Nam Kinh
(VNTB) – “VÀ VUA MIDAS VẪN MANG ĐÔI TAI LỪA” quan điểm của Báo Sạch khi người dân nghi ngờ xác định của Ban Giám đốc bệnh viện 115 (TP.HCM) về cái chết của một bệnh nhân nữ ‘không phải nhiễm cúm Corona.’ Bất chấp các nguồn tin kiểm tra từ các nguồn mà Báo Sạch có, gồm bản tin từ facebook cá nhân của nhà báo Vũ Mạnh Cường, nguyên Phó Tổng biên tập báo Lao Động và hiện công tác ở Vụ thông tin Bộ Y tế. Nhà báo Ngọc Vinh, Thư ký Toà soạn Báo Tuổi Trẻ.
‘Chẳng phải ai cũng thích sự thật và chẳng phải ai cũng đủ khả năng nhìn ra sự thật. Hoặc, có những người chỉ mong điều tồi tệ nhất xảy ra cho đất nước này, xã hội này. Họ quyết tin vào một niềm tin rằng người chết bởi cúm Corona và nhà cầm quyền đang cố bưng bít.’ Báo Sạch nêu quan điểm.
Một bản tin trên tờ báo chính thống thuộc sở hữu của chính quyền cách mạng, năm 1967 đưa tin.
‘Miền Nam diệt gần 365.000 tên địch. Hơn 170.000 quân Mỹ và quân chư hầu.’
Trong cả cuộc chiến tại Việt Nam, số lính Mỹ chết theo Đài tưởng niệm những người Mỹ đã chết ở Việt Nam, gồm 57.939 người (trong đó có 37 cấp tướng).
365.000 tên địch, 170.000 quân Mỹ và chư hầu vẫn thuyết phục người Việt Nam thời điểm năm 1967 đến hết năm 2000. Bởi lúc đó, vũ khí tuyên truyền độc quyền cung cấp tin tức, không có mạng xã hội hoặc chưa đại trà đến mức người dân đặt câu hỏi chất vấn. Báo chí cách mạng hoàn thành tốt vai trò của mình, định hướng tin tức lẫn niềm tin. Người dân tuyệt đối tin tưởng bất kỳ sự kiện, con số nào do báo đưa ra, mặc trong số đó là nói khống lên, sai sự thật.
Thế nhưng tại sao tin tức chính thống phản ánh 16 người bị lây nhiễm Corona tại Việt Nam lại bị nghi ngờ!!?
Chủ nghĩa hoài nghi cách mạng len lỏi mọi ngõ ngách trong xã hội Việt Nam. Và nghi ngờ các ca nhiễm Corona ở Việt Nam là một trong rất nhiều nghi ngờ thông tin do nhà nước phát ra. Đây không phải là hiện tượng nhất thời, đó là hệ luỵ mà nhà nước phải gánh chịu sau thời gian rất dài sử dụng báo chí là công cụ tuyên truyền, định hướng. Hậu quả này sẽ lớn hơn trong tương lai, tương tự như khi Mỹ áp dụng coi các cơ quan báo chí của Trung Quốc là cơ quan ngoại giao.
Nhà nước thông qua báo chí ‘nói’, dân không tin. Nhà nước sử dụng các hot Facebooker để ‘lan tin’, và dân tiếp tục nghi ngờ. Do vậy, câu chuyện không tin một người đổ bệnh trong thời gian này là không dính dáng Corona là câu chuyện thực tế về ‘cậu bé chăn cừu’ phản ánh đúng bản chất câu chuyện, chứ không phải là dùng câu chuyện ‘vua Midas vẫn mang đôi tai lừa’ như cách Báo Sạch ví von.
Người dân Việt ưa sự thật, số lượng này càng tăng nhanh khi họ chán ngấy thông tin một chiều mà nhà nước đưa ra đến mức ví VTV như là ‘Vua Tin Vịt.’ Người dân với tận dụng khả năng đa chiều của mạng xã hội tiếp tục khai thác khả năng nhìn ra sự thật của mình.
Họ có mong điều tồi tệ xảy ra cho đất nước này, xã hội này không? Không hề, ngược lại họ mong muốn cái tốt nhất cho đất nước này, dân tộc này. Họ mong minh bạch, mong tự do, mong dân chủ, mong thịnh vượng, và họ hoàn toàn không mong chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa áp đặt, chủ nghĩa chụp mũ tiếp tục tồn tại trên đất nước này trong tương lai. Thế nên khi đất nước này phủ bóng tuyên truyền, định hướng thì họ vẫn có quyền duy trì chủ nghĩa hoài nghi ở bản thân.
Họ là nạn nhân, và họ đang cố gắng vùng vẫy ra khỏi không gian chật cứng mà họ từng một thời gian dài đằng đẵng bị nhồi sọ.
Cuối cùng, ý đồ bài viết chỉ nhằm giải thích vì sao người dân vẫn nghi ngờ kết quả do nhà nước đưa ra. Không nhằm khuyến khích thái độ cực đoan bài xích tất cả những gì mà nhà nước ban hành, hay dựng tin giả để đối chọi tin thật.