Nguyễn Nam
Phải đến tháng 3-2022 mới có một Thủ tướng lần đầu tiên đến thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống ở đảo đá Gạc Ma 34 năm trước.
Tháng 3-1988, Việt Nam đưa tàu ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Rạng sáng 14-3-1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến cướp cờ, giết hại chiến sĩ. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.
Báo chí Trung Quốc hàng năm vẫn nhắc lại vụ việc trên như một chiến thắng. Còn phía Việt Nam thì im lặng đến mấy chục năm sau mới dè dặt đề cập đến.
34 năm đi qua, bất ngờ báo chí Việt Nam đưa tin chiều 12-3-2022, lãnh đạo Chính phủ tới dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma; kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.
Ghi trong sổ lưu niệm tại khu tưởng niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam”.
Tin tức cũng dành nhiều cho tường thuật việc chiều cùng ngày, Thủ tướng tới thăm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân và Lữ đoàn 162 của Vùng 4 Hải quân.
Lữ đoàn Tàu ngầm 189 được trang bị các tàu ngầm Kilo 636 và hải đội tàu bảo đảm. Lữ đoàn 162 là đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân.
Tại đây, tin tức cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Quân chủng Hải quân cần dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu những chủ trương, giải pháp và trực tiếp xử lý chính xác các tình huống trên biển; bảo vệ các mục tiêu chiến lược, hoạt động kinh tế biển và môi trường hòa bình trên biển.
Năm 2018 ở Việt Nam có một sự kiện về Gạc Ma đưa đến ngờ vực có sự can thiệp của ai đó.
Cuối tháng 8-2018, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đề nghị kiểm tra, rà soát và thu hồi cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử”.
Công văn viết: “Cục Xuất bản, in và phát hành nhận được Công văn số 193/XBVH ngày 30-8-2018 của nhà xuất bản Văn học báo cáo về việc tạm dừng phát hành cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” do ông Lê Mã Lương chủ biên, xác nhận đăng ký xuất bản số 1253-2018/CXBIPH/04-64/VH, Quyết định xuất bản số 746/QĐ-VH (bản bìa cứng) và 1146/QĐ-VH (bản bìa mềm) để rà soát nội dung, tiến hành sửa chữa những chi tiết sai sót và in lại bản mới.
Tuy nhiên, nhà xuất bản Văn học phát hiện cuốn sách trên vẫn được phát hành trên thị trường. Để ngăn chặn việc phát tán cuốn sách có nội dung sai sót nêu trên ra thị trường, Cục đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra, rà soát và thu hồi tại địa bàn (nếu có) cuốn “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” của nhà xuất bản Văn học”.
Theo cơ quan quản lý về xuất bản, cuốn sách có những nội dung nhạy cảm, dễ gây hiểu sai lệch vấn đề, bản chất lịch sử. Do đó căn cứ khoản 4, Điều 35, Luật Xuất bản quy định: “Khi phát hiện xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này thì cơ sở in phải dừng việc in và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời thông báo với nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt in”.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc công ty First News – Trí Việt: “Sau khi phát hành cuốn sách Gạc Ma vòng tròn bất tử, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của bạn đọc xa gần cùng một số ý kiến đóng góp. Nhận thấy đây là những ý kiến quan trọng, chúng tôi đã đối chiếu và cho kiểm chứng tư liệu, sau đó in đính chính một số chi tiết chưa chính xác và nhanh chóng gọi điện xin lỗi một số gia đình cựu binh Gạc Ma.
Thay mặt cho đơn vị phát hành, chúng tôi xin gửi đến thân nhân các gia đình liệt sĩ, các tướng lĩnh trong quân đội, các nhân chứng Gạc Ma, bạn đọc cả nước lời xin lỗi chân thành nhất”.
Hiện nay sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” treo bảng “hết hàng” trên trang của công ty First News – Trí Việt.
Giờ là năm 2022, dường như mọi chuyện đã không như trước nữa.
Tập sách “Trường Sa 1988- Hồ sơ một sự kiện lịch sử” do Phanbook và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, 2021, là một đơn cử.
Theo lời giới thiệu về tác giả tập sách này, thì, “Võ Hà sinh năm 1984 tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Sư phạm Lịch sử. Hiện anh đang sinh sống làm việc tại Đà Nẵng.
Từ năm 2011, Võ Hà bắt đầu tiếp cận, nghiên cứu các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sớm nhận thấy khoảng trống trong sự hiểu biết của bản thân và thế hệ trẻ Việt Nam về lịch sử Trường Sa – Hoàng Sa, Võ Hà quyết định theo đuổi đề tài này với hy vọng giúp độc giả biết đúng về lịch sử, từ đấy rút ra được những bài học đúng đắn cho quan hệ quốc tế và trách nhiệm với xã hội của mỗi người trong bối cảnh phức tạp hiện nay”.
Trong một diễn biến liên quan về “biết đúng lịch sử” để “được những bài học đúng đắn cho quan hệ quốc tế”, hôm 26-1-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Đài tưởng niệm Pò Hèn để thắp nhang cho các quân nhân qua đời trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc.
Tháp tùng ông Phạm Minh Chính còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Lê Đức Thái và Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Trước chuyến đi của ông Chính, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đi thăm nghĩa trang liệt sĩ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vào ngày 12-1-2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 12-2021 cũng bất ngờ đến thăm nghĩa trang này, nơi có binh lính tử trận trong chiến tranh với Trung Quốc.