Mẫn Nhi
(VNTB) – Đặt trong bối cảnh chính trị – xã hội Việt Nam vừa qua, những phản ứng của ông Phạm Chí Dũng đối với cuộc điều tra – khảo sát của Indochina Research (IR) là chấp nhận được.
Indochina Research: Người Việt lọt top 4 về “Hạnh phúc nhất trên thế giới” (!?)
700 người và giới hạn mẫu thử
Người Việt tiếp tục lọt top 4 về “Hạnh phúc nhất trên thế giới” trong kết quả khảo sát lần thứ 40 của Hiệp hội nghiên cứu thị trường và điều tra Win/Gallup International (tại Việt Nam IR là đối tác).
Với độ tuổi 15-64 tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là sự phân tầng tốt nhất để khảo nghiệm quan điểm và ý thức người dân về tình hình kinh tế một quốc gia, tuy nhiên với 700 người là mẫu thử, liệu nó có đại diện cho cái gọi là “người Việt”? Bản thân IR lên tiếng bảo vệ cho kết quả khảo sát của mình, nhưng thực tế, IR vấp phải những lỗi sai nào?
Thứ nhất, IR có thể khảo sát nhầm đối tượng, dẫn đến một cái gì đó gọi là chọn thiên vị. Khi tiến hành một cuộc khảo sát, một tổ chức khảo cứu xã hội bắt buộc nhắm mục tiêu dân số phù hợp với mục tiêu của cuộc khảo sát. Nếu không loại trừ chính xác nhóm đối tượng không phù hợp với mục tiêu, thì hệ quả là có thể nhận được kết quả dữ liệu sai lệch. Điều này xuất phát từ thiếu mục tiêu, hoặc mục tiêu áp đặt không rõ ràng. Bởi ngay cả giới hạn khảo sát liên quan đến một vấn đề như đời sống kinh tế thấp, nhưng nó cũng bao hàm nhiều cách hiểu khác nhau như: những người có thu nhập thấp, những người thiếu thu nhập, hoặc những người có giá trị ròng thấp sau khi khấu trừ tài sản, thu nhập, và nợ. Mỗi định nghĩa “kinh tế thấp” sẽ ảnh hưởng đến số liệu và kết quả khảo sát. Do đó, đối với một tổ chức khảo sát khoa học và độc lập, họ sẽ loại trừ các thuật ngữ rộng ngay từ khi bắt đầu dự án. Trong khi đó IR với cỡ mẫu chỉ 700, ở 2 thành phố lớn mà dám sử dụng thuật ngữ mẫu lớn và trừu tượng như: hạnh phúc, bất hạnh?
Thứ hai, sự hạn chế về không gian khảo sát sẽ dẫn đến sự thiếu khách quan trong nhóm người được khảo sát. Ví dụ: không thể đặt tinh thần của dân TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội – vốn có mức thu nhập cao để biểu lộ cảm xúc hoặc tinh thần người Việt được. Bản thân thuật ngữ càng rộng (như lạc quan, hạnh phúc, bất hạnh), thì không gian khảo sát tương ứng càng lớn.
Tuy nhiên, có nhiều công ty khảo sát bỏ qua điều này, do giới hạn ngân sách hoặc họ cần một kết quả nhanh chóng. Chính điều này đã làm thu hẹp mẫu thử và không gian tiến hành, và 700 mẫu thử của IR cũng nằm trong giới hạn đó. Việc giới hạn mẫu cho một khảo sát về phạm trù lớn tỷ lệ nghịch với chất lượng mang lại, nghĩa là nó sẽ chỉ phản ánh một phần hoặc không phản ánh được mục đích mà cuộc khảo sát đã đề ra.
Trong trường hợp nêu trên, 700 người ở 2 thành phố lớn là tỷ lệ mẫu quá nhỏ so với 93,421,835 người Việt (số liệu 2016). Và đặt trong phạm trù “lạc quan, hạnh phúc” thì sai số của khảo sát càng lớn hơn, nhất là khi khảo sát chạy theo chọn mẫu định ngạch.
Khảo sát hạnh phúc, thực tế bất hạnh
Một cuộc khảo sát thường có những mục đích nhất định. Ví như Khảo sát của Bộ Công thương Việt Nam liên quan đến đánh giá nhận thức Người tiêu dùng về công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam đã tiến hành với tổng mẫu khảo sát là 3.000 người, trải dài trên 12 tỉnh thành từ Bắc – Nam.
Ở đây, cuộc khảo sát IR liên quan đến “hạnh phúc và lạc quan”, tức độ bao quát của nó lớn hơn rất nhiều khảo sát về nhận thức tiêu dùng nêu trên, thế nhưng, với mẫu thử chỉ ở mức độ 7.00 người tại 2 thành phố lớn nhất nước, đã đưa đến kết quả có phần sai lệch: đưa người Việt hạnh phúc thứ 4 thế giớ, và lọt nhóm 10 nước lạc quan trong viễn cảnh kinh tế và năm 2017.
Vấn đề không nằm ở kết quả mà là tác động của nó, một cuộc khảo sát mang tính nhận thức người Việt có thể tác động đến định hướng đầu tư doanh nghiệp (đối với sản phẩm tiêu dùng) và sự quan tâm tình hình Việt Nam (đối với thụ hưởng cảm quan). Ở đây, khảo sát IR tác động không nhỏ đến sự quan tâm của quốc tế đối với tình hình nhân quyền Việt Nam. Do đó, TS. Phạm Chí Dũng là tự vấn, liệu đó là “Hạnh phúc” hay thảm cảnh cũng không có gì quá đáng?
Lý do cho sự không quá đáng đó là, “hạnh phúc” làm sao cho được khi mà thảm họa môi trường biển liên quan đến tập đoàn Formosa (Hà Tĩnh) khiến 100 tấn hải sản bị chết dạt; hoạt động ngư nghiệp và du lịch 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề lên đến 90%; 263.000 lao động chịu ảnh hưởng; thất nghiệp tăng từ 2-8 lần ở 4 tỉnh.
Trong khi, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và các đối tác thực hiện công bố vào tháng 4/2016 với khảo sát ngẫu nhiên 14.000 người dân, đánh giá 63 tỉnh thành dựa trên 6 lĩnh vực, đã cho thấy nạn tham nhũng vẫn ngày đêm hành người dân.
Lạc quan kinh tế (lên đến 59%) liệu có quá đáng không khi mà báo cáo đánh giá triển vọng về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng HSBC vào đầu năm 2017 đã tiếp tục cảnh báo “nợ công vẫn tăng và có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn chính sách trong trường hợp tăng trưởng sẽ thoái trào thời gian tới”, trong bối cảnh nợ công tăng phi mã 3 lần GDP lên 2,6 triệu tỷ đồng do chi tiêu ngân sách quá đà và sự tham nhũng trong hàng ngũ quan chức? Hạnh phúc đó là thật không khi Dự báo 2017, GDP VN tăng trưởng 6,3% nhưng nợ công lên tới 65,2% GDP và cân đối ngân sách thì thâm hụt 4,5% GDP…?
Với những con số, biến động xã hội – chính trị cực kỳ lớn như thế, mà người Việt vẫn lạc quan kinh tế và hạnh phúc thì liệu rằng có quá kỳ lạ? Mẫu sai, mục đích sai, đưa đến kết quả sai vô hạn có thể không quá lắm khi đề cập đến “hạnh phúc, lạc quan” kiểu tang gia nói trên.
Blogger Hà Hân khi nhìn vào bảng kết quả đã khẳng định, không tin vào kết luận này, bởi 700 không đại diện cho phần lớn số lượng và tầng lớp người Việt – vốn thụ hưởng tác động của chính sách tiêu cực về kinh tế – chính trị trong nước trong những năm gần đây.
Đao đức và khảo sát
Đặt kết quả khảo sát là “700 người Việt ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hạnh phúc và lạc quan về kinh tế” thì không hẳn sai, hoặc quy chuẩn % dựa trên số dân 2 thành phố lớn. Tuy nhiên, sự bao quát “người Việt” đã khiến cho bản khảo sát phải được đặt dấu hỏi về tính chân thật, và sự không rõ ràng của nó, hoặc như TS. Phạm Chí Dũng lập luận khả năng Chính phủ tìm cách sử dụng các công ty tổ chức khảo sát thu nhỏ mẫu, làm lớn tính đại diện mẫu nhằm tô hồng “nền kinh tế – chính trị” của mình là có cơ sở.
Có thể bản thân IR gặp sai lầm như cách một độc giả đài VOA phản hồi là “quy đồng câu trả lời của một người xứ Cộng sản với một người xứ Dân chủ”, lý do người Việt Nam giỏi chịu đựng, lạc quan tếu, sĩ diện khi đề cập đến cái dốt – nghèo. Cũng có thể, IR sai lầm khi chọn cỡ mẫu quá bé, hoặc chỉ lựa chọn cố định tầng lớp “đủ ăn – đủ ở” cho mục tiêu khảo sát quá lớn và mơ hồ (hạnh phúc/ bất hạnh), dẫn đến sự “vắng mặt bất thường” của các tầng lớp nhân dân ở các tỉnh thành khác,… Ngay cả thuật ngữ mẫu nêu trên cũng chỉ là dựa trên yếu tố cảm xúc hơn là lý tính khoa học.
Dù thế nào đi chăng nữa, thì hiện thực bối cảnh chính trị – xã hội đã phản ứng ngược giá trị thông tin mà IR đưa ra, và vì thế làm giảm sự uy tín lẫn danh giá (nếu có) của tổ chức này.
Chính những yếu tố nêu trên khiến hầu như khảo sát về tình hình chính trị – xã hội Việt Nam đều cho kết quả trên mây. Những phản ứng bác bỏ và đi kèm sự thất vọng là không thể tránh khỏi. Nhất là khi bác bỏ và tranh cãi được nhìn thấy qua hàng loạt các minh chứng về cách lựa chọn mẫu, không gian mẫu, và những con số thực phản ánh chính xác đời sống kinh tế – chính trị Việt Nam.
Nhưng cốt lõi của khảo sát là kết quả phản ánh một sai số ít nhất, nghĩa là đi kèm sự gia tăng của yếu tố đạo đức. IR Ltd – một công ty nghiên cứu thị trường độc lập có uy tín, với gần 20 năm kinh nghiệm tại Việt Nam cũng như các văn phòng tại Campuchia, Lào và Myanmar, tự cho mình độc lập, nhưng trong phần giới thiệu, cũng chỉ là một công ty “cung cấp dịch vụ thị trường và nghiên cứu xã hội cho một loạt các khách hàng quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau.”
Việc các công ty có một khảo sát thiên lệch với tình hình thực tại Việt Nam dẫn đến xu hướng “nghi ngờ” kết quả khảo sát, điều này là cốt yếu. Nhất là tại những nước độc tài toàn trị, khi Chính phủ có thể chi tiền để tạo các bức bình phong trong đối ngoại lẫn đối nội. Cạnh đó, đứng trong vị trí là những người đấu tranh cho nhân quyền thì khảo sát hay quan điểm sai lệch về Việt Nam càng khiến cho cuộc đấu tranh trở nên khó khăn, vì nó làm cho quốc tế nhìn vào với con mắt màu hồng không hơn, không kém. Đặt trong hiện trạng nhiều người dân bị giam giữ, đánh đập vì liên quan đến phản ánh bất công kinh tế – chính trị thì khảo sát đã dẫn đến hệ quả phi đạo đức và công bằng. Điều này, khiến TS. Phạm Chí Dũng phẫn nộ, rằng kết quả như thế này là hết sức bất nhẫn và đáng lên án. Bởi nó tạt gáo nước lạnh vào đại đa số người dân Việt trong chế độ hiện tại.
Độc lập trừ tự do, trừ hạnh phúc
Kết quả top 4 hạnh phúc nhất thế giới của IR tiếp tục là chuỗi ghi danh không hề lạ lẫm, bởi đứng sau nó là Viện Gallup (Mỹ), nơi vào năm 2015, đã công bố Việt Nam xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng “chỉ số hạnh phúc toàn cầu”, theo sau là Argentina, Panama, Mexico, Ecuador và Trung Quốc. Kết quả tương tự là năm 2016 khi “hạnh phúc và lạc quan kinh tế” tiếp tục thuộc về nhóm nước với đặc tính “bạo lực, tham nhũng, độc tài” nêu trên.
Vì đâu nên nỗi?
Có thể hiểu điều này xuất phát từ việc, các tổ chức khảo sát quốc tế quá sơ sài trong khâu chuẩn bị khảo sát, từ mục tiêu quá cao, trong khi mẫu quá kém/ thấp như đã đề cập, dẫn đến kết quả hoàn toàn sai lệch.
Ví như, năm 2014, Việt Nam có chỉ số hạnh phúc thứ hai thế giới 2014 theo nghiên cứu mới của trang Movehub. Nhưng cũng năm này, với kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương với mẫu thử 2.700 gia đình ở 12 tỉnh thành, đã cho biết, 56% người được khảo sát là không hạnh phúc.
Còn báo cáo hạnh phúc Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc (SDSN) năm 2015 xếp Việt Nam ở thứ hạng 75, trong khi đó, Thụy Sỹ – Iceland – Đan Mạc đứng đầu danh sách.
Hai ví dụ nêu trên cho thấy, tùy vào biến số và mẫu thử, độ nghiêm túc trong công việc khoa học, cũng như yếu tố độc lập còn giữ đến đâu mà kết quả có thể phản ánh đúng, gần đúng hoặc hoàn toàn sai lệch tình hình Việt Nam.
Không chỉ tại Việt Nam, ngay tại Mỹ việc sai lệch 180 độ kết quả khảo sát cũng không phải là chuyện hiếm, dù rằng tổ chức khảo sát đứng sau luôn vỗ ngực “uy tín, độc lập”. Ai có thể tin rằng bà Hillary Clinton thảm bại, dù rằng khảo sát cho thấy gần như 99% bà sẽ nắm chắc chiến thắng? Ai có thể không hơn ngoài kết quả khảo sát là trò chơi chính trị?
Kết
Một kết quả nghiên cứu xác thực và khoa học đến đâu không phụ thuộc vào việc, bản thân tổ chức đó tự gắn “uy tín, độc lập”. Bởi hai yếu tố này phụ thuộc vào đường hướng làm việc cũng như các kết quả đưa ra phản ánh đúng tình hình Việt Nam hay không? Nếu sự sai số liên tục lặp đi lặp lại, với mô-típ tô hồng “lạc quan – hạnh phúc” người Việt thì kết quả nghiên cứu chỉ là sự dối trá lặp đi lặp lại nhiều lần mà thôi. Kết quả đó không đáng có giá trị tham khảo, càng không đáng để được lưu tâm bởi suy cho cùng, nó xuất phát từ tinh thần “cưỡi ngựa xem hoa” của nhóm tổ chức tự nhận là “chuyên nghiệp, khoa học, độc lập”.