VNTB – Khi “Diên Hồng” chỉ là trò chơi của “Cương lĩnh Đảng”

Hiền Nghi (VNTB) Trong trường hợp, Quốc Hội không thể hiện được là cơ quan quyền lực cao nhất nước, thông qua viêc, là “cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại” và khi Quốc Hội đã không làm tốt việc thể hiện “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân thì tốt nhất, nên giải tán Quốc Hội.


Bởi Đảng chi phối quyền lập pháp, lập hiến, chi phối cả tâm tư nguyện vọng của từng ĐBQH theo cách nói “chủ trương, chỉ đạo”. Nói như ĐBQH Dương Trung Quốc “”Đảng quyết rồi thì QH làm gì, giờ QH bàn cũng không đi đến đâu cả.”

Năm 2013, Quốc Hội thông qua Hiến Pháp với tỉ lệ 97,59%, một Hiến Pháp được chính Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng tự hào khoe rằng, nó “thể hiện được ý đảng, lòng dân” , trong đó, “ý đảng” bao trùm, và nghiễm nhiên Hiến Pháp – văn bản Mẹ của tất cả các văn bản lại trở thành thứ yếu, bởi nó chỉ là văn bản luật hóa, thể chế hóa Cương lĩnh Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Một khi quan điểm xây dựng và chỉ đạo của Đảng đứng lên trên Hiến Pháp, thì các vị ĐBQH cứ theo “Hiến Pháp” mà tuân thủ, thành ra điều trớ trêu mà Quốc Hội Việt Nam đang gặp phải chính là, tư duy độc lập mà mỗi ĐBQH cần có để hiện thực hóa tính đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân hoàn toàn không có, sự thảo luận đi đến quyết định nằm ở khuôn khổ “định hướng của Đảng”, do đó, bất kỳ dự án chính trị – kinh tế nào quan trọng được thông qua, ĐBQH lại không có sự chủ động để xem xét và quyết định dựa theo hàm ý độc lập cá nhân và tâm tư, nguyện vọng của người dân.
GS. Nguyễn Văn Tuấn từng chia sẻ rằng, “Tôi tự nhủ rằng không nên ảo tưởng về tư duy độc lập của đại biểu Quốc hội. Họ phải bầu (nhấn nút) theo chỉ thị thôi.”
Nghị gật hay bấm theo yêu cầu Đảng trở thành một mối nguy chính trong bản thân hoạch định đường hướng phát triển của Việt Nam về mặt đối ngoại và đối nội, bởi các quyết định sơ cứng về mặt quan điểm dù sơ cứng hay giáo điều của Đảng bị áp đặt mà không có sự phản ánh trở lại.
Lý do, Cương lĩnh Đảng bao trùm xã hội “định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta trong những thập kỷ tới.”
Thế nên không quá khó hiểu khi vì sao, lần này Quốc Hội Việt Nam tiếp tục không ra Nghị quyết về Biển Đông nhằm tỏ thái độ, lập trường lên án với hành động của Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, mà giao vấn đề này cho Chính phủ. Mặc dù, nhiều ĐBQH cho rằng, nếu Quốc Hội không tỏ thái độ thẳng thắn, rạch ròi thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, và lòng dân sẽ hoang mang, thất vọng, bức xúc. 
Trước đó một năm (2014), Quốc Hội cũng đã từng khất hẹn việc ra Nghị Quyết Biển Đông trong tình hình mà chính bản thân ông Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng ngay trong lời khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 sáng 20/5, cũng đánh giá đây là giai đoạn mà “Hòa bình, an ninh đang bị đe dọa”.
Đó là về đối ngoại, còn về mặt đối nội, đa số các vị đại biểu “nhấn nút thuận”, đồng ý lùi lại dự Luật Biểu tình. Một trong những dự luật quan trọng để người dân có thể bày tỏ chính kiến của mình đối với các vấn đề trọng đại của quốc gia, và bản thân thực tiễn xã hội trong những năm qua đã cho thấy, sự cần thiết của Luật này trong phản ánh tiếng nói của người dân, cũng như bảo đảm cho quyền được tham gia vào đời sống chính trị – xã hội của người dân được thực thi.
Như vậy, những gì mà nhân dân quan tâm, bức xúc, đề nghị Quốc Hội phải có phản ứng thì được đáp trả lại bằng sự trì hoãn và thiếu rõ ràng (minh bạch) trong tiếng nói – vốn được ghi nhận là đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Quốc Hội vẫn theo ý Đảng, thay vì ý dân, cái sự “đồng thuận” về vấn đề ra Nghị quyết Biển Đông hay các dự án luật về quyền con người cũng chỉ là trò chơi của Đảng. Nó nghiệt ngã như chính cái cách Hội trường họp mang tên Diên Hồng – cái tên đẹp đẽ nói về ý dân, về quyết tâm bô lão “hòa hay chiến” đời Trần Thánh Tông (1284).
Và Hội trường Diên Hồng – bị ô uế – bởi những Nghị gật mang trên trên mình danh hiệu “Đại biểu nhân dân”. 
Rõ ràng rằng, nếu Quốc Hội không thể hiện được là cơ quan quyền lực cao nhất nước, thông qua viêc, là “cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại” và khi Quốc Hội đã không làm tốt việc thể hiện “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân thì tốt nhất, nên giải tán Quốc Hội.

Nhân dân không cần một “diễn đàn” với những ông bà Nghị chỉ biết vỗ tay và bấm nút. Dân cần họ phải suy nghĩ tự chủ và bấm nút từ trong tâm tư, nguyên vọng của người dân.

Bởi nếu không sớm thì muộn, đất nước này, dân tộc này sẽ lụn bại và yếu hèn từ chính Quốc Hội kiểu Đảng như vậy.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)