Kỳ Lâm (VNTB) Với tiêu đề “Điều muốn nói sau vụ bắt giữ Lê Duy Phong”, báo Yên Bái ngày 30/06 đã quyết tâm trở thành thẩm phán để kết tội… đồng nghiệp của mình.
Nội dung bài viết trên báo Yên Bái |
Nhà báo trở thành “thẩm phán”
Nội dung bài viết miêu tả: Ngày 26/6/2017, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) họp báo công bố nội dung, khẳng định Lê Duy Phong có tội. Tiếp đó, Chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về vụ án. Đến ngày 29/6, Bộ Thông tin và Truyền thông phát đi thông báo thu hồi thẻ nhà báo đối với Lê Duy Phong… đã khiến “gió đổi chiều”, từ mạng xã hội – những kẻ “tay nhanh hơn não” (từ dùng của mạng xã hội), những phần tử phản động, cực đoan…như bong bóng xì hơi!
Chúng ta có thể rút ra được bài học gì liên quan đến nội dụng bài báo này (của tác giả Lê Phiên)?
Đầu tiên là sự công tâm và khách quan của báo chí bị xóa sổ, bởi thông qua nội dung bài viết, có thể nhận ra tác giả hoàn toàn dựa hơi vào “nội dung khẳng định” của Tổng cục Cảnh sát và việc Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo. Nhà báo dựa trên sự “kết tội” này đã ra một phán quyết mang tính “cay nghiệt” đối với nhà báo Lê Duy Phong. Những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến chức năng của báo chí như “giám sát, phản biện xã hội, cung cấp thông tin và nâng cao dân trí” hoàn toàn biến mất trong nội dung bài viết này. Bản thể nó khiến cho nội dung trở thành một bài “bào chữa” trên truyền thông đối với lực lượng hành vụ nhà nước.
Thứ hai, bài viết đã khiến cho nhà báo Lê Phiên trở thành một thẩm phán (Tòa án), khi bằng cách đưa ra kết luận gián tiếp về việc nhà báo Lê Duy Phong “có tội”. Điều này hoàn toàn đi ngươc lại với Luật báo chí hiện hành (vừa có hiệu luật đầu năm 2017), trong đó nghiêm cấm quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án – dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội của Hiến pháp 2013. Từ đó dẫn đến những diễn giải mang tính chất cô lập quyền lợi của nhà báo Lê Duy Phong, đưa công an trở thành một thế lực luôn luôn đúng như: với sự tưởng tượng “kỳ tài” theo lối nghĩ cực đoan, thích bôi đen, xuyên tạc, chúng đưa vào bài viết những tình tiết hết sức ly kỳ.
Đôi lời với tác giả Lê Phiên
Sở dĩ nhà báo được coi là quyền lực thứ tư, vì nó tạo ra sự tác động rất lớn đối với dư luận xã hội. Và điều này khiến cho nhà báo có trọng trách rất lớn đối với cây viết và nội dung viết ra. Sẽ chẳng ai coi một nhà báo là một nhà báo khi chỉ mải mê viết để tung hô hay phụ họa một thứ quyền lực, lợi ích nào đó. Và khi đó, nó được thay bằng tên gọi khác – là “kẻ bồi bút”.
Bản thân người viết không bênh vực cho việc “nhận tiền” trong giới nhà báo, thậm chí là nhấn mạnh cần phải làm rõ và làm nghiêm để chấm dứt hiện tượng này. Nếu bản thân nhà báo Lê Duy Phong đã phạm phải sai lầm như vậy thì anh ta xứng đáng phải gánh những tội về hình sự, nhưng để kết tội danh thì cần phải là tòa án, thay vì là… nhà báo với bài viết của mình.
Đúng như ông/ bà nói, “trước mọi sự vật, hiện tượng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến danh dự, uy tín, sinh mạng người khác thì đừng vội vàng kết luận.” Nhưng ở đời, người ta dễ dàng nói hơn là làm; vậy cái bản “kết luận” có tội với nhà báo Lê Duy Phong mà ông/ bà đã trình bày trong nội dung bài báo là gì, nếu nó không phải là “liên quan đến danh dự, uy tín, sinh mạng” của một con người? Hay là vì nhà báo Lê Duy Phong bị Tổng cục Cảnh sát “khẳng định có tội” nên đã bị tước quyền công dân hay các vấn đề liên quan đến quyền con người nêu trên?
Thứ hai, ông/ bà cảnh báo “suy nghĩ và quan điểm cá nhân” của một người dùng facebook có thể “để lại hậu quả xấu đối với một cá nhân, một tổ chức, một địa phương khác, đôi khi còn là vấn đề quốc gia, dân tộc.”. Nhưng nếu một bài viết làm lệch lạch một dư luận, với hàng trăm ngàn người đọc, hoặc nếu phát tán trên facebook thì con số đó còn nhân lên rất nhiều, liệu nó có là một “hệ quả xấu” hay không? Và liệu nó có khiến người ta đánh giá được trình độ của một “nhà báo”, chuyển từ trân trọng sang khinh bỉ hay không?
Thứ nữa, từ bao giờ “đấu tranh phê phán với cái sai, bảo vệ lợi ích của Đảng, của Nhà nước”chắc chắn là bổn phận, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên và mọi người dân Việt Nam? Điều này có phải là sự khuyến khích cho bảo vệ những “lợi ích Đảng, nhà nước” nhưng lại là thứ “ung nhọt” của người dân? Và với cách lý luận nư thế này thì các vụ “biệt phủ” Yên Bái nên tạm dừng và cho nó chìm xuồng?
Cuối cùng, trong câu kết của mình, “sự hy sinh của những chiến sỹ bảo vệ biển đảo Tổ quốc, những đồng chí công an bị tội phạm giết hại, khó có thể so sánh và đều đáng được trân trọng” nó đóng vai trò gì trong tổng thể bài viết? Hay bản thân tác giả đang bảo vệ mọi giá và đứng hẳn về phía lực lượng công an Yên Bái trong vụ việc đầy khuất tất này? Vị trí, thế đứng trung lập cần có của một nhà báo là ở đâu?
Người viết cứ suy nghĩ mãi về việc này, cho đến khi tôi nhận ra măng-sét của báo Yên Bái: Cơ quan của Đảng bộ ĐCSVN tỉnh Yên Bái; Tiếng nói của Đảng bộ Chính quyền và Nhân dân tỉnh Yên Bái.
Hóa ra là thế, hóa ra là nhà báo của “Đảng bộ” đã bẻ ngòi bút và viết những luận điểm đầy dở hơi như thế! Và đây cũng là nơi dung dưỡng những nhà báo kiêm chức năng Thẩm phán (Tòa án) – những con dao giết người dưới mác báo chí.