Huyền Như tổng hợp
(VNTB) – Đây không phải là một bài “gây chiến” hay khích động yếu tố vùng miền, mà đây là bài tản mạn về văn hóa thông qua những hiện tượng của đời sống ở hai đầu “thủ đô”.
Một bức ảnh ghi lại tấm biển “Hỏi đường 10K” được treo ở đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), theo tìm hiểu của báo Tri Thức Trẻ thì, việc treo tấm biển như vậy là do “có quá nhiều người hỏi đường nên treo biển cho đỡ phải trả lời chứ không phải treo biển để ai hỏi thì lấy tiền người đó […] nhiều khi người đi đường hay bị sai rồi hỏi khiến đôi lúc chúng tôi cảm thấy khó chịu”. Nói thẳng ra, đó chỉ là cái mẹo của những anh bảo vệ, với mục đích chính là để… khỏi bị làm phiền.
Giăng biển đòi tiền hỏi đường để tránh bị… làm phiền – (Ảnh: Kiên Nguyễn).
Và lý do không phải vì tiền, mà chỉ vì không muốn làm phiền đó lại không dừng ở mỗi đường Vũ Phạm Hàm. Báo Vnexpress, cũng từng phản ánh trên vỉa hè đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) có tấm biển rất chi là thẳng thắn: “Không biết đường, đừng hỏi”.
“Không biết đường, đừng hỏi”.
Nhưng không phải ai cũng muốn tìm mọi cách để trốn tránh “sự làm phiền” đó của những người không biết đường, ngược lại họ tìm cách tận dụng, và tấm biển “Hỏi gì 10 nghìn 2 phút” ngay sát vỉa hè đường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội lại ra đời.
“Hỏi gì 10 nghìn/ 2 phút”
Còn ở Sài Gòn, nơi được biết đến như một trong những vùng đất lành, con người thân thiện bởi gặp ai hỏi đường cũng đều nhận được sự chỉ đường nhiệt tình, phóng khoáng với những thùng trà đá miễn phí đặt trên đường, đôi khi lại xuất hiện vài tấm biển lạc điệu như tấm biển “1 lần chỉ đường 5.000 đồng” ở ngã tư Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng một thời.
Sài Gòn lạc điệu vì… “1 lần chỉ đường 5.000 đồng”
Người Sài Gòn cũng có lúc cảm thấy bị phiền hà bởi những lời hỏi thăm đường, nhất là với khi số dân lên đến 10 triệu, nhưng thay vì tuyệt tình theo kiểu “không biết, đừng hỏi” như Hà Nội, họ lại tìm cách dựng các biển chỉ đường cặn kẽ, để người đi đường có thể nhanh chóng nhận biết.
Đó không chỉ là “biển chỉ đường”, đó là sự khác biệt về văn hóa.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm từng giải thích lý do vì sao Sài Gòn có sự khác biệt nhiều đến như thế: “Vì có nguồn gốc từ những tính cách văn hóa như trọng nghĩa, hào hiệp, bao dung nên người Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng thường không hay tính toán”.
Ông còn chia sẻ một chuyện thú vị, “Ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện, trong khi ở TPHCM, tỷ lệ này lên tới 66%”.
Một thông tin ngoài lề cũng cho hay, TP.HCM đã gấp rút khởi công xây cầu Thủ Thiêm 2, bất chấp lời khuyến nghị của Bộ Quốc phòng về di dời thời hạn khởi công nhằm “đảm bảo chủ quyền”. Một khu đô thị mới mang tên Sala sẽ mọc lên tại địa điểm này (chủ đầu tư là Đại Quang Minh), và đây sẽ là nơi dành cho các cán bộ cấp cao của Đảng và nhà nước ở, từng bước chuyển bộ máy chính trị vào phía Nam.
Có lẽ vì… chính trị cũng mong muốn cất cánh tại vùng “đất lành chim đậu” này!