Minh Quân
(VNTB) – Người dân đang phải giữ chặt túi tiền còm cõi của mình để tránh bàn tay “móc túi” của các nhóm doanh nghiệp độc quyền chính sách và chính quyền địa phương chỉ biết tận thu thuế dân.
Giới quan lại Việt Nam vừa thi thố một hành động hiếm có: nhằm bù đắp khoản tiền ngân sách chi trên 90 tỉ đồng để xây hệ thống trình diễn nhạc nước, chính quyền Hải Phòng đã gửi văn bản tới các sở, ngành và quận, huyện kêu gọi doanh nghiệp, người dân “tài trợ”.
Cần nhắc lại, dự án công trình hệ thống trình diễn nhạc nước được phê duyệt đầu tư với số tiền hơn 194 tỉ đồng, TP Hải Phòng đã cấp kinh phí cho dự án 90,8 tỉ đồng.
Nhưng dự án này đã bị Ủy ban kiểm tra Trung ương phát hiện nhiều sai phạm, một số cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật. Sau đó TP Hải Phòng phải quyết định tháo bỏ công trình này.
Công trình nhạc nước giữa lòng hồ Tam Bạc trước khi được tháo bỏ vào cuối năm 2016 – Ảnh: Tiến Thắng
Tuy phải tháo bỏ công trình, nhưng hậu quả khốn khổ vẫn còn sờ sờ. Ai sẽ phải gánh nợ cho khoản tiền hơn 90 tỷ đồng đã bỏ ra? Nếu không có tiền “tự nguyện tài trợ” của dân và doanh nghiệp, những quan chức nào của chính quyền Hải Phòng sẽ phải bỏ tiền túi ra để khỏi bị xử lý kỷ luật, hoặc thậm chí nguy nan hơn là khỏi bị đi tù?
Hiển nhiên một “chính quyền nhân dân” vẫn thường đặc biệt khôn lanh trong những vụ việc không chỉ là khó khăn mà đã đến nước bế tắc như thế này. Nếu vào những năm trước khi ngân sách trung ương và địa phương chưa đến mức gần như cạn kiệt như hiện thời, chính quyền Hải Phòng hẳn đã chẳng chần chừ để rút rỉa ngay ngân sách thành phố ra bù đắp cho khoản tiền hơn 90 tỷ đã không cánh mà bay. Nhưng vào lúc này, khi đang có nhiều dấu hiệu ngân sách trung ương cấp cho các địa phương đã giảm đi gần một nửa so với những năm trước, rõ ràng ngân sách Hải Phòng đã không cho phép thỏa mãn thói “làm chơi ăn thiệt” như trước đây.
Việc chính quyền Hải Phòng phát ra kêu gọi doanh nghiệp và dân tài trợ cho “đống rác” hệ thống trình diễn nhạc nước còn cho thấy thói dựa dẫm vào túi tiền của dân và thói áp chế dân lâu ngày thành quen.
Thói dựa dẫm và áp chế dân thực ra đã xuất phát từ chính quyền trung ương liên quan đến những “đống rác” khác. Vào năm 2011 khi nợ xấu ngân hàng bắt đầu rơi vào cơn khủng hoảng trầm kha, đã có những quan chức ngành ngân hàng và cả quan chức quốc hội “mồi” rằng một số quốc gia như Hàn Quốc đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu bằng cách kêu gọi dân góp vàng và tiền, do đó Việt Nam cũng nên làm theo cách đó.
Tính chất vô liêm sỉ tận cùng của kiểu đề xuất trên là bất chấp hàng núi hậu quả nợ nần, chôn vốn và tăng lãi suất lên đầu dân do hệ thống ngân hàng gây ra, mà chỉ đến lúc hậu quả không còn giải quyết được thì mới “cần dân”. Đến nay, con số nợ xấu ngân hàng đã vọt lên đến 600 ngàn tỷ dồng và trở nên vô phương cứu chữa.
Gần đây, còn có vài lời kêu gọi dân “tài trợ” cho những khoản lỗ lã khác gây ra bởi các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng có điều, đến lúc này dân việt đã khôn ra nhiều chứ không còn dễ bị ma mị như vài chục năm trước.
Kinh tế Việt Nam lại đang bước vào năm suy thoái thứ chín liên tiếp. Trong khi lớp người giàu ngày càng giàu và hiện ra càng nhiều tỷ phú đô la ở Việt Nam, với 70% trong số đó “đi lên từ đất”, đối sống dân tình ngày càng eo hẹp, thậm chí khốn khó. Đến lúc này, ngay cả việc thu phí BOT trên quốc lộ cũng đã bị phản ứng quyết liệt từ người dân. Người dân đang phải giữ chặt túi tiền còm cõi của mình để tránh bàn tay “móc túi” của các nhóm doanh nghiệp độc quyền chính sách và chính quyền địa phương chỉ biết tận thu thuế dân.
Vậy giới quan lại Hải Phòng sẽ phải làm gì để xử lý cái “đống rác” công trình nhạc nước khi chắc chắn chẳng có doanh nghiệp hay người dân nào muốn phải chịu cảnh đi “đổ vỏ”?