Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khen vậy khác nào xỏ xiên nhau!

Hồng Dân

 

(VNTB) – Một công trình thể hiện tầm vóc, trí tuệ của người Việt Nam

 

Khánh thành đại dự án “ý Đảng, lòng dân”…

Báo Người Lao Động số phát hành ngày 6-3-2022, có bài viết Khánh thành đại dự án “ý Đảng, lòng dân”. Nội dung chính của bài là đưa tin chiều 5-3, tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khánh thành dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1.

“Thuận thiên” tất sẽ đặng “lòng dân”

Bài báo dẫn đoạn trích lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Ngoài nhiệm vụ điều tiết, kiểm soát nguồn nước, công trình này còn có ý nghĩa kỳ vĩ, thể hiện tầm vóc, trí tuệ của người Việt Nam.

Để phát huy tối đa hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 của dự án, song song với việc cải thiện sinh kế cho người dân. Đây thật sự là công trình thuận thiên có kiểm soát, tạo cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều công trình có tầm vóc và ý nghĩa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

“Ý Đảng lòng dân” nằm trong diễn văn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khánh thành dự án thủy lợi này: “Tôi xúc động và vui mừng khi dự án này kịp khánh thành đầu năm 2022, bởi phải xây dựng trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Đây là công trình của ý Đảng, lòng dân, là trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã phấn đấu vượt qua và vươn lên”.

Ông Lê Minh Hoan là quan chức xuất thân từ miệt sông nước Đồng Tháp nên ông cho rằng đây là “công trình thuận thiên”. Ông Phạm Minh Chính là người xứ Bắc, xuất thân là một tình báo kinh tế của Việt Nam ở Đông Âu thời còn xã hội chủ nghĩa nên nhìn dưới góc độ “công trình của ý Đảng, lòng dân”.

Cả hai ông đều đúng.

Cái đúng của ông Hoan về ý nghĩa “thuận thiên”, vì dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được đánh giá làm thay đổi tư duy và nhận thức đối với công tác thủy lợi khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là từ tư duy “ngăn mặn” sang “kiểm soát nguồn nước”. Đây là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp nhưng toàn bộ các khâu từ thiết kế, thi công đến quản lý đều do người Việt Nam thực hiện.

Ông Chính không hề sai khi cho rằng thành công ở đây xuất phát từ “ý Đảng” thuận với “lòng dân”, bởi tập quán của người đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay là rất xa lạ với “ý Đảng” trong xây dựng những tuyến đê bao khép kín ngăn lũ được Đảng xây dựng suốt hai mươi năm qua, bởi đê bao càng dài thì mặn càng lấn sâu.

Phải chi Đảng chịu lắng nghe “lòng dân” để “thuận thiên” sớm hơn

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về thủy điện và sông Mê Kông, từ xa xưa hạ lưu sông Mê Kông được thiên nhiên “ban” cho 3 “túi điều hòa nước” là Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia, vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ Giác Long Xuyên. 3 túi nước này như 3 trái tim điều hòa nước cho những dòng nhánh đan xen như mạch máu của sông Mê Kông.

Hằng năm khi lũ sông Mê Kông đổ về làm cho Biển Hồ tăng diện tích chứa nước từ 300.000 ha trong mùa khô lên 1,5 triệu ha. Từ Biển Hồ nước chảy vào Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên làm cho hai vùng này ngập sâu 3 – 4 m. Từ đây, nước nhả dần dần ra sông Tiền, sông Hậu, vào mùa khô đẩy nước mặn xâm nhập từ biển vào.

Thế nhưng, sau khi hình thành hệ thống đê bao khép kín, một khảo sát từ năm 2000 đến 2011 cho thấy lượng nước ở Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ m3 xuống còn khoảng 4,5 tỉ m3 do diện tích khoảng 1.100 km2 ô đê bao khép kín ngăn lại.

“Điều này cũng đồng nghĩa đồng bằng sông Cửu Long đã mất 4,7 tỉ m3 nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Hai vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không còn nước tích trữ đủ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn ra xa nên xâm nhập mặn lại càng lấn sâu. Tệ hơn khi biến đổi khí hậu càng tác động mạnh, El Nino gây hạn hán xảy ra khắp lưu vực sông Mê Kông”, ông Thiện nói.

Vẫn theo ông Thiện, hiện phía bắc của tỉnh Đồng Tháp là khu vực ngập sâu trong mùa lũ với diện tích 35.000 ha, nếu không xây dựng đê bao ngăn lũ, khu vực này đủ sức giúp cả đồng bằng sông Cửu Long trữ nước và đẩy mặn vào mùa khô cho toàn bộ hệ thống sông Cửu Long.

Nói cách khác, Đồng Tháp Mười sẽ vừa là nơi trữ nước vừa điều hòa, giữ ngọt, đẩy mặn cho cả vùng.

Ông Lê Minh Hoan là dân xứ Đồng Tháp. Lúc còn là Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Hoan quá hiểu chuyện nông dân ở Hồng Ngự sản xuất 2 vụ lúa/năm thu nhập được 31 triệu đồng/ha; còn nông dân làm 3 vụ lúa/năm thu được 37 triệu đồng/ha. Số tiền chênh lệch giữa làm 2 vụ lúa/năm và 3 vụ lúa/năm chỉ là 6 triệu đồng/ha. Một con số quá nhỏ so với sức người và chi phí đắp đê.

Ông Nguyễn Minh Nhị, người từng là quan chức cao nhất tỉnh An Giang cũng cho biết một nghiên cứu tại An Giang còn chỉ ra rằng, cứ sau 15 năm làm lúa vụ 3, xã hội sẽ mất đi 47,8 triệu đồng/ha từ những chi phí đắp đê và những tổn thất khác như mất phù sa, thoái hóa đất, mất nguồn cá, tăng lượng phân bón… Điều này cho thấy, đê bao ngăn lũ và lúa vụ 3 không thực sự giúp nông dân khá hơn.

…May là giờ “ý Đảng” kịp thay đổi để vừa “thuận thiên” – như cách nói của ông Lê Minh Hoan, vừa thuận “lòng dân” – theo cách diễn đạt của ông Phạm Minh Chính.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần ‘hồi cứu’ vì sao đã ‘thắt nút’ ngành y tế?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Mùa nước nổi năm nay sẽ lại… nổi

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Miền Tây du ký

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.