Vi Vi
(VNTB) – Trong hơn 200.000 người không lẽ chỉ có một cá nhân dũng cảm đứng lên tố cáo?
Với hàng chục nghìn người là nạn nhân trực tiếp từ các chuyến bay giải cứu sau khi phải chấp nhận mua vé về nước tránh dịch với giá cắt cổ, những kẻ nhận hối lộ hàng tỉ đồng đã được lôi ra ánh sáng và chuyên án “chuyến bay giải cứu” xem như đã khép lại.
Chỉ có 180 tỉ đồng hối lộ bị phát hiện trong số hàng ngàn tỉ lợi nhuận thu được từ những đồng bào trong cơn khốn khó. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết có gần 2000 chuyến bay, mỗi chuyến thu lợi vài tỉ đồng, tính ra có thể thu được ít nhất 4000 tỉ đồng lợi nhuận.
Vui Việt Á, ông Phan Quốc Việt khai kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ và tiền “bôi trơn” là khoảng 800 tỷ đồng. Thế thì con số 180 tỉ đồng hối lộ bị phát hiện trong các chuyến bay giải cứu chưa bằng một góc của phí bôi trơn Việt Á. Thế thì số tiền chênh lệch kia đều đã đi đâu?
Có thể nói rằng không thể truy thu hết được đích cuối của những đồng tiền này vì đường đi đều dưới gầm bàn. Nhưng số tiền thu vào sẽ có sổ sách hẳn hòi vì những giao dịch trên trong thời kỳ đại dịch gần như chỉ được thực hiện thông qua ngân hàng. Chưa nói đến các thông tin cá nhân đều được ghi rõ trong các chứng từ và cả trên thông tin chuyến bay. Để truy tìm ra số thực thu này là chuyện dễ như trở lòng bàn tay. Thêm vào đó, các chứng từ chi phí cho các chuyến bay, chi phí cách ly, chi phí hành chính đều có thể truy tìm lại được.
Thế nhưng liệu chính quyền có muốn làm cho tới nơi tới chốn? Nếu chính quyền không làm, liệu những người bị hại – lỡ mua vé với giá cắt cổ – có dám lên tiếng?
Cho tới nay khi vụ án đã khép lại, với 146 trang kết luận điều tra, Cơ quan an ninh điều tra đã sáng suốt truy ra những kẻ tham nhũng, tiêu cực, nhưng có vẻ họ không muốn xác định trong nội dung kết luận điều tra ai là người bị hại.
Chỉ với một cá nhân đứng ra tố cáo là ông Quách Văn Mừng quốc tịch Việt Nam, cư trú tại Malaysia, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khui ra vụ việc nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Malaysia ăn trên đầu trên cổ của 1.900 người mãn hạn tù ở 19 trại tại Malaysia về nước. Với 21 chuyến bay, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Malaysia Trần Việt Thái và thuộc hạ đã thu lợi được 11,6 tỉ đồng. Đây là những tù nhân, người khốn khó nên không thể “vạc” được nhiều tiền.
Vậy còn lại hơn 200.000 công dân Việt Nam đã được đưa về nước trong đại dịch, có bao nhiêu người sẽ dám đứng ra viết đơn tố cáo, tự nhận mình là nạn nhân?
Báo nhà nước đã “ngỏ lời” dẫn ý của một cựu kiểm sát viên rằng: “Mặc dù vào thời điểm dịch COVID-19, chi phí để có mặt trên “chuyến bay giải cứu” là rất cao nhưng dù biết rõ giá cao như vậy, họ vẫn chấp nhận chi tiền do cần về nước, đó là thỏa thuận dân sự giữa họ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.“
Trên báo VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết “người dân trên các chuyến bay trong vụ án này không được xác nhận là bị hại, bởi các cá nhân tự thỏa thuận giá trên các chuyến bay với nhau, không có quy định cụ thể về việc áp giá chuyến bay, hoặc yêu cầu không được tăng giá vé.”
Cũng ông Trần Công Chu (nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao) tuyên bố bị hại trong vụ án được xác định là cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng bỏ tiền đi chuyến bay. Cả ông tiến sĩ luật lẫn ông nguyên kiểm sát viên cho rằng người dân lỡ phải trả tiền đòi bồi thường là “phải kiện những doanh nghiệp cung cấp chuyến bay bằng một vụ kiện dân sự khác“.
Ông Đặng Văn Cường cho rằng một khi đã là “các trường hợp giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai, ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp này phải trả tiền.”
Nói như vậy có khác nào nói rằng người dân phải ngậm bồ hòn làm ngọt hay cho rằng có làm gì thì lại là “con kiến đi kiện củ khoai”?
Luật sư Đặng Đình Mạnh lên tiếng trên Facebook cá nhân: “Vụ án tham nhũng ‘chuyến bay giải cứu’ không triệu tập người bị hại để bồi thường thì vô nghĩa. Ko có người bị hại thì lấy đâu ra tiền đút lót nhau?”
Hàng trăm ngàn người phải chi khoản tiền bất hợp lý để được “giải cứu” là bị hại nhưng họ lại chưa/không được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Nếu lên tiếng họ sợ bị đưa vô sổ đen của Vietnam Airlines, bị làm khó dễ khi mua vé máy bay khi đi lại. Họ có thể bị mời lên xuống làm việc chỉ để đòi lại vài chục cho đến vài trăm triệu đồng, tốn thời gian dai dẳng mà chưa biết có đòi lại được hay không. Những người với số tiền vài triệu, thì sẽ thôi luôn coi như thí cô hồn.
Nhưng trong hơn 200.000 người không lẽ chỉ có một cá nhân dũng cảm đứng lên tố cáo? Trong chừng đó người chẳng lẽ ai cũng chấp nhận bỏ ra một số tiền ngu thật lớn và coi như tiền đã đi không bao giờ đòi lại được? Nếu có một nhóm người đứng ra kêu gọi, họ có dám liên kết lại để đòi quyền lợi của mình, dù chỉ là một xu? Nếu có thật, chắc hẳn nhà nước Việt Nam không dám im lặng mà cho chìm xuồng.
Những doanh nghiệp nào phải đứng ra trả tiền cho người dân mua vé với giá cắt cổ? Doanh nghiệp có công đầu đưa công dân về nước không ai khác hơn là hãng hàng không ngạo nghễ, con cưng của chính phủ, Vietnam Airlines vươn ra các thị trường béo bở ở Úc, Mỹ, Châu Âu và hãng nhỏ hơn với số chuyến bay khiêm tốn hơn là Vietjet với các chuyến bay giải cứu quanh quẩn ở vùng Đông Nam Á.
Vietnam Airlines vẫn đang khóc than ầm ĩ vì lỗ do đại dịch nếu phải trả tiền đền bù thì chắc nhà nước lại phải chung tay hỗ trợ. Không giải quyết thoả đáng, người dân sẽ vẫn còn bất mãn, căm phẫn.
Con dại cái mang, các cá nhân sai phạm, nhận hối lộ đều là đảng viên cốt cán, doanh nghiệp tham gia cũng là doanh nghiệp lớn của nhà nước. Họ không đền bù được thì cơ quan chủ quản là chính phủ phải đứng ra trả nợ cho dân. Chính phủ đã nợ người dân trong đại dịch quá nhiều rồi.
[ads_color_box color_background=”#f7f7f7″ color_text=”#444″]
Với chi phí “bôi trơn” lên đến 180 tỉ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu”, câu hỏi được đặt ra là những công dân đã chi một khoản tiền đắt đỏ để về nước có được bồi thường thiệt hại?
Vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu“.
Hành khách “chuyến bay giải cứu” là người bị thiệt hại trực tiếp, thực tế.
Vụ án này có 54 người bị đề nghị truy tố với các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó có hơn 21 cựu quan chức, cán bộ cấp cao của 4 bộ ngành, Văn phòng Chính phủ và 2 địa phương bị cáo buộc nhận hối lộ đến gần 180 tỉ đồng.
Trong đợt dịch COVID-19, đã có khoảng 2.000 chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Và để được về nhà, họ phải trả một chi phí “cắt cổ” với nhiều thủ tục rườm rà.
Những chi phí đắt đỏ của “chuyến bay giải cứu” mà công dân bỏ ra không đến từ chất lượng dịch vụ mà được các doanh nghiệp tự nâng lên để được ưu tiên cấp phép tổ chức chuyến bay.
Và câu hỏi đặt ra là những công dân đã chi tiền để có mặt trên “chuyến bay giải cứu” có đòi lại được tiền khi chính họ là những người bị trục lợi?
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) đặt vấn đề về tính hợp pháp của thỏa thuận giữa công dân mua vé với các bên cung cấp “chuyến bay giải cứu”.
“Người dân mua vé ở thời điểm đó đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt, họ thỏa thuận mà không thể hiện được ý chí của bản thân, bị buộc vào tình thế không có sự lựa chọn.
Trong khi đó, những cá nhân tổ chức chuyến bay vì trục lợi mà đẩy chi phí lên cao nên thỏa thuận đó không ngang bằng và bất hợp pháp, thực tế là các cá nhân tổ chức chuyến bay đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thỏa thuận trên là bất hợp pháp nhưng người dân không có lỗi nên cần xác định họ là bị hại, là đối tượng bị thiệt hại bởi hành vi phạm pháp luật của những cá nhân tổ chức chuyến bay”, luật sư Công phân tích.
Theo luật sư, nếu các bị can không xâm phạm đến khách thể là hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước thì người dân không phải trả một chi phí với giá “cắt cổ”.
“Trong trường hợp này cần xác định người mua vé “chuyến bay giải cứu” là người thiệt hại trực tiếp, thực tế và có mối quan hệ nhân quả. Vì hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân tổ chức chuyến bay nên người dân mới phải bỏ ra nhiều tiền hơn.
Để đòi lại quyền lợi, người dân cần có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án để được xem xét, xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự”, luật sư Nguyễn Thành Công nêu quan điểm.
Có quyền yêu cầu doanh nghiệp bồi thường
Trong khi đó, ông Trần Công Chu (nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao) cho rằng có thể xem những công dân đi “chuyến bay giải cứu” là nạn nhân nhưng không thể được xác định là bị hại trong vụ án.
Ông Chu cho rằng khách thể của hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, nhà nước. Như vậy bị hại trong vụ án được xác định là cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng bỏ tiền đi chuyến bay.
“Mặc dù vào thời điểm dịch COVID-19, chi phí để có mặt trên “chuyến bay giải cứu” là rất cao nhưng dù biết rõ giá cao như vậy, họ vẫn chấp nhận chi tiền do cần về nước, đó là thỏa thuận dân sự giữa họ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Hiện giờ rất khó cho khách đi chuyến bay vì đối với các tội danh bị đề nghị truy tố trong vụ án này không xác định họ là bị hại. Tuy nhiên họ vẫn có quyền đòi bồi thường, bằng cách kiện những doanh nghiệp cung cấp chuyến bay bằng một vụ kiện dân sự khác”, ông Chu nói.
[/ads_color_box]