Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khả năng đặc xá ‘tù chính trị’

Thới Bình

 

(VNTB) – Luật Đặc xá phiên bản 2018 nói rằng những trường hợp của ‘tù chính trị’, hay ‘tù nhân lương tâm’, chỉ có thể đặc xá khi có một quyết định riêng của Chủ tịch nước.

 

Nhóm tội danh sau đây theo luật, sẽ không được xem xét về thủ tục đặc xá: “Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự”.

Tuy nhiên Luật Đặc xá có 2 điều khoản trao quyền cho Chủ tịch nước: Điều 5.2. “Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này”; Điều 12.1 “Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định”.

Trước đó, khi thực thi phiên bản 2007 Luật Đặc xá, thì Chủ tịch nước vào năm 2009 ban hành hai quyết định về đặc xá, một lần đặc xá nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu và một lần nhân dịp Quốc khánh 2 tháng 9 năm 2009. Năm 2010, 2011, 2013, 2015, 2016, mỗi năm Chủ tịch nước ban hành một quyết định về đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Đáng chú ý là dịp Quốc khánh năm 2015, Chủ tịch nước quyết định đặc xá đến 18.539 người – hai anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý cũng được đặc xá dịp này. Tuy nhiên không có trường hợp nào được đặc xá đợt Quốc khánh năm 2015, thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Câu hỏi đặt ra: với những tù nhân trong nhóm tội danh về an ninh quốc gia vừa bị kết án vào đầu năm 2021, liệu họ có thể nhận được lệnh đặc xá vào cuối năm nay hay đầu năm Nhâm Dần 2022 khi mà tân Chủ tịch nước vừa đăng quang?

“Một khi có áp lực về đối ngoại đủ lớn, thì những tù nhân này hoàn toàn hy vọng sẽ nhận đặc xá ngay trong năm nay từ sự kiện kỷ niệm Quốc khánh, hoặc muộn lắm là dịp Tết Nhâm Dần.

Nếu áp lực này không đến mức quyết liệt, thì có lẽ phải chờ đến năm 2025 với sự kiện kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón Tết nguyên đán Ất Tỵ. Bởi đây là năm được gọi là “năm lẻ 5”, theo quy định sẽ là tổ chức kỷ niệm sự kiện ở cấp quốc gia. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng khóa XIV” – một luật sư ở Sài Gòn luận bàn.

Với góc nhìn của tính toán lợi nhuận làm ăn kinh tế, một CEO trong ngành truyền thông nói rằng rất có thể những thân phận tù tội vì ‘bất đồng chính kiến’ như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức… sẽ sớm được tự do ngay trên đất nước mình, bằng một quyết định của Chủ tịch nước dựa trên các điều luật tương ứng của Luật Đặc xá.

“Lý do là nếu Tổng Bí thư quyết tâm làm được như điều mà ông tuyên bố tại cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đảng XIII: “Phải thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ đạo quyết liệt, từ trên xuống dưới thống nhất để ra được của cải vật chất, nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn, đấy mới là điều quan trọng nhất”, thì rõ ràng cán kéo của chính sách kinh tế đối ngoại, sẽ giúp những người tù được trở về đời sống tự do ngay trên đất nước mình, mà không lâm cảnh như nhiều người tù trước đó.

Về mặt truyền thống, điều đó đặc biệt có lợi khi Việt Nam đã kiệt sức trong đối phó đại dịch Covid, cũng như sự hung hãn của Trung Quốc trên biển Đông” – vị CEO, nhận định.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cảng nước sâu Trần Đề sẽ được ông chủ Trung Quốc đầu tư?

Phan Thanh Hung

VNTB – Mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội theo Điều 117 của Bộ luật hình sự

Phan Thanh Hung

VNTB – Nguyên nhân chính trường Việt Nam hỗn loạn

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.