Nguyễn Nam
(VNTB) – Có lẽ nhân sự sắp tới đây chỉ xáo trộn chút đỉnh, vì tình hình chung trên thế giới cũng đang đầy bất định…
Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 9-10-2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng: Về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023 – 2025;
Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và một số vấn đề quan trọng khác.
Các đề án quan trọng được bàn luận tại hội nghị này có tên: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” – “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” – “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Một nhà quan sát chính trị độc lập chia sẻ nhận xét ban đầu với biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo, rằng đề án gọi là “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, có thể đưa đến việc điều chỉnh nhân sự cấp cao trong Bộ Chính trị và Chính phủ ngay từ tuần lễ này, trong đó sáng giá nhất là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi ông dẫn đầu đoàn trong thị sát dự án sân bay Long Thành hôm 2-10.
Hình ảnh của ông Vương Đình Huệ trong chuyến đi này khác với nhiều lần công cán trước, đó là ông đội nón cối quân đội khi đến dự án sân bay Long Thành cho tới bắt tay hỏi thăm dân chúng đang sinh sống ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn của tỉnh Đồng Nai.
Cùng “nón cối” còn có ông Lê Văn Thành, phó thủ tướng, và các vị còn lại tháp tùng ra công trường, một là đầu trần vì tiết trời không nắng, hoặc là nón bảo hộ theo quy định tại công trường xây dựng.
“Tất cả phải nỗ lực để làm xong sân bay Long Thành trong năm 2025” – ông Vương Đình Huệ đặt yêu cầu này với chính quyền tỉnh Đồng Nai – đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng như là một cam kết của ván cược sinh mệnh chính trị của mình ngay trước thềm Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo một nguồn tin hậu trường cho hay dàn nội các chính phủ sắp tới sẽ thay ghế người đang phụ trách mảng y tế – giáo dục. Vị chính khách này vốn đã bị hăm he từ hội nghị trung ương lần 5, và sắp tới sẽ chính thức ‘trảm’.
Còn ngôi vị đứng đầu đảng, mặc dù về hình thức cho thấy khả năng nhiều xáo trộn, nhưng rốt cuộc có lẽ không có sự dừng ngay nhiệm kỳ. Cái lý của việc ngồi tiếp, đó là ở chuyện kiểm soát quyền lực trong cấu trúc quyền lực thống nhất của quốc gia độc đảng, thì thách thức của mô hình này là nguy cơ lạm quyền luôn hiện hữu, bởi không tồn tại một chủ thể thứ hai có đủ sự khách quan và sức mạnh để có thể giám sát cái cấu trúc quyền lực thống nhất đó.
Nhân danh thách thức trên, nên có lẽ nhân sự sắp tới đây chỉ xáo trộn chút đỉnh, vì tình hình chung trên thế giới cũng đang đầy bất định…
***
Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
“Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc sáng 3-10-2022 tại Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị báo cáo về Chương trình Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Sau phiên khai mạc, Trung ương thảo luận và quyết định một số nội dung về công tác cán bộ, cụ thể như sau:
1. Trung ương cho ý kiến vào Tờ trình của Bộ Chính trị về việc xem xét, kỷ luật đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương vì những vi phạm sau:
Đồng chí Phạm Xuân Thăng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho ngân sách của Nhà nước, nhân dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương; đồng chí Phạm Xuân Thăng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ Đảng đối với đồng chí Phạm Xuân Thăng.
2. Căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ; Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để 3 đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Buổi chiều: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.