Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khi nào thì thủy điện gây thêm lũ?

Hiền Vương

(VNTB) – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết vừa qua, hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 với dung tích lớn đã giúp điều tiết, cắt lũ cho khu vực hạ du trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua ở miền Trung.

Ngày 2-11, tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến vấn đề quản lý an toàn, vận hành hồ chứa thuỷ điện.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu với tính dị thường và cực đoan ngày càng lớn, chúng ta đã chứng kiến những cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, kèm theo đó là lượng mưa lớn và kéo dài.

“Do đó, việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và và bão lụt, bảo đảm an toàn của hồ thủy điện, hồ chứa nước, hồ thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của Chính phủ với các bộ ngành” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương để nói về tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Theo đó, tại miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm thậm chí 3.000 mm.

“Với thời gian lưu bão lâu và lượng mưa lớn, liên tục tại khu vực miền Trung, trong khi đây là khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng đất lở, sụt lở gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng….” – lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.

Vậy thì khi nào thủy điện xả nước sẽ gây thêm lũ lụt ở miền Trung mùa mưa bão?

Chia sẻ về quy hoạch và vận hành thuỷ điện nhỏ và vừa trên các hệ thống sông ở miền Trung và Tây Nguyên, Tiến sĩ Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, biện giải: “Khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường – xã hội”.

Tiến sĩ Tô Văn Trường cho biết. đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, do chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn với dung tích hồ chứa rất nhỏ nên hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể.

Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng trên thực tế, thông qua việc xây dựng thủy điện nhỏ có tiềm ẩn tình trạng lợi dụng việc phá rừng xây thủy điện để khai thác gỗ. Thủy điện nhỏ là thuộc địa phương quản lý nên việc kiểm tra cũng phụ thuộc vào địa phương nên khi làm thủy điện nhỏ, người ta còn nghĩ đến việc lấy thêm rừng.

“Quy hoạch năng lượng thủy điện khoảng 25.500 MW, trong khi các nhà máy đang vận hành đã sản xuất được 18.500 MW; dự kiến 143 dự án đang triển khai có công suất khoảng 1.800 MW. Như vậy, còn khoảng 5.000 MW trong quy hoạch – đây rõ ràng là con số quá nhỏ và chúng ta hoàn toàn có thể thay thế được từ nguồn năng lượng khác thay vì hướng vào thủy điện” – ông Chu phân tích.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà có ý kiến mang tính trung dung: “Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói về vấn đề này. Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đối với các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thiết kế nó mới đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu.

Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, các nhà máy thủy điện phải tuân thủ quy chế về điều tiết, đảm bảo an toàn.

Ở góc độ Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thủy điện bao giờ cũng có 2 mặt. Chúng ta không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Chúng ta đã giảm được trên 400 các thủy điện nhỏ trong thời gian vừa qua. Quốc hội đã khóa XIII thảo luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện con”.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra: thế nào là thủy điện nhỏ?

Mặc dù, chưa có sự thống nhất chung quốc tế về định nghĩa thế nào là thủy điện quy mô nhỏ. Ở Canada, thủy điện nhỏ được xác định từ 20 – 15 MW, ở Mỹ và Việt Nam là dưới 30 MW, nhưng phần lớn các nước trên thế giới định nghĩa thủy điện nhỏ có công suất lắp máy là 10 MW.

Đáng chú ý, các nước trên thế giới hiện nay xem thủy điện nhỏ như một dạng năng lượng sạch. Nguyên nhân là do những công trình này được xây dựng trên các sông suối nhỏ ở vùng núi, chỉ có các đập chắn nhỏ, không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng.

Đại diện Bộ Công thương nhìn nhận ở Việt Nam, đa số nhà máy thủy điện nhỏ nhưng được xây dựng trên sông suối những con đập cao, tạo nên hồ chứa lớn để tận dụng, tăng công suất phát điện. Do vậy các công trình này dù nhỏ nhưng vẫn đang lấy đi rất nhiều diện tích rừng, và gây ra những tác động xấu đến môi trường. Điều này hoàn toàn trái với tiêu chí của một thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch như các nước trên thế giới.

Đơn cử như thủy điện Rào Trăng 3, công suất 11 MW, về sau thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13 MW, dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019, diện tích đất sử dụng là hơn 46 ha, trong đó có nhiều diện tích là rừng.

Hay thủy điện nhỏ Hố Hô (14 MW tại giáp ranh Quảng Bình – Hà Tĩnh). Dự án được xây ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu, khống chế diện tích lưu vực 278,6 km2, có đập cao đến 49m, hồ chứa có diện tích 265,26 ha, dung tích 38 triệu m3.

Trong lúc đó thì địa chất Miền Trung là đất yếu. Khi mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã như thế rồi, khi có tác động san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng, đặc biệt là các công trình thuỷ điện thì lại càng tác động đến kết cấu địa hình, nguy cơ càng lớn hơn.

Rừng bị lấy đi quá nhiều cũng là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Theo nhiều chuyên gia, thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng rừng bị mất đi khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.

Những ngày này, người dân miền Trung gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường. Nhưng đâu chỉ có thế! Hàng loạt thủy điện nhỏ xả lũ cấp tập, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.

Điều này cần được giải quyết một cách căn cơ chứ không thể dừng lại ở nội dung của những phiên họp hành ‘rút kinh nghiệm’.

Trên thực tế, thủy điện nhỏ vẫn đang mọc tràn lan. Theo kết quả rà soát, đến nay, số lượng thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành phát điện là 342 công trình (tổng công suất 3.582MW), số lượng đang tiếp tục được thi công xây dựng là 158 dự án (2.122MW); khoảng 300 dự án (3.121MW) đang được nghiên cứu đầu tư; chưa nghiên cứu đầu tư là 69 dự án (hơn 622MW).

Tin bài liên quan:

VNTB – Hà Nội soi cờ vàng trong phòng ngủ người Việt hải ngoại

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Công dân Trần Văn Bang hiện nay ra sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Về một phiếu kết quả xét nghiệm thời dịch virus Vũ Hán Corona

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.