải quyết? Bao giờ bom đạn mới thực sự im tiếng trên vùng đất này? Bao nhiêu cơ hội hòa bình đã bị bỏ lỡ. Bao nước mắt đã rơi mà chưa thấy nụ cười. Tôi chạnh lòng nhớ lại bài hát Shalom: “Giờ đây bước chân đi, bạn ơi thôi chia ly..”. Một người bạn thân yêu của tôi vừa ra đi mãi mãi không kịp nói lời từ biệt, bỏ lại trần gian bao ước mơ tươi đẹp của tuổi thanh xuân.

Tôi chia tay Israel, chia tay Jerusalem mà lòng mong sớm một ngày trở lại. Vì tôi đã yêu đất nước này, đã yêu thành phố này như đã yêu thương Dalena.

Tin bài liên quan:

VNTB – Rửa lỗ tai mà vẫn còn ngứa

Phan Thanh Hung

VNTB – “Bia” tưởng niệm người Do thái xấu số

Phan Thanh Hung

VNTB – Chế Bồng Nga

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo