Việt Nam Thời Báo

VNTB – Khó bắt giam Nguyễn Xuân Phúc, nhưng bắt bà Thu thì được

Chánh Thành

 

(VNTB) – Nếu làm đúng quy trình thì Tô Lâm khó có thể bắt giam ông Phúc nhưng Tô Lâm hoàn toàn có thể đưa “nguyên đệ nhất phu nhân” vào tù

 

Mạng xã hội những ngày qua lan truyền thông tin Tô Lâm đang muốn bắt giam Nguyễn Xuân Phúc với cáo buộc nhận 100 triệu tiền đô la tiền hối lộ của bà Trương Mỹ Lan trong đại án Vạn Thịnh Phát. Các đồn đoán cho rằng Tô Lâm muốn làm được những thứ mà Nguyễn Phú Trọng chưa làm được để vượt qua cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm để lại. Tuy nhiên, không dễ bắt ông Phúc đúng quy trình.

 

Luật ngầm: không bắt giam uỷ viên bộ chính trị

Trong hệ thống chính trị cộng sản thì ủy viên bộ chính trị là những đảng viên cao cấp nhất. Từ khi thực hiện Đổi mới 1986 tới nay rất hiếm khi có trường hợp ủy viên bộ chính trị bị bắt giam. Một số trường hợp vi phạm nặng nề nhưng chỉ bị kỷ luật khiển trách như cựu bí thư TPHCM Lê Thanh Hải, trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình…

Có người bị kỷ luật xong vẫn được lên chức. Như ông Trương Tấn Sang (ủy viên bộ chính trị từ năm 1996-2016) bị kỷ luật năm 2003 do liên quan vụ án Năm Cam. Nhưng sau đó vẫn lên làm trưởng ban kinh tế trung ương, rồi thường trực ban bí thư, và tới năm 2011 thì lên làm chủ tịch nước.

Hi hữu lắm thì có một trường hợp bị bắt giam là cựu bí thư  thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng, do ông Nguyễn Phú Trọng muốn triệt hạ các thân tín của Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng quy trình đưa ông Thăng ra tòa cũng không đơn giản, đầu tiên phải huỷ tư cách uỷ viên bộ chính trị, sau đó mới khởi tố, bắt giam. Vì từ tháng 1/2016, Đinh La Thăng được bầu vào uỷ viên bộ chính trị khoá 12. Cho nên mãi tới tháng 5/2017 phe Nguyễn Phú Trọng mới tiến hành kỷ luật và cho thôi chức uỷ viên bộ chính trị của Đinh La Thăng (nhưng vẫn được làm phó ban kinh tế trung ương). Rồi tới tháng 12/2017 thì mới khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời gian giữ chức chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Cũng chính vì nguyên tắc không bắt giam uỷ viên bộ chính trị này mà dù rất muốn, nhưng mãi tới chết ông Trọng cũng không thể khởi tố Lê Thanh Hải. Lê Thanh Hải là bí thư TP.HCM trong 2 nhiệm kỳ từ 2006-2016, đó cũng là 2 nhiệm kỳ ông Hải là ủy viên bộ chính trị.

Tháng 1/2020, Trần Cẩm Tú, thân tín của ông Trọng đã ra kết luận Lê Thanh Hải có liên quan tới vụ quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm. Tháng 3/2020 thì ông Hải bị cách chức “nguyên bí thư” TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015. Và phải tới tháng 5 năm nay thì mới bị cách chức “nguyên uỷ viên bộ chính trị”. Và sau khi mất chức “nguyên uỷ viên” này thì ông Hải mới có nguy cơ bị bắt giam.

 

Không bắt chồng thì bắt vợ

Tới đây thì cần nhắc lại ý nghĩa chữ “nguyên” của hệ thống chính trị Việt Nam. Thay vì dùng từ “cựu bí thư”, họ dùng từ “nguyên bí thư”, tức là không còn ngồi ghế đó nữa nhưng vẫn còn “nguyên” các đặc quyền, đặc lợi, vẫn còn là “vùng cấm”, chưa thể đụng tới được.

Như vậy, làm theo đúng quy trình này, muốn bắt Nguyễn Xuân Phúc thì Tô Lâm phải kỷ luật ông Phúc.  Sau đó cho huỷ tư cách “nguyên thủ tướng”, “nguyên chủ tịch nước”, “nguyên uỷ viên bộ chính trị”, rồi mới có thể tiến hành khởi tố những vụ án mà ông Phúc có liên quan.

Xóa các tư cách này của ông Phúc thì rất khó vì chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, Tô Lâm vẫn có thể làm được cái mà ông Trọng chưa từng dám làm, đó là bắt giam vợ của “nguyên thủ tướng”, “nguyên chủ tịch nước”.

Bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Phúc, bị dư luận nghi là trùm cuối trong đại án Việt Á. Trên trang Wikipedia có thông tin cho rằng bà này đã bị bộ công an triệu tập nhiều lần vì nhận số tiền 1.400 tỷ của Việt Á. Ngoài ra bà Thu cũng dính tới nhiều nghi án nhận hối lộ trong vụ “Chuyến bay giải cứu”,  vụ Vạn Thịnh Phát…

Những bê bối của bà Thu là nguyên nhân chính khiến ông Phúc phải từ chức khi mới chỉ làm chủ tịch nước chưa đầy hai năm. Chỉ cần điều tra, làm rõ một trong các đại án trên thì Tô Lâm hoàn toàn có thể đưa “nguyên đệ nhất phu nhân” vào tù. Đây là điều nằm trong khả năng của Tô Lâm và cũng không phải làm trái quy trình, không cần phá vỡ các nguyên tắc ngầm của bộ chính trị.

Và đặc biệt là để người dân thấy ba chuyện. Một là Tô Lâm có thể làm được chuyện mà Nguyễn Phú Trọng chưa làm được. Hai là chỉ có người nhà của chủ tịch nước tham nhũng, chứ chủ tịch nước thì vẫn trong sạch, vẫn giữ được phần nào thể diện cho bộ chính trị. Ba là sẽ tạo ra tiền lệ mới cho đảng, cho bắt  vợ, chồng con cái, người nhà của các “nguyên ủy viên trung ương.”

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB Thủ tướng Scholz đến Việt Nam: Hy vọng cho Trịnh Xuân Thanh?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tổng thống Đức cùng một đoàn doanh nghiệp bãi bỏ chuyến thăm Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Đại biểu và lời hứa với cử tri

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo