Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khi Nhà nước làm phim bị… ế!

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Những phim Nhà nước đặt hàng trước đây thường không thu hút được nhiều người xem.

 

Tuy không được sôi động như bao tin tức khác, nhưng bộ phim Đào, phở và piano cũng được nhắc tới. Đây là một bộ phim do Nhà nước đặt hàng. Phim Nhà nước đặt hàng là phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước được Nhà nước đặt hàng sản xuất. Phim là sản phẩm mang tính đặc thù, gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến khi hoàn thành.

Phim Nhà nước đặt hàng có thể thuộc thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện hay phim kết hợp nhiều loại hình theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Nam diễn viên trong phim Đào, phở và piano cho biết anh cũng rất bất ngờ khi: “Sau một đêm ngủ dậy, bỗng nhiên hàng loạt khán giả nhắn tin cho tôi, hỏi về Đào, Phở Và Piano. Mở vào các trang mạng xã hội, cái tên của bộ phim cũng hiện ra dày đặc. Tôi thực sự quá bất ngờ, bởi trước đó, tôi đã tưởng như tác phẩm này sẽ không có cơ hội tiếp cận được với số đông khán giả, nhận được sự quan tâm và ủng hộ lớn tới vậy”

Cũng theo đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Thanh Vân – Nguyên Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam trả lời báo chí thì ông từng làm phim Nhà nước đặt hàng là Sống cùng lịch sử nhưng phim không được ra rạp. Ông nhờ các mối quan hệ riêng của mình để phim được chiếu ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia, rạp Tháng Tám và rạp Kim Đồng, thế nhưng phim cũng được chiếu rất khiêm tốn, ít người biết vì không có sự quảng bá, giới thiệu đến khán giả.

NSND Thanh Vân cay đắng kể thêm… Năm 1999, phim “Đời cát” của ông sau khi hoàn thành được chiếu ở rạp Tháng Tám nhưng chỉ có 8 người mua vé xem. Em rể ông đành phải trả lại tiền cho khán giả vì ít người xem quá.

Trong khi đó những phim bị chê là “mì ăn liền”, “giá trị nghệ thuật thấp” của tư nhân như phim của Trấn Thành mỗi lần công chiếu dịp tết những năm gần đây đều thu về hàng trăm tỷ cho nhà đầu tư. Cùng đợt chiếu lần này với “Đào, phở và piano” của nhà nước, phim “Mai” của Trấn Thành cho tới hết tháng 2 đã thu về được 500 tỷ từ tiền bán vé. Trấn Thành đầu tư 50 tỷ cho “Mai”, “Đào, phở và piano” được ngân sách nhà nước đầu tư 20 tỷ và tới ngày 5/3/2024 thu về được 11,5 tỷ.

“Cá nhân tôi cũng không thể hiểu vì sao lại như vậy? Nếu nói do truyền thông, tôi không nghĩ vậy. Bởi, có một thực tế, Nhà nước truyền thông giỏi từ hồi nào giờ rồi, từ trước năm 1975 lận. Bởi vậy mới có nhiều người cho rằng mình “nhầm” rồi “bị lừa”. Nhà nước dư sức bỏ tiền ra truyền thông mà. Thậm chí, tôi đọc báo thấy có nhiều rạp chấp nhận chiếu miễn phí phim Đào, phở và piano luôn. Vậy thì có phải do nội dung không? Nội dung ý nghĩa, về lịch sử, văn hóa mà lại không thu hút được nhiều người xem. Hay do cuộc sống đã quá mệt mỏi, giờ xem phim nặng tính lịch sử nữa nên không ưu tiên lựa chọn? Còn với những phim làm đã rồi cất tủ, tôi nghĩ phải coi lại. Ủa, ngân sách xuất ra để làm xong cất tủ hay sao?”  ông Hai một cư dân sống ở Sài Gòn thắc mắc.

Câu hỏi được đặt ra, nếu không kể đến phim Đào, phở và piano, đang được cho là “thu hút nhiều người xem”, vậy thì tại sao với những phim Nhà nước đặt hàng trước đây thường không thu hút được nhiều người xem? Người dân đóng góp vào ngân sách. Ngân sách trích một phần chi ra để làm những bộ phim gắn mác Nhà nước đặt hàng để rồi làm xong bị… cất vào kho! Nguyên nhân là do đâu? Phải chăng chỉ đơn giản là truyền thông? Hay còn do chưa phác họa đầy đủ, đúng với những gì gọi là lịch sử?

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giấc mơ được ‘mở miệng’

Phan Thanh Hung

VNTB – “Khen cho nó chết!”

Phan Thanh Hung

VNTB – An ninh mạng cần vào cuộc xem xét một trang fanpage trên facebook

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo