VNTB – Khi người chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình

VNTB – Khi người chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Xã hội chúng ta rất dễ nghiêng về sự sai trái của đàn ông khi có bạo lực gia đình, ngay cả khi người chồng là nạn nhân.

 

Đàn ông cũng bị phụ nữ bạo hành

Nhiều công trình nghiên cứu xã hội học trên thế giới cũng cho thấy: đôi khi, tỷ lệ bạo lực giới trong gia đình là gần ngang nhau giữa nam và nữ. “Hầu hết nạn nhân đều là nữ, nhưng không phải lúc nào cũng thế, mỗi năm có khoảng 300.000 ông chồng bị vợ đánh đập” (O” Reilly, 1983 – dẫn theo Macionis, 2004, tr.475). Bạo lực vợ chồng liên quan đến chồng đánh vợ cũng như vợ đánh chồng.

Nghiên cứu năm 2000 cho thấy không có sự khác biệt giới trong bạo lực và những ảnh hưởng của bạo lực đối với nạn nhân nam hay nữ đều giống nhau (Lauer va Lauer, 2002, tr. 445-446). Một nghiên cứu trên toàn nước Mỹ chỉ ra: có hơn 55% nam giới từng bị đấm đá, trong khi đó phụ nữ có tỷ lệ thấp hơn: 23% (Jones và cộng sự, 2002, tr. 187). Với 2.947 phụ nữ từ một nghiên cứu năm 1985, Strauss và Gelles thấy rằng, nam giới có khả năng bị bạn đời ngược đãi nhiều hơn.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại 13 tỉnh và thành phố với 4.175 người (trong đó 54.5% là phụ nữ) cho thấy, 12,6% nam giới nói rằng họ bị vợ chửi mắng, và 12,7% phụ nữ thừa nhận chửi mắng chồng; 0,7% nam giới bị vợ đánh và 0,5% phụ nữ từng đánh chồng.

Nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh trong dự án “Nâng cao kiến thức về giới và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho các gia đình nông thôn Việt Nam”, cho thấy: nhiều gia đình có người chồng yêu thương vợ con, chí thú làm ăn trong khi người vợ lại tiêu xài quá mức, không phù hợp với nghề nghiệp, thu nhập và hoàn cảnh. Có những người vợ thuộc diện đệ tử lưu linh và máu me đề đóm, cờ bạc, lười làm ham chơi (Hoàng Bá Thịnh, 2008).

Thống kê năm 2005, Bộ Công an cho biết: cả nước cứ khoảng 2 – 3 ngày có 1 người bị giết liên quan đến bạo hành gia đình, 80% nạn nhân là nữ, số nạn nhân còn lại là đàn ông. Trong năm 2005 có 14% số vụ giết người liên quan đến bạo hành gia đình (151/1113 vụ, trong đó 39 vụ chồng giết vợ, 16 vụ vợ giết chồng). Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2006, tỉ lệ này là 30,5% (26/77 vụ).

Đàn ông cũng cần được bảo vệ

Theo quan niệm thông thường, phụ nữ được xem là “phái đẹp”, nam giới là “phái mạnh”. Vì vậy khi thực hiện chuỗi hành vi giao tiếp với nhau trong quá trình tương tác, mỗi cá nhân sẽ được gán cho một khuôn mẫu hành vi và buộc mỗi cá nhân phải thực hiện, nếu làm sai với quy định đó thì sẽ bị lên án.

Trong gia đình, người chồng được mặc định là phái mạnh, phải gánh vác những việc nặng nhọc trong gia đình như tài chính, ngoại giao. Nếu người chồng không thực hiện tốt vai trò này thì dẫn tới trường hợp người vợ trách móc, lên án hoặc so sánh chồng mình với chồng người ta. Đây cũng là một hình thức bạo lực ngôn ngữ, ảnh hưởng tới tâm lý người chồng.

Quan điểm này đã dẫn tới một hệ lụy xã hội là đàn ông phải là những người làm ra tiền, tạo ra của cải, vật chất. Từ đó tạo ra áp lực cho người đàn ông trong xã hội nam nữ bình đẳng hiện đại. Nếu người đàn ông không kiếm ra tiền, thì sẽ phải nhận những chỉ trích từ phía người vợ, thậm chí là con cái, cha mẹ.

Ngoài ra, việc cho rằng phụ nữ là phái yếu, đôi khi lại gây tác dụng ngược trong mối quan hệ vợ chồng hiện đại. Vô hình trung đặt nặng vai trò của người chồng trong việc xây dựng kinh tế, bảo vệ gia đình. Thậm chí khi người chồng bị vợ đánh, người chồng cũng phải chịu đựng, vì nếu đánh ngược lại thì mang tiếng “đàn ông đánh đàn bà”; nếu kiện tụng, hay than trách thì lại mang tiếng “đàn ông mà bị vợ đánh”

Nam giới là một thành phần quan trọng trong xã hội, tuy nhiên vẫn chưa được đánh giá đúng và đầy đủ, dẫn tới nhiều thiếu sót trong việc bảo vệ quyền bình đẳng giới. Bình đẳng giới không chỉ là bảo vệ lợi ích của người phụ nữ, mà xã hội cần phải hiểu về những vấn đề mà người đàn ông, người chồng trong gia đình gặp phải.

Giảm thiểu bạo lực gia đình không chỉ là bảo vệ người vợ mà còn phải có chiến lược bảo vệ người chồng. Từ đó xây dựng gia đình thuận hòa, là nền tảng cho việc phát triển các thế hệ con cái trong gia đình. Trong một gia đình có cha hoặc mẹ sử dụng bạo lực, sẽ dẫn tới những hậu quả, hệ lụy đáng tiếc cho con cái, kiềm chế tiến bộ chung của xã hội. Thậm chí bạo lực gia đình có thể khiến cho đổ vỡ trong hôn nhân, gia đình ly tán, con cái không được giáo dục toàn diện, dẫn tới các tệ nạn đáng tiếc.

__________________
Tham khảo:

 http://tailieudientu.lrc.tnu.edu.vn/Upload/Collection/brief/brief_26996_30447_134201213587CVv212S022009026.pdf

 http://tapchikhoahoc.hvpnvn.edu.vn/sites/default/files/bai03_2_2020.pdf

 https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/10/01.bcaotomtat_29112010.pdf

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)