Nguyễn Nam
(VNTB) – Trục xuất để “bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” đối với nhóm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”
Có nguồn tin về một người đàn ông đang chịu bản án 11 năm tù, và 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, không rõ vì sao, người tù này đang có những biểu hiện về bệnh lý tâm thần.
Liệu khả năng nào để người tù kể trên được “trả án sớm”, để gia đình đưa ông về cho tập trung chữa trị?
Câu hỏi được biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo đặt ra với bác sĩ chuyên khoa thần kinh L.Q.N., từng có thời gian dài làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, tức “Nhà thương điên Biên Hòa”.
“Rất có thể người tù đang thi hành án bước sang năm thứ tư đó, đang có biểu hiện của “Rối loạn nhân cách chống đối xã hội”, tên tiếng Anh là Antisocial personality disorder, viết tắt là ASPD.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng rối loạn nhân cách chống xã hội có tỷ lệ cao ở tù nhân với các hành vi bạo lực. Những bệnh nhân này thường dễ bị khiêu khích và kích động thể chất; họ có thể bắt đầu đánh nhau…” – vị bác sĩ đưa ra phán đoán ban đầu.
“Tôi cho rằng về nguyên tắc, người tù kể trên sẽ được bệnh xá trại giam chuyển tuyến sang bệnh viện chuyên khoa thần kinh như Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam ở thành phố Tam Kỳ.
Cụ thể, ở khoản 3, Điều 55 của Luật thi hành ánh hình sự 2019, thì đối với phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nơi phạm nhân chấp hành án phạt tù trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Khi có kết luận giám định là người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án, ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, và áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đó.
Tôi cũng nghĩ rằng có thể gia đình của người tù ấy thử tìm hiểu về quy định của thủ tục miễn chấp hành án phạt tù, ghi ở Điều 39 của Luật thi hành án hình sự 2019, để sau khi biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người tù ấy xong, thì người đó có thể được miễn thi hành án ở thời gian còn lại.
Hy vọng sớm rút ngắn thi hành án thời điểm này có thêm một chỉ dấu thuận lợi hơn, đó là việc Quốc hội Việt Nam có tân Chủ tịch nước. Chắc hẳn vị tân Chủ tịch nước sẽ ‘rộng tay’ khi mới nhậm chức trong các lệnh đặc xá; hoặc có thể là lệnh đại xá từ tân Chủ tịch Quốc hội” – vị bác sĩ tham vấn như vậy.
Trong một góc nhìn khác về luật, câu hỏi tương tự cũng được biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo đặt ra với luật sư T.T., và câu trả lời ở đây của vị luật sư được chia làm hai trường hợp từ ‘trải nghiệm thân chủ’:
Thứ nhất, có luồng ngờ vực là khi người tù bị đưa vào bệnh viện tâm thần, thì đây chủ yếu là thêm đòn tra tấn về mặt tinh thần, chứ ít khi thực sự chủ đích của chữa trị – ví dụ như trường hợp của ông Lê Anh Hùng, ông Phạm Thành.
Về nguyên tắc thì việc bắt buộc chữa trị này nằm trong luật định, tuy nhiên với thực tế đa phần các bệnh lý thần kinh ít nhiều liên quan đến hoàn cảnh sinh sống của người bệnh, nên việc một phạm nhân khi buộc phải chữa trị nhưng thiếu sự quan tâm trực tiếp của thân nhân, thì thời gian điều trị thường kéo rất dài.
“Hướng xử trí là cần các động thái mang tính can thiệp qua xem xét các điều khoản luật tương ứng, để có thể giúp người đó được chữa trị bên ngoài tố tụng, nghĩa là tất cả chi phí điều trị và nơi chữa trị đều do gia đình người bệnh quyết định.
Nôm na là người đó có thể nhận được quyết định không phải thi hành án phần thời gian còn lại, vì dường như người bệnh mà trang Việt Nam Thời Báo quan tâm, ông sắp bước sang năm thứ 4 của bản án 11 năm tù.
Căn cứ ở đây có thể tham khảo là khoản 3, Điều 49 “Bắt buộc chữa bệnh”, thì sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thứ hai, đây là vấn đề tế nhị từ án liên quan đến nhóm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”, nên trong vài trường hợp có sự can thiệp của những tổ chức nước ngoài để người ấy có thể miễn thời gian chấp hành hình phạt còn lại, sẽ căn cứ từ điều khoản “Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” thuộc khoản 3, Điều 4 “Nguyên tắc thực hiện đặc xá” của Luật Đặc xá.
Tuy nhiên điều kiện kèm theo là người đó buộc phải rời khỏi Việt Nam – ví dụ như gần đây là trường hợp của ông Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự là cô Lê Thu Hà, sau khi rời nhà tù đã sang định cư tại Đức. Lưu ý, phía Nhà nước Việt Nam còn chấp nhận người tù “xong án sớm” được đưa vợ/ chồng và con cái cùng sang định cư tại nước ngoài.