Diệp Chi
(VNTB) – “Theo tôi, có người này người kia. Dĩ nhiên biết có thể là khó nhưng nếu ai mình cũng nhìn bằng con mắt phán xét, người đó là ăn xin thật hay ăn xin giả, có quá tội cho họ không?”…
Ghi nhận theo thông tin từ báo chí, ngày 17.1, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường việc quản lý, tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Công an TP. HCM tăng cường công tác chỉ đạo công an quận, huyện, TP. Thủ Đức, phường, xã, thị trấn thường xuyên rà soát địa bàn; phối hợp tổ công tác của các địa phương tập trung kịp thời người lang thang xin ăn. Đặc biệt phải theo dõi, điều tra, đưa ra xét xử các nghi phạm chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật xin ăn để trục lợi.
Là một người từng rong ruổi hằng đêm đi phát quà từ thiện, Ngọc Minh, một bạn trẻ ở Sài Gòn chia sẻ: “Nếu đúng chính quyền mở đợt kiểm tra coi ai ăn xin thật, ai ăn xin giả thì mình ủng hộ. Mình vốn là người trong cuộc, có nhiều đêm đi phát, chưa lại gần những hoàn cảnh, đã có bảo vệ lại cảnh báo, ăn xin giả đó, tối ngồi đó, người ta cho mền, cho quần cho áo, sáng họ đem đi bán hết trơn.
Mình nhớ có 1 lần đi phát quà đêm trên đường Hai Bà Trưng. Khi thấy xe của tụi mình tấp vô lề, là rất nhiều người bu lại, vừa xin vừa lấy. Họ che kín cả đầu xe, không cho là không đi được luôn.
Cũng có trường hợp nằm lề đường, khi lại đưa cho họ tô cháo, họ cảm ơn và từ chối, vì lý do họ đã ăn rồi. Lúc đó cũng là lần đầu tiên mình đi phát, cảm thấy nó bất ngờ. Sau đó là cảm phục họ. Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Hoài nghi về những trường hợp ngồi “ngoài hè phố mưu sinh”, phóng viên Hoàng Mai chia sẻ: “Nói thiệt là có chuyện đi đêm, nhìn người ngồi ngoài đường quá trời, vừa thấy buồn vì cuộc sống càng lúc càng khó khăn, vừa cảm thấy thương cho những người chấp nhận ngồi ngoài đường vì chén cơm manh áo. Đó có thể là một cụ già với lắm bệnh nền. Hoặc một anh công nhân vừa mới thất nghiệp. Hay một người tứ cố vô thân đúng theo nghĩa đen; một ông già gần chín chục ngủ trên chiếc xe xích lô đậu trên vỉa hè…. Rồi mình cũng lân la, cũng tính chụp hình lại, đưa lên cộng đồng. Nhưng bất ngờ lại nhận được sự khó chịu, thậm chí là xua đuổi. Họ còn kêu, có tiền thì cho, không có tiền thì đi đi, không chụp hình gì hết”.
Trái ngược với ý kiến của chị Ngọc Minh, theo bà Thu thì: “Theo tôi, có người này người kia. Dĩ nhiên biết có thể là khó nhưng nếu ai mình cũng nhìn bằng con mắt phán xét, người đó là ăn xin thật hay ăn xin giả, có quá tội cho họ không? Với những người thật sự cùng đường, mới phải ra các ngã ba ngã tư hay hè phố để kiếm miếng ăn, giờ còn bị phán xét. Tôi cũng là người đi phát từ thiện, trước khi đi, tôi và các cộng sự của mình sẽ tìm hiểu trước, ở đâu có người thật sự nghèo khó hoặc có hoàn cảnh nào thắt ngặt hay không, rồi lên cái danh sách giúp đỡ. Nếu lỡ như mình bị lừa, theo quan điểm của tôi, cũng chả sao. Họ lừa tức là họ mang nghiệp, còn mình đang giúp người ta mà”.
Tựu trung lại, câu chuyện của những “lão ăn mày”