Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kết án công dân 7 năm tù: Công lý kiểu gì?

Nguyễn Tuấn (VNTB) Cuối cùng, vụ kiện “Chai nước ngọt Number 1 của tập đoàn Tân Hiệp Phát có ruồi” ở Tiền Giang cũng được Tòa án Nhân Dân cấp tỉnh đưa ra xử (chứ không phải xét xử, bởi chỉ có xử mà không cần xem xét !). Người bị cho là “có tội” = bị cáo Võ Văn Minh bị kết án 7 năm tù giam về tội cưỡng đoạt tài sản!! Án chưa có hiệu lực. Ông Võ Văn Minh hiện vẫn là công dân vô tội.

VNTB – Kết án công dân 7 năm tù: Công lý kiểu gì?

Một kết quả không làm cho dư luận xã hội cũng như cộng đồng các trang mạng phải ngạc nhiên. Bởi trong bối cảnh hệ thống pháp luật của nhà cầm quyền luôn có xu thế bảo vệ cho kẻ có quyền lực, kẻ có nhìều tiền – cụ thể trong phạm vi này là tập đoàn Tân Hiệp Phát – thì những công dân thấp cổ, bé họng – như trường hợp ông Võ Văn Minh – phải là người thua cuộc trong sự đối đầu cũng không có gì khó hiểu!

Trở lại vụ kiện

Theo cáo trạng của cơ quan công tố, ngày 3/12/2014, trong lúc lấy chai Number 1 loại 350ml, là sản phẩm của công ty TNHH TM – DV Tân Hiệp Phát ra bán cho khách, ông Võ Văn Minh phát hiện trong chai nước có con ruồi chết bên trong nên đem cất giấu. Hai ngày sau, ông Minh gọi điện thoại đến báo cho công ty Tân Hiệp Phát biết và yêu cầu giao 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước cũng như sự im lặng.

Ông Minh còn hăm nếu Tân Hiệp Phát không chấp nhận sẽ đi kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương và đăng tải thông tin này rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, in 5.000 tờ rơi nêu lại sự việc để mọi người cùng bên (ai cũng biết ông Minh nghèo rớt mồng tơi, tiền đâu mà đi đăng báo và in tờ rơi, và ông cũng không biết luôn cả các từ như “uy tín”, “thương hiệu”, đơn giản, ông chỉ nghĩ đúng chất dân Nam bộ: mày nổ trên tivi cho dữ, cho bà con biết chai nước có ruồi để mày mất mặt chơi!)

Ban giám đốc công ty đã 3 lần cử nhân viên xuống gặp ông Minh để thương lượng nhưng bất thành, một trong những cuộc đối thoại ấy đã được nhân viên công ty bí mật ghi âm.

Trích cáo trạng: “Trước sự đe dọa của Minh làm cho Ban giám đốc công ty Tân Hiệp Phát lo sợ bị ảnh hưởng đến uy tín của công ty nên buộc phải đồng ý giao cho Minh 500 triệu đồng”. Ngày 27/1/2015, bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc công ty đã phân công 3 nhân viên đến quán giải khát Hương Quê tại ấp Hậu Vĩnh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để giao cho tiền cho Minh. Đặc biệt, khi nhận số tiền 500 triệu đồng, ông Minh có làm biên nhận cho nhân viên công ty. Đúng ngay lúc này, cơ quan CSĐT công an tỉnh Tiền Giang đã ập vào bắt quả tang. Với hành vi trên, ông Minh đã bị khởi tố, truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 135 bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 12-20 năm tù”.

Dân sự hóa hình sự trong nháy mắt!

Khi nhận tin báo có xác ruồi trong chai nước Number 1, tập đoàn Tân Hiệp Phát nhiều lần liên tiếp phân công nhân viên đến quán nước gặp ông Minh để thảo thuận, thương lượng bồi thường. Bản chất sự việc có thể xem như một giao dịch bán lại chai nước ngọt có ruồi để đổi lấy sự im lặng, không làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Tân Hiệp Phát. Một thỏa thuận thuần túy dân sự.

Thế nhưng chuyện trở nên phức tạp khi phía Tân Hiệp Phát bí mật sử dụng máy ghi âm cuộc thỏa thuận và ngầm báo cho cơ quan công an bất ngờ ập đến đúng lúc để bắt ông Minh vì tội… tống tiền!! Bắt nóng, bắt khẩn cấp mà không cần đơn tố giác tội phạm, cũng chẳng cần Lệnh tạm giữ nghi can!

Nếu chỉ nhìn ở góc độ này, rõ ràng công an VN rất nhanh, rất giỏi trong việc trấn áp tội phạm, đồng thời cũng rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản cho… người giàu! Kể từ giai đoạn này, tội danh cưỡng đoạt tài tản được xác lập và áp dụng ngay cho hành động “cầm tiền” của ông Minh, không cần tìm hiểu bất cứ nguyên nhân, chứng cứ, thông tin nào khác.

Công lý kiểu gì?

TA tỉnh Tiền Giang kết án ông Minh 7 năm tù giam. Bản án đã gây mất niềm tin (vốn rất mong manh) vào công lý hiện hành trong cộng đồng xã hội. Trong suốt buổi xử án, mọi thông tin, chứng cứ có lợi cho ông Minh đều không được Hội đồng xử án đề cập đến.

Hội đồng xét xử đã cố tình quên Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu công lý được thực thi một cách công bằng, ông Võ Văn Minh có quyền yêu cầu Tân Hiệp Phát phải bồi thường thiệt hại. Tại Khoản 6 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.” Ông Minh đã bị tước bỏ quyền này tại phiên xử.

Cũng tại phiên xét xử, luật sư bảo vệ cho ông Minh cho rằng cơ quan công an điều tra đã không khách quan và vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng trong quá trình điều tra. Luật sư liên tiếp đưa hàng loạt câu hỏi: “Tại sao luật sư và người đại diện theo ủy quyền của tập đoàn Tân Hiệp Phát lại được tham gia quá trình hỏi cung bị cáo? Việc làm trên có dấu hiệu thông cung, làm lộ bí mật điều tra, lộ hướng xét xử. Vậy hồ sơ vụ án, trong đó có lời khai của các bên, có còn giá trị?”.

Trước câu hỏi đối chất, phía Tân Hiệp Phát không đưa ra được câu trả lời và xin chuyển sang phần trình bày tiếp theo. Những ông quan tòa cũng chỉ đề nghị luật sư hãy bình tĩnh và cho biết “sẽ ghi nhận ý kiến”!

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự, không có điều luật nào cho phép điều tra viên cho phép luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn dân sự tham dự quá trình hỏi cung bị cáo. Pháp luật cũng đã có quy định: cán bộ công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép khi thi hành công vụ.

Phiên phúc thẩm sắp tới đây, hy vọng “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” như nêu ở Điều 2.1, Hiến pháp 2013, được thực thi để trả lại công bằng cho ông Võ Văn Minh và níu kéo niềm tin của người dân khi đến chốn công đường.


Tin bài liên quan:

VNTB- Phóng sự: Mùa hè với những đứa trẻ trên đồi Cát Bay

Phan Thanh Hung

VNTB- Có thể xử lý công dân Vũ Huy Hoàng theo cách nào?

Phan Thanh Hung

VNTB- Chân dung Đặng Vũ Ngoạn: Ăn gì mà tạp thế, hiệu trưởng ơi!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.