Trần Thành
(VNTB) – Giới thẩm phán tiếp tục lo lắng rằng trong tương lai nếu “phản kháng đảng” tiếp tục đồng nghĩa “chống chính quyền nhân dân” thì quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị dễ bị chụp mũ, và người “phản kháng đảng” tiếp tục đi tù là chuyện không gì bàn cãi.
Cô Nancy Nguyễn – một công dân Hoa Kỳ – vừa bị công an VN bắt giữ trái pháp luật ngay trước chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ Obama
Trả lời phỏng vấn Đài RFA, cô Nancy Nguyễn, nói: “Những việc mình làm dù không hề có hành vi phạm pháp; nhưng mà theo họ không cần làm gì để lật đổ chính quyền mà chỉ có dấu hiệu có sự phản kháng là phạm pháp rồi theo qui định của pháp luật. Tức là không cần cấu thành hành vi, chỉ cần cấu thành hình thức. Xét về mặt pháp luật Việt Nam, họ có quyền khởi tố tôi rồi. Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì với thái độ không hợp tác tôi sẽ phải bị truy tố”. (http://www.ijavn.org/2016/05/ nancy-nguyen-tra-loi-rfa-ve- viec-bi.html)
Trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa có điều luật nào cấm hay hạn chế “quyền phản kháng” của người dân đối với các hành xử của tổ chức đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan hành pháp và chấp pháp đều căn cứ vào điều luật 88 Bộ Luật hình sự, quy định tội về hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, để bỏ tù những người “phản kháng” đảng cộng sản Việt Nam.
Căn cứ theo Hiến pháp thì “Nhà nước” không đồng nghĩa với “đảng cộng sản”. Như vậy, ở góc độ chính trị – xã hội, tội phạm phải được xem là những hành vi gây nguy hiểm cho những điều kiện sinh tồn của xã hội. Thực hiện quyền tự do ngôn luận – điều 88, Bộ luật hình sự gọi “tự do ngôn luận” trong trường hợp này là “tuyên truyền” – là một trong những điều kiện sinh tồn của xã hội, và do đó không thể xem hành vi này là tội phạm được. Từ góc độ này, điều 88 Bộ luật hình sự hoàn toàn mâu thuẫn với định nghĩa về tội phạm.
Thế nhưng những nhà hành pháp lại nói rằng, tội phạm là một phạm trù mang tính giai cấp, việc xác định tội phạm là tùy thuộc vào quan điểm của giai cấp nắm chính quyền nhà nước. Do vậy, những ai “chống đảng” cũng đồng nghĩa “chống nhà nước”.
Trở lại với cụm từ “dấu hiệu phản kháng”. Bộ luật hình sự năm 2015, có hiệu lực từ 1-7-2016, điều luật 88 được thay bằng điều 117 và những nội dung thì vẫn không có sự khác biệt. Chính điều này đang tạo áp lực tâm lý cho các thẩm phán thụ lý các vụ án liên quan điều 88 Bộ luật hình sự thời gian qua, và điều 117 Bộ luật hình sự từ đầu tháng 7 tới đây.
Ghi nhận từ các buổi sinh hoạt học thuật, lâu nay ở các vụ án “chống đảng”, thường được cơ quan tố tụng chuyển sang cách hiểu về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, vì cho đến nay chưa có bất kỳ luật định cụ thể nào về hành vi thế nào là “tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam”? Nếu cứ bám vào cụm từ “tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam” thì không thể tiến hành các điều tra, xử lý.
Do vậy đã từng có đề nghị là sửa đổi, bổ sung điều 88 Bộ luật hình sự theo hướng: “Điều 117. Tội tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Tuy nhiên đề xuất này đã bị bác bỏ.
Cũng nói thêm, “phản kháng đảng cộng sản”, cũng không chịu sự điều chỉnh của điều 89 Bộ luật hình sự hiện hành, và được thay bằng điều 118 từ ngày 1-7-2016. Cả điều 89 và điều 118 “Tội phá rối an ninh” đều giới hạn phạm vi của tội là “chống chính quyền nhân dân”, không có quy định nào đưa đến cách hiểu “chính quyền nhân dân” chính là “đảng cộng sản”.
Như đã nói, giới thẩm phán tiếp tục lo lắng rằng trong tương lai nếu “phản kháng đảng” tiếp tục đồng nghĩa “chống chính quyền nhân dân” thì quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị dễ bị chụp mũ, và người “phản kháng đảng” tiếp tục đi tù là chuyện không gì bàn cãi.