Triệu Tử Long
(VNTB) – Trong vài ngày gần đây ở tất cả các nhà thuốc tây, cửa hàng dụng cụ y khoa đều không còn mặt hàng khẩu trang y tế để bán. Nhân viên y tế ở bệnh viện được phát theo tiêu chuẩn một ngày làm việc là 2 khẩu trang. Tuần tới, dự kiến các trường học sẽ mở cửa để đón học sinh trở lại học tập. Số lượng khẩu trang cần thiết cho 1,7 triệu học sinh, như vậy ước tính tối thiểu cũng trên 1,7 triệu cái/ ngày. (1)
Ngoài ra, theo thông báo của chính quyền thì thành phố Hồ Chí Minh có 322.126 người bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày. Với nhu cầu sử dụng bình quân 3 cái/ngày/người, thì các nhóm người này cần hơn 966.000 cái mỗi ngày. (2)
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, báo Công An Nhân Dân cho biết hôm 11/2, “Cách đây vài giờ, bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết: Bệnh viện đã cạn kiệt, cần tìm mua ngay 1.000 hộp khẩu trang y tế. Liên hệ nhiều nơi, bệnh viện vẫn chưa tìm ra nguồn, vì ở đâu cũng khan hiếm…”. Qua các mối quan hệ, nhà báo Nguyễn Hồng Lam nói rằng ông đã giúp bác sĩ Khanh tìm được nguồn hàng này cho bệnh viện.
Cái đáng lo là trong vụ việc kể trên, theo lời khen tặng của ông nhà báo ở tờ Công An Nhân Dân: “Trong vụ này, tinh thần phục vụ, gỡ khó cho cơ sở của các lãnh đạo ban ngành thành phố Hồ Chí Minh là quá nhiệt tình, trách nhiệm và rất hiệu quả. Nghe điện thoại nhờ vả của một gã vô danh như mình, biết dân cần, họ sốt sắng trực tiếp vào cuộc ngay. Tất cả vì dân, vì cộng đồng. Chỉ sau 90 phút mình đã có thể cất được một mối lo. Bệnh viện Quận 2 thì giải quyết được cả một nguy cơ lớn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Buổi sáng thật đẹp vì có những ông lãnh đạo rất nhiệt tình, trách nhiệm và đáng yêu. Xắn tay giúp ngay khi mình cần, họ thật thông minh và sáng suốt. Xin cảm ơn các anh, các bạn!”.
Lời khen tặng như trên cho thấy ngay cả bệnh viện công lập hiện tại cũng rất khó khăn trong tìm kiếm nơi bán khẩu trang y tế.
Lo ngại càng tăng khi chiều ngày 11/2, đồng loạt báo chí đưa tin là tại sân bay Tân Sơn Nhất đã xuất đến 36 tấn khẩu trang từ thành phố Hồ Chí Minh đi Trung Quốc, và một số ít là xuất sang thị trường Malaysia, Singapore. Số hàng khẩu trang này, theo tìm hiểu của báo chí thì phía mua hàng là Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Phía Tổng cục Hải quan đã có đề xuất cân nhắc việc hạn chế cho phép xuất mặt hàng này trong bối cảnh ở thị trường Việt Nam đang khan hiếm, và rất cần khẩu trang để phòng chống dịch lây lan.
Hiện tại về số liệu công bố liên quan dịch virus Corona/ Vũ Hán (virus nCoV) tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy… khó hiểu.
Bản tin tường thuật về buổi làm việc giữa thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn với giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 9/2, cho biết các con số như sau: Hiện tại thành phố có 3 bệnh nhân nhiễm virus nCoV, 1 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện, 2 trường hợp dương tính đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có tiến triển tốt.
Ngoài ra, có 27 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV, kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính. Đồng thời, có 39 trường hợp cách ly y tế do tiếp xúc gần với người mắc bệnh, trong đó có 11 trường hợp đã kết thúc thời gian theo dõi (14 ngày), 18 trường hợp đang được cách ly tập trung tại quận 3; 10 trường hợp được cách ly tại nhà. Với những trường hợp đang được cách ly, chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Tổng số trường hợp nhập cảnh được giám sát và cách ly y tế do nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày là 2.106 người. Trong đó, có một người đi qua tỉnh Hồ Bắc được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của quận 6; 2.105 người đến từ hoặc đi qua các tỉnh khác của Trung Quốc được cách ly tại nơi cư trú.
Một thông tin khác rất đáng chú ý trên tờ Người Lao Động số phát hành chiều ngày 11/2, có tựa “Quận Bình Tân tiếp nhận và theo dõi 1.024 trường hợp đến từ vùng dịch”. Bài báo có đoạn: “Trung tâm Y tế quận, các phường tiếp nhận thông tin và theo dõi là 1.024 trường hợp đến từ vùng dịch, trong đó có 111 trường hợp trung tâm kiểm soát bệnh tật chuyển đến, 299 trường hợp do công an quận điều tra, theo dõi chuyển sang và 614 trường hợp là chuyên gia tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam” (3). Quận Bình Tân thuộc thành phố Hồ Chí Minh, và Pouyuen là doanh nghiệp Đài Loan lớn nhất ở đây.
Trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ở báo cáo “Tình hình dịch bệnh nCoV tại Thành phố Hồ Chí Minh (cập nhật 08g ngày 11/02/2020)”, cho biết: Tình hình dịch bệnh nCoV: Số ca nCoV xác định: 03; Số ca nghi ngờ: 0, 28 trường hợp nghi ngờ trước đây đã có kết quả âm tính; Số người tiếp xúc gần cần theo dõi: 39 trường hợp, trong đó 15 ca đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 06 ca đang cách ly tại nhà; Trường hợp trẻ tiếp xúc với ca nhiễm bệnh thứ 3, có triệu chứng sốt ngày 09/2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Bé hiện đang được tiếp tục theo dõi cho đủ 14 ngày từ ngày tiếp xúc với ca nhiễm nCoV (4).
Như vậy phải chăng con số 2.106 được nêu hôm chiều 9/2, đến nay chỉ còn là 39? Nếu đúng, thì việc chính quyền thành phố đưa ra thông báo sẽ tiếp tục xây dựng tiếp các bệnh viện dã chiến (5) là nhằm để mục đích chính là gì?
Trong bối cảnh khá nhiễu loạn về số liệu và tin tức về dịch bệnh thì chuyện khẩu trang sử dụng để phòng lây lan dịch đang rất khan hiếm, song lại có hàng chục tấn để xuất khẩu sang Trung Quốc (bao gồm cả mục đích nhân đạo), cho thấy chính quyền đã đặt nặng mối quan hệ chính trị hơn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân trong nước.
+ Chú thích:
(1) https://haiquanonline.com.vn/tp-ho-chi-minh-tiep-tuc-lo-thieu-giao-vien-109739.html
(5) https://tuoitre.vn/tp-hcm-tiep-tuc-xay-dung-them-mot-so-benh-vien-da-chien-20200210201046931.htm