Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không phải nông dân, không được thừa kế ruộng vườn

Hồng Dân

(VNTB) – Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ chỉ thuộc đối tượng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. 

 

Hiện nay khi nhiều người nhận tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đa số đều gặp phải một vướng mắc, đó chính là việc phải xác minh mình là nông dân sản xuất trực tiếp nông nghiệp từ cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Quyền dân sự bị hạn chế bởi chủ nghĩa lý lịch

Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Điều 179. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

… đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”.

Tại Khoản 3 và 4 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

… 3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.

Như vậy, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ chỉ thuộc đối tượng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Do vậy, người thừa kế không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận thừa kế đất nông nghiệp theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Phải có xác nhận nông dân mới được thừa kế đất nông nghiệp?

Luật đất đai năm 2013 đã có quy định tại Khoản 29 Điều 3 như sau: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Quy định này đã bao quát mối quan hệ của các thành viên của hộ gia đình là phải có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, nhưng đồng thời phải đang sống chung, cùng sử dụng đất chung.

Bên cạnh đó, Khoản 30 Điều 3 Luật này cũng đã giới hạn phạm vi của hộ gia đình và cá nhân trong việc sản xuất nông nghiệp như sau: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”, bắt đầu từ quy định này Nhà nước đã có sự điều chỉnh về hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Từ quy định trên cho thấy để hộ gia đình, cá nhân được xem là trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thỏa mãn 02 điều kiện: (1) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp bằng một trong các hình thức như được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

(2) Hộ gia đình, cá nhân phải có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tại Khoản 26 Điều 3 Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định: “Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác”.

Như vậy, lần đầu tiên khái niệm “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” được đưa vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và đồng thời cụ thể hóa về “hộ gia đình” tại Khoản 2 Điều 5 như sau: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.

Kinh tế thị trường thì không thể giới hạn về quyền dân sự

Theo ông Đặng Hùng Võ – cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi luật đất đai, cụ thể là việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác dụng làm cho kinh tế nông nghiệp có được sự tham gia của nhiều người khác ngoài tầng lớp nông dân. Bởi Luật đất đai năm 2013 chỉ chuyển nhượng đất nông nghiệp trong phạm vi những người làm nông nghiệp.

Ông Đặng Hùng Võ nhận định: “Nếu có hoạt động tự động chuyển hóa đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì mới phát sinh vấn đề. Mà hoạt động này thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chính quyền cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) giám sát tốt việc sử dụng đất tại địa bàn”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Luật Đất đai sẽ được sửa đổi ra sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tư nhân đầu tư trồng 63.000 ha lúa để xuất khẩu

Trương Thế Tử

Chuyển đổi sân Golf Phan Thiết có đúng quy định pháp luật không? ( Bài 1 -2)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo