Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khi nào Việt Nam bước vào đỉnh dịch Covid lần 2?

Mỹ Thuận

(VNTB) – “Đỉnh dịch trong 10 ngày tới” là bản tin ngắn đề ngày 6-8-2020 trên báo điện tử “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Như vậy, đỉnh dịch sẽ nhằm ngay sau ngày Quốc tang cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu mất ngày 7-8-2020. Báo chí cho biết tang lễ của ông Lê Khả Phiêu được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày, 14 và 15 tháng 8 năm 2020, có nghĩa kết thúc Quốc tang sẽ là đỉnh dịch Covid lần thứ 2 tại Việt Nam.

Nhận định về mốc đỉnh dịch này, theo nhóm chuyên gia y tế ở TP.HCM, rất có thể sẽ không như dự báo như bản tin trên báo điện tử “Đảng Cộng sản Việt Nam” (*)

Trước tiên, theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – lý giải rằng sở dĩ có con số ‘10 ngày tới’ vì đây là khoảng thời gian các ca dương tính có sẵn trong cộng đồng nếu không được cách ly kịp thời, hoặc những người mang mầm bệnh từ vùng dịch Đà Nẵng về không được quản lý tốt thì dịch bệnh có thể tăng lên.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – phân tích thêm, ‘trong vòng 10 ngày tới’ là khoảng thời gian để những người có nguy cơ ở Đà Nẵng, từng đến Đà Nẵng hoặc liên quan đến người từng đến Đà Nẵng phát bệnh sau một thời gian ủ bệnh. Lúc đó có thể số ca mắc Covid-19 sẽ tăng lên và đạt đỉnh dịch. Do đó, trong giai đoạn này cần phải quyết liệt thực hiện đồng loạt các giải pháp như truy vết, xét nghiệm, cách ly những người nhiễm. Song song đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, tránh tụ tập đông người để hạn chế nguy cơ.

Tuy nhiên diễn biến tình hình cho thấy rất có thể nhận định ’10 ngày tới’ khó thể rơi vào ngày 16-8 cho ‘đỉnh dịch’.

Trưa 11-8, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng phát đi văn bản yêu cầu toàn thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục tình trạng cách ly toàn xã hội kể từ 0 giờ ngày 12-8 đến khi có thông báo mới. Trước đó, thành phố này đã ban bố lệnh cách ly xã hội trong 14 ngày, có hiệu lực từ 0g ngày 28-7.

Bộ Giao thông vận tải cũng tiếp tục dừng các chuyến bay chở khách đến/ đi Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 12-8, đồng thời yêu cầu Cục Hàng không bố trí các chuyến bay hỗ trợ khách du lịch đang mắc kẹt ở Đà Nẵng trở về địa phương. Với lĩnh vực đường sắt, tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách xuất phát và kết thúc tại ga Đà Nẵng. Tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM khai thác bình thường nhưng không được đón, trả khách tại ga Đà Nẵng. Lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ yêu cầu dừng các chuyến tàu chở khách từ bờ ra đảo có điểm đi/ đến là Đà Nẵng, trừ trường hợp đặc biệt.

Đáng chú ý là sáng sớm ngày 11-8, một số tòa soạn báo tại TP.HCM có đăng bài viết “Việt Nam nên làm gì với làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19?”, ký tên Nguyễn Thiện Nhân kèm chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – tuy nhiên sau đó một số tòa soạn ‘lẳng lặng gỡ’. (Trên báo Sài Gòn Giải Phóng còn đăng bài viết này – https://www.sggp.org.vn/dich-covid19-tren-the-gioi-cac-nuoc-dang-buoc-vao-lan-song-covid19-lan-thu-2-va-bai-hoc-cho-viet-nam-678699.html)

Bài viết được đánh giá là có các dẫn chứng số liệu thuyết phục – bao gồm cả chú thích bằng biểu đồ, khả năng được chấp bút từ đội ngũ chuyên gia dịch tễ của TP.HCM. Việc để tên ông Nguyễn Thiện Nhân nhằm để tăng tính quyết liệt của vấn đề trong phòng chống dịch Covid.

Bài viết có đoạn liên quan về ‘đỉnh dịch’ như sau:

“Với dân số 96,5 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Việt Nam là 970 người đang điều trị ở các bệnh viện. Cũng như Campuchia, từ khi có người nhiễm Covid-19 đầu tiên (ngày 23-1-2020), lúc cao nhất Việt Nam chỉ có 178 người nhiễm đang được điều trị, sau đó giảm dần.

Tức là Việt Nam có làn sóng lây nhiễm thứ 1, đạt đỉnh ngày 30-3-2020, song chưa có dịch. Ngày 18-6-2020, cả nước chỉ còn 10 người nhiễm đang được điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, từ ngày 22-7-2020 số ca nhiễm mới đã tăng mạnh, ngày 7-8-2020 đã có 384 người đang được điều trị, gấp 2,16 lần đỉnh lây nhiễm của làn sóng thứ 1 (178 người).

Việt Nam đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2. Sau 190 ngày có lây nhiễm Covid-19 mà không có người nào chết, chỉ 6 ngày từ ngày 31-7 đến ngày 6-8-2020 đã có 10 người chết. Hiện nay chưa dự báo được khi nào thì làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam đạt đỉnh”.

Bài báo nói trên cho biết gián tiếp nguyên do dẫn đến làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai chính là người Trung Quốc:

“Trước ngày 20-7-2020, Việt Nam đã trải qua gần 100 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng, còn người từ nước ngoài về Việt Nam luôn được cách ly triệt để, an toàn dịch.

Vì vậy, việc từ ngày 22-7-2020 xuất hiện hàng loạt ca lây nhiễm tại Đà Nẵng và từ đó lan sang các địa phương khác có nghĩa là: F0 do đợt lây nhiễm ở Đà Nẵng phải là từ nước ngoài vào, qua việc nhập cảnh trái phép đường bộ.

Chỉ riêng tháng 7-2020, tại Đà Nẵng và TP.HCM đã có hàng trăm người nhập cảnh trái phép bằng đường bộ từ một nước đã có dịch Covid-19. Đây chính là yếu tố hoàn toàn khác việc hình thành làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 1.

Từ các F0 từ nước ngoài không được kiểm soát vào Việt Nam đã làm phát sinh hàng loạt F1 dương tính và tạo ra bùng phát lây nhiễm tại Việt Nam từ ngày 22-7 đến nay”.

Như vậy, chừng nào Việt Nam kiểm soát hữu hiệu “các F0 từ Trung Quốc”, thì khi ấy xem ra mới có thể tính toán làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam bao giờ sẽ đạt đỉnh?

_____________

Chú thích:

(*) http://dangcongsan.vn/nong-trong-ngay/dinh-dich-trong-10-ngay-toi-561029.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Cần thay đổi Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền TP.HCM với bài toán kinh tế và quản lý xã hội

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: ‘F0, F1 ở nhà’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo