Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kêu gọi ko dùng tiền mặt để quản lý nhưng sao vẫn còn lừa đảo mạng

Dân Trần

 

(VNTB) – Việc thanh toán không tiền mặt cũng giúp nhà cầm quyền có thêm công cụ để giám sát chi tiêu của người dân

 

Việt Nam đang tích cực kêu gọi người dân tăng cường sử dụng các giao dịch qua internet qua chiến dịch “thanh toán không tiền mặt”. Theo đó nhiều doanh nghiệp nhà nước bắt đầu yêu cầu người dân trả tiền qua mã QR Code, internet banking, SMS Banking hoặc qua các ví điện tử (MoMo, ZaloPay, ViettelPay, VNPTPay…).

Các chi phí tiền điện, tiền nước, tiền internet đều đã chuyển sang bắt buộc không dùng tiền mặt để người dân quen dần với việc xài các ứng dụng trên. Thậm chí khi tới uỷ ban, cơ quan nhà nước để đăng ký các dịch vụ hành chính công như công chứng, làm giấy tờ, khám sức khỏe… đều có thể quét mã QR Code.

Và ngày 16/6 hàng năm đã được ấn định là ngày “thanh toán không tiền mặt”. Theo lập luận của cơ quan chức năng thì việc tăng cường thanh toán không tiền mặt sẽ giúp giảm thiểu tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, trên thực tế tội phạm trên không gian mạng chủ yếu là lợi dụng những kẽ hở trong bảo mật để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Các thủ đoạn thông thường là gửi đường link chứa mã độc, hoặc link giả mạo để kiểm soát sim điện thoại, lấy mã OTP hoặc tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP). Nhưng theo Cục A05 (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) thì “chỉ khởi tố được hơn 1.500 vụ án, chủ yếu liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”. (1)

Như vậy, khi người dân để tiền trong tài khoản ngân hàng càng nhiều thì nguy cơ mất trắng càng cao. Dù cho có báo công an thì khả năng lấy lại được tiền cũng chỉ ở mức dưới 10%. Còn nhớ vụ án gần đây của bà Nguyễn Thị Giang Hương, chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch. Bà Hương đã bị chiếm đoạt toàn bộ 170 tỷ trong tài khoản ngân hàng và từ khi báo công an tới nay thì đã gần 3 tháng nhưng số tiền vẫn bặt vô âm tín. Chủ tịch huyện mà còn bị như vậy thì người dân bình thường làm sao thoát khỏi thiên la địa võng của tội phạm mạng?

Nhà cầm quyền nắm toàn bộ thông tin của người dân, có mọi phương tiện kỹ thuật cao để quản lý không gian mạng, nhưng tội phạm mạng vẫn vô tư hoạt động, thì có 3 trường hợp xảy ra.

Một là nhà cầm quyền cũng chính là tội phạm, công an, an ninh mạng chính là lực lượng hack tài khoản của người dân để chiếm đoạt, hoặc tiếp tay cho các đối tượng tội phạm đó. Điều này là có cơ sở bởi vì ngay cả những người đứng đầu bộ công an như thứ trưởng Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân cũng từng đứng đầu những đường dây cờ bạc lớn nhất Việt Nam. Những người lãnh đạo đã tha hoá như vậy thì việc công an xâm nhập tài khoản của người dân là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Hai là tuy đầy đủ công cụ, nhưng công an quá yếu kém , không đủ khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại. Hiện nay lực lượng công an phần đông là con cháu của các lãnh đạo được tuyển mộ vào, hoặc những người có lý lịch gia đình cách mạng thì mới được ưu tiên. Nhân tài mà xuất thân từ dân thường thì mất rất nhiều thời gian để tiến thân trở thành lãnh đạo. Với tình trạng này thì công an Việt Nam chỉ có lượng nhưng không có chất, nên mới để tội phạm tha hồ tung hoành như vậy.

Trường hợp thứ 3 là tổng hợp của hai trường hợp trên. Công an không có năng lực nhưng lại còn tiếp tay cho tội phạm, hoặc chính công an là tội phạm. Cho nên việc nhà cầm quyền ép người dân phải chuyển sang thanh toán không tiền mặt và gửi hết tiền vào tài khoản ngân hàng là vô cùng nguy hiểm. Khi mà cơ quan chức năng không thể đảm bảo an toàn cho tài khoản của người dân. Thậm chí có trường hợp cán bộ ngân hàng, cán bộ nhà nước còn lấy thông tin cá nhân của khách hàng đem rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Ngoài ra, việc thanh toán không tiền mặt cũng giúp nhà cầm quyền có thêm công cụ để giám sát chi tiêu của người dân. Đặc biệt là những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, những người bất đồng chính kiến, thì việc di chuyển, đi lại, chi tiêu phải luôn luôn bảo mật để tránh bị gây khó dễ trong quá trình làm việc. Với các giao dịch qua ứng dụng điện thoại, internet, nhà cầm quyền sẽ dễ dàng khoanh vùng, cô lập hoặc dùng vũ lực tấn công cá nhân.

Đối với các quốc gia phát triển, dân chủ và tôn trọng quyền con người, thì việc thanh toán không tiền mặt là một bước tiến lớn. Nhưng ở những nước độc tài, việc gửi hết tiền vào ngân hàng và giao hết tài sản cho nhà nước quản lý thì lại là bất trắc của người dân. Hơn nữa, Việt Nam lâu nay vẫn ra kêu gọi gom tiền và vàng trong dân, vì vậy chiến dịch “thanh toán không tiền mặt” lần này rõ ràng là một nguy cơ lớn đối với người dân Việt Nam.

 

_______________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/13-900-vu-tan-cong-mang-trong-nam-2023-thiet-hai-tuong-duong-3-6-gdp-20240614153208598.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Công ty bia đóng cửa là tin vui cho người dân, tin buồn cho nhà nước 

Do Van Tien

VNTB – Sửa luật để bổ sung quyền lực cho thủ tướng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tăng giá vé máy bay nhưng vẫn lỗ

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 17.06.2024 10:29 at 22:29

Lừa đảo trên mạng đâu có nhắm vào tiền mặt đâu

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo